Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hiệu quả từ phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn ở Bình Dương

Thứ Tư, 02/12/2015 10:27 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Những năm qua, nhân dân tỉnh Bình Dương đã tự nguyện hiến đất, góp tiền của, sức lực để làm đường giao thông nông thôn, góp phần vào việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương, gắn với việc hoàn thành các tiêu chí trong chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.


Nhân dân đồng lòng cùng Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống giao thông nông thôn (Ảnh: K.V)

Từ năm 2010 đến nay, hàng nghìn công trình giao thông nông thôn đã được đầu tư xây dựng ở Bình Dương, trong đó, phần đóng góp của người dân không phải là nhỏ. Hiện nay, hệ thống giao thông nông thôn của Bình Dương hầu như đã được nâng cấp bằng vật liệu cứng, những con đường trải nhựa, trải bê tông nối liền các địa phương với nhau, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở những vùng sâu, vùng xa, rút ngắn khoảng cách giữa đô thị với nông thôn một bước đáng kể.

Có thể thấy, đi từ huyện Bắc Tân Uyên đến huyện Phú Giáo, qua thị xã Bến Cát, về thị xã Tân Uyên, Thuận An, Dĩ An, hệ thống đường giao thông nông thôn ở những địa phương này đã thuận tiện, rộng rãi, góp phần làm cho các làng quê ở Bình Dương thêm khang trang, sạch đẹp.

Có được thành công ấy là do suốt thời gian qua, cán bộ, đảng viên và nhân dân Bình Dương đã chung sức, chung lòng cùng phấn đấu xây dựng quê hương giàu mạnh, xóa đói, giảm nghèo, tiến lên thành đô thị hiện đại văn minh. Rất nhiều cá nhân và tập thể ở Bình Dương trở thành những điển hình xây dựng đường giao thông nông thôn, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở địa phương này.

Với quan điểm, xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn là một trong những tiêu chí quan trọng trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Nhận thức sâu sắc điều này, những năm qua, các cấp ủy, chính quyền địa phương tỉnh Bình Dương đã làm tốt công tác vận động nhân dân tham gia làm đường giao thông nông thôn. Chính vì thế, phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn đã được nhân dân đồng tình hưởng ứng.

Ngay khi được chính quyền địa phương vận động, hàng chục hộ dân ở xã Cây Trường, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương đã tình nguyện hiến đất để làm đường giao thông nông thôn. Để người dân hưởng ứng chương trình hiến đất làm đường, Chi bộ ấp Bà Tứ, xã Cây Trường đã xác định đảng viên  trong chi bộ phải là những hạt nhân nòng cốt của phong trào này. Ông Nguyễn Bạch Đằng, Bí thư Chi bộ ấp Bà Tứ cho biết, nhằm phát huy nội lực trong việc mở hai tuyến đường giao thông, chi bộ xác định đảng viên phải là những người đi trước để người dân hưởng ứng theo. Trên tinh thần đó, chỉ trong thời gian ngắn, tại tổ 1 và tổ 4 có gần 40 hộ dân tự nguyện hiến hơn 2 ha đất để mở 2 tuyến đường với chiều dài trên 3.600m. Theo ước tính, tổng giá trị về đất và tài sản trên đất gần 3 tỷ đồng. Được sự đồng thuận cao của người dân hiến đất mở đường, nâng cấp đường nông thôn hay phát động từ các phong trào như phong trào “Ánh sáng an ninh” đã giúp xã Cây Trường hoàn thành tiêu chí về giao thông trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Xác định việc phát triển, mở rộng và nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn là để tạo đà cho việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương, gắn với việc hoàn thành các tiêu chí trong chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, cán bộ, đảng viên xã Tân Vĩnh Hiệp, thị xã Tân Uyên cũng đã tích cực vận động nhân dân hưởng ứng chương trình người dân góp tiền làm đường giao thông nông thôn. Đến nay, xã Tân Vĩnh Hiệp đã bê tông hóa được hàng chục tuyến đường do nhân dân hiến đất, góp tiền.

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhờ sự đồng thuận trong nhân dân, thời gian qua nhiều hộ dân ở xã Tân Vĩnh Hiệp đã tự nguyện hiến đất, hiến cây cối, hiến công trình và góp tiền để làm đường. Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều con đường nhỏ hẹp, đường đất đã được thay thế bằng những con đường nhựa, đường bê tông.

Bà Huỳnh Thị Cúc, người dân ấp Tân Hóa, xã Tân Vĩnh Hiệp cho biết, từ khi xã phát động mở rộng và nâng cấp đường giao thông nông thôn, thấy nhiều hộ dân ở địa phương còn băn khoăn việc góp tiền, bản thân bà đã động viên bà con tình nguyện hiến đất, đóng góp tiền để công trình mau chóng tiến hành, tránh tình trạng nắng bụi, mưa lầy, đem lại lợi ích chung cho người dân trong ấp. Mặc dù kinh tế gia đình còn khó khăn, nhưng hưởng ứng chủ trương của địa phương, gia đình bà Cúc cũng tham gia ủng hộ tiền để làm đường giao thông nông thôn.

Theo ông Nguyễn Thái Bình, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Tân Vĩnh Hiệp, từ năm 2011 -2015, người dân trên địa bàn xã đã tự nguyện đóng góp trên 6,2 tỷ đồng, đóng góp nhiều ngày công, tháo dỡ nhiều tường rào, cổng ngõ để phục vụ cho việc xây dựng đường nông thôn.

Thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, các ban, ngành, đoàn thể của xã Tân Hiệp, huyện Phú Giáo đã đẩy mạnh việc phát triển hạ tầng nông thôn, trong đó tập trung đầu tư nâng cấp các công trình thiết chế văn hóa, văn phòng ấp, nhà văn hóa xã, sân vận động, các công trình khác. Bên cạnh đó, việc tập trung xây dựng các tuyến giao thông nông thôn là một trong những tiêu chí được quan tâm hàng đầu và nhận được sự đồng thuận từ người dân.

Ông Dương Văn Chuyển, người dân ấp 4, xã Tân Hiệp cho hay, để làm đường giao thông nông thôn khang trang, thuận lợi cho đi lại, các gia đình ở đây đã ủng hộ 10 triệu đồng/hộ. Riêng gia đình ông Chuyển ủng hộ thêm gần 15 triệu đồng tiền mặt để làm đoạn đường với kinh phí thực hiện 560 triệu đồng.

Ông Huỳnh Văn Sương, ở tổ 5, ấp 3, xã Tân Hiệp khi nghe có chủ trương làm đường giao thông đi qua đất nhà đã tình nguyện hiến gần 1.000m2 đất và hơn 50 cây cao su đang khai thác để làm đường. Ngoài ra, ông còn ủng hộ thêm gần 10 triệu đồng. Ông Võ Toàn ở ấp 1, xã Tân Hiệp cho biết, khi có chủ trương làm đường ngang qua đất nhà ông, gia đình ông sẵn sàng hiến hơn 3.000m2 đất và gần 100 cây cao su đang khai thác để làm đường. Nhờ sự đồng thuận của nhân dân, xã Tân Hiệp đã được tỉnh Bình Dương công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới hoàn thành sớm hơn 1 năm so kế hoạch….

Có thể khẳng định, với sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương tỉnh Bình Dương, phong trào đóng góp làm đường giao thông nông thông trên địa bàn tỉnh này đã thực sự khởi sắc. Qua đây, hệ thống giao thông nông thôn đã kết nối đồng bộ với các tuyến đường liên huyện, liên tỉnh, tạo sự thuận lợi cho giao lưu, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần để Bình Dương đạt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020./..

                                                                                                                                                                                             K.V

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN