Hỗ trợ nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh
(ĐCSVN) - Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, năm 2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Vĩnh Phúc tập trung chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tập trung cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, đồng thời quyết liệt triển khai các giải pháp giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh (SXKD), tăng khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế.
Ngân hàng hỗ trợ nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh (Ảnh: A.G) |
Năm 2023, nguồn vốn tín dụng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, góp phần thúc đẩy quá trình hồi phục và phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Bám sát các mục tiêu hoạt động trong năm 2023, ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp giữ ổn định thị trường tiền tệ, tín dụng; tiếp tục đồng hành, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi SXKD.
Đa dạng sản phẩm, nâng cao chất lượng các dịch vụ ngân hàng; đơn giản hóa, công khai, minh bạch các thủ tục, quy trình vay vốn; nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng để tăng cường cho vay không có bảo đảm bằng tài sản...
Quyết liệt triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo, điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam về tháo gỡ khó khăn cho SXKD, hỗ trợ thị trường. Chỉ đạo các TCTD tập trung vốn vào những lĩnh vực SXKD, lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn; xuất khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Theo đó, các ngân hàng thương mại đã chủ động tiếp nhận đề xuất xin vay vốn của khách hàng; rà soát, phân loại các đối tượng đủ điều kiện tiếp cận vốn vay ưu tiên theo quy định.
Các TCTD trên địa bàn với chủ lực là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường tuyên truyền chủ trương, chính sách của Chính phủ và NHNN Việt Nam.
Hỗ trợ phát triển kinh tế khu vực nông thôn, trở thành kênh dẫn vốn và quản lý vốn hiệu quả, giúp người dân từng bước xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống, góp phần đáng kể thay đổi bộ mặt nông thôn và thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Nhờ đó, nguồn vốn tín dụng đầu tư cho nông nghiệp nông thôn luôn có mức tăng trưởng ổn định, thúc đẩy phát triển nông nghiệp của tỉnh theo hướng hiện đại, bền vững và từng bước ngăn chặn, đẩy lùi nạn tín dụng đen, cho vay nặng lãi khu vực nông thôn.
Ước hết năm 2023, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh đạt 30 nghìn tỷ đồng, tăng trên 4,5% so với cùng kỳ; cho vay xây dựng nông thôn mới ước đạt 26,8 nghìn tỷ đồng, tăng 1,75% so với năm 2022.
Năm 2023, mặc dù trong bối cảnh chung còn nhiều khó khăn, song ngành Ngân hàng đã có những nỗ lực đáng ghi nhận trong việc cung ứng nguồn vốn phục vụ khôi phục và phát triển sản xuất; thực hiện hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp.
Bên cạnh việc tích cực đẩy mạnh triển khai các gói tín dụng phổ thông, gói hỗ trợ lãi suất 2% đối với nhóm khách hàng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; các TCTD đã linh hoạt, chủ động xây dựng nhiều gói cho vay với lãi suất ưu đãi dành cho nhiều đối tượng, phân khúc khách hàng.
Tích cực thực hiện các biện pháp giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới (mức giảm từ 1,5 - 2%/năm) theo chỉ đạo của Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân có thêm điều kiện phục hồi SXKD.
Lãi suất cho vay bình quân đối với các lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 4 - 4,5%/năm đối với khoản vay ngắn hạn; 7 - 8%/năm đối với khoản trung và dài hạn.
Hiện, trên địa bàn tỉnh có 3.300 khách hàng doanh nghiệp có dư nợ tín dụng tại các TCTD với dư nợ 53 nghìn tỷ đồng, chiếm trên 41% tổng dư nợ, tăng hơn 8,6% so với cùng kỳ.
Trong đó, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn tại các TCTD là gần 3.000 khách hàng, dư nợ cho vay ước đạt 27 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 15% so với cùng kỳ, chiếm gần 51% dư nợ cho vay doanh nghiệp.
Tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động SXKD, trong năm, các TCTD trên địa bàn đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 02/2023 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Lũy kế đến nay, tổng giá trị nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ ước đạt 98 tỷ đồng cho 13 lượt khách hàng.
Năm 2024, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trên toàn địa bàn đạt từ 10 - 12%. Tập trung vốn cho vay các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực SXKD nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế và các chương trình phát triển kinh tế của tỉnh.
Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền giúp người dân và doanh nghiệp nắm bắt các cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động tín dụng ngân hàng. Tiếp tục triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để lắng nghe và tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.