Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hòa Bình: Đa dạng các hình thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật

Thứ Hai, 10/04/2023 10:06 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Xác định rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của tuyên truyền, giáo dục pháp luật, thời gian qua, tỉnh Hòa Bình đã luôn có sự đổi mới, vận dụng linh hoạt, đa dạng các hình thức tuyên truyền, giáo dục nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức, tư tưởng và sự đồng thuận của nhân dân trong việc chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, giữ vững an ninh trật tự ở cơ sở.

Mai Châu là huyện vùng cao của tỉnh Hòa Bình với tỷ lệ người dân là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 90%. Hằng năm, UBND huyện Mai Châu đã luôn coi trọng phát huy vai trò của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật và đội ngũ báo cáo viên pháp luật các cấp. Theo đó, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật huyện thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị đổi mới, đa dạng các hình thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật. Các hình thức, mô hình tuyên truyền được vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt, có nhiều đổi mới, bảo đảm phù hợp với các nhóm đối tượng.

Ngoài tuyên truyền miệng tại các hội nghị, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật đã có sự ứng dụng công nghệ thông tin trong biên soạn các hình ảnh đồ họa; xây dựng video, phóng sự tuyên truyền pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở, trang thông tin điện tử của huyện và các cơ quan, đơn vị, mạng xã hội, internet,... Nhờ đó, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc thực hiện các quy định của pháp luật ngày càng được nâng lên.

Cán bộ, nhân dân xã Bao La, huyện Mai Châu (Hòa Bình) tham dự buổi tuyên truyền, giáo dục pháp luật tại cơ sở. Ảnh: Đinh Hòa.

Chị Vì Thị Thanh ở bản Mỏ, xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu chia sẻ: “Việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật được lồng ghép vào các cuộc họp dân, định kỳ hằng tháng được tổ chức vào buổi tối hoặc lúc bà con nông nhàn; nội dung chủ yếu vận động bà con giữ gìn an ninh trật tự tại nơi cư trú, tích cực phát triển du lịch cộng đồng, không mua bán vận chuyển và sử dụng trái phép các chất ma túy... Bà con trong bản đều đồng tình và thực hiện tốt các quy định hương ước, quy ước của bản”.

Tìm hiểu được biết, cùng với Mai Châu, tại các huyện, thành phố còn lại của tỉnh Hòa Bình, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cũng luôn được thực hiện có nền nếp, hiệu quả trên cơ sở đổi mới, linh hoạt triển khai đa dạng các hình thức tuyên truyền, giáo dục bảo đảm phù hợp với từng dân tộc, phong tục tập quán, trình độ nhận thức của người dân. Qua đó, tạo sự chuyển biến về nhận thức, tư tưởng và sự đồng thuận của nhân dân trong việc chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, giữ vững an ninh trật tự ở cơ sở.

Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, “đối tượng nào, hình thức ấy”, cấp ủy, chính quyền các địa phương cùng cơ quan chức năng, đội ngũ báo cáo viên pháp luật đã tích cực đổi mới hình thức tuyên truyền như lồng ghép trong các hội nghị; phát hành tờ rơi, tờ gấp pháp luật, đĩa CD; hội thi tìm hiểu về pháp luật; phiên tòa giả định.... Lựa chọn phương pháp tuyên truyền phù hợp với từng địa bàn, đối tượng ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn; nạn nhân bạo lực gia đình; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc… Năm 2022, toàn tỉnh tổ chức được 2.105 cuộc tuyên truyền với sự tham gia của hơn 33,4 vạn lượt người. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các luật liên quan thiết thực đến đời sống nhân dân, doanh nghiệp; các chủ trương, chính sách pháp luật phục vụ cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, như Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Đất đai, Luật Giao thông đường bộ, Luật Nghĩa vụ Quân sự, các nghị định mới của Chính phủ…

Tuyên truyền, giáo dục pháp luật bằng hình thức giao lưu, sân khấu hóa tại huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Đinh Hòa.

Đặc biệt, cùng với sự phát triển của đời sống xã hội và xu thế công nghiệp 4.0, hình thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật đã có nhiều đổi mới theo hướng đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ thông tin, góp phần giảm chi phí, nhân lực trong quá trình thực hiện tuyên truyền. Các cổng, trang thông tin điện tử của các sở, ngành, địa phương đã giúp nhân dân tìm hiểu, tiếp cận, khai thác và sử dụng các văn bản thuộc nhiều lĩnh vực. Hoạt động tuyên truyền, giáo dục trên các trang mạng xã hội như facebook, zalo,… cũng được chú trọng với nhiều hình thức sinh động, tránh sự nhàm chán, cứng nhắc, phù hợp với thói quen sử dụng điện thoại thông minh của người dân.

Bên cạnh đó, nhiều mô hình có hiệu quả trong tuyên truyền, giáo dục pháp luật cũng được nhân rộng tại các địa phương như: “Cổng trường an toàn giao thông”; “Thanh niên tham gia tuyên truyền chuyển đổi số”; câu lạc bộ “Bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình”; “Gia đình hội viên phụ nữ không có người thân phạm tội và mắc các tệ nạn xã hội”;…  Hoạt động của gần 390 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, cấp huyện cùng hơn 1.830 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã cũng được duy trì có hiệu quả. Các địa phương cũng thường xuyên củng cố, kiện toàn, duy trì hoạt động của 1.391 tổ hòa giải với 9.426 hòa giải viên. Các tổ hòa giải đã tham gia hòa giải 100% việc phát sinh. Năm 2022, hòa giải thành công 178/210 vụ việc tham gia hòa giải, tỷ lệ hòa giải thành công đạt trên 85%. Các hoạt động trong công tác hòa giải cơ sở đã góp phần tuyên truyền về những chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến với người dân tại cơ sở.

Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, tỉnh Hòa Bình sẽ tiếp tục đa dạng hình thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật. Trọng tâm là tổ chức tốt công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật tại các địa bàn đặc thù, vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật để thu hút, huy động mọi nguồn lực xã hội. Đồng thời, thường xuyên nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát huy vai trò của báo chí, truyền thông trong tuyên truyền, giáo dục pháp luật để giúp đồng bào các dân tộc trong tỉnh có điều kiện nâng cao ý thức, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, góp phần giữ ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn toàn tỉnh./.

Nguyễn Thị Phượng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN