Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hệ luỵ khó lường từ “bão giá” vật liệu xây dựng

Thứ Bảy, 04/12/2021 09:39 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, chỉ số giá xây dựng trong 9 tháng đầu năm 2021 đã tăng 3,65% so cùng kỳ năm 2020, tác động chính là do sự tăng giá của các vật liệu xây dựng đầu vào như: thép, nhựa đường, xi-măng… và các mức tăng không phù hợp quy luật thông thường. Việc giá hàng loạt vật liệu xây dựng quan trọng tăng mạnh đang đẩy nhiều nhà thầu xây dựng đứng trước nguy cơ thua lỗ lớn, phá sản.

 Ảnh minh hoạ (Ảnh: M.P)

Sau khi các nhà sản xuất công bố tăng giá đồng loạt từ cuối tháng 10/2021, giá nhiều loại vật liệu thiết yếu như: xi-măng, sắt thép lại được đẩy lên một nấc mới. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp sản xuất xi-măng đã đồng loạt công bố đợt tăng giá mới trong những ngày cuối tháng 10. Mức điều chỉnh giá trong đợt này cao hơn nhiều so đợt tăng giá gần nhất. Trong đợt này, phần lớn các doanh nghiệp sản xuất xi-măng đã tăng giá bán khoảng 80.000 - 90.000 đồng/tấn. Thậm chí, có doanh nghiệp đã quyết định tăng đến 100.000 đồng/tấn như Xi-măng Chinfon.

Tương tự, giá thép cũng đã tăng mạnh. Sau chuỗi ngày giữ ổn định, giá thép xây dựng trong nước tiếp tục được các doanh nghiệp điều chỉnh tăng lên mức 16.610 đồng - 18.120 đồng/kg tùy thương hiệu… 

Đợt điều chỉnh này là đợt tăng giá thứ 2 trong năm nay của xi-măng và sắt thép. Trước đó, đầu năm 2021, xi-măng, sắt thép trong nước đã có đợt tăng giá mạnh. Riêng mặt hàng sắt thép đồng loạt tăng giá từ 30% đến 40% so quý IV/2020. Giá vật liệu tăng sốc khiến các nhà thầu xây dựng đứng trước nguy cơ vỡ trận, phá sản. 

Theo Báo cáo ngành vật liệu xây dựng từ VIRAC Research, dịch COVID-19 được kiểm soát nhờ độ tiêm phủ vaccine sẽ khiến các hoạt động kinh tế diễn ra sôi động hơn. Các dự án đầu tư công được triển khai mạnh mẽ, những dự án bất động sản trên toàn quốc cũng sôi động hơn, tạo đà tiêu thụ mạnh vật liệu xây dựng như xi-măng, sắt thép khiến giá các mặt hàng này sẽ tiếp tục neo cao. Hệ quả của đà tăng giá các mặt hàng vật liệu thiết yếu là đẩy giá công trình xây dựng lên mặt bằng mới. Việc giá thép tăng mạnh trong những tháng đầu năm và tiếp đà tăng giá trong quý IV đã gây ra rất nhiều khó khăn cho các chủ đầu tư. Không ít chủ đầu tư đã không thể tiếp tục thi công vì tiếp tục làm thì lỗ, thậm chí nhiều chủ đầu tư đành buông xuôi để mặc dự án “đắp chiếu”.

Thực tế, đà tăng của giá xi-măng, sắt thép không khó hiểu, đặc biệt trong những ngày gần đây, khi giá xăng dầu thế giới tăng cao, tác động trực tiếp đến giá nhập khẩu. Giá các loại quặng sắt, giá thép phế liệu nhập khẩu về để sản xuất trong nước đang tăng, đặc biệt, giá than bán cho hộ tiêu thụ lớn tăng 7-10% so cùng kỳ. Cụ thể, giá than trên thị trường thế giới tăng liên tiếp từ tháng 7 đến nay. Tháng 7/2021, giá than là 125,25 USD/tấn; tháng 8/2021 là 150,15 USD/tấn; tháng 9/2021 là 172 USD/tấn; tháng 10/ 2021 là 230 USD/tấn.

Theo chia sẻ của đại diện Vicem, giá than tăng tạo áp lực lớn cho các doanh nghiệp sản xuất xi-măng, bởi đây là ngành tiêu thụ nhiều than, chi phí than chiếm 40 - 45% giá thành sản xuất xi-măng. Không chỉ giá than tăng cao, mà dầu DO dùng để đốt khi mới sấy lò tăng giá trên 10%. Hàng loạt phụ gia dùng trong sản xuất xi-măng cũng tăng giá.

Bộ Xây dựng cho biết, trong quý III/2021, giá chung cư tại TP Hồ Chí Minh tăng khoảng 2%, tại tỉnh Bình Dương khoảng 4%, tại Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 5%. Trên thực tế, giá căn hộ tại nhiều địa bàn đã tăng đến 10%.

Các chuyên gia dự báo, giá các loại vật liệu xây dựng sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022. Hoạt động sản xuất của Việt Nam liên thông với thế giới và chịu tác động trực tiếp từ các đợt tăng giá nguyên liệu nhập khẩu cũng như cung cầu tại từng thời điểm. Do đó, việc điều chỉnh tăng giá là đương nhiên. Có điều, nhiều ý kiến cho rằng, khi giá nguyên liệu đầu vào giảm, các doanh nghiệp trong nước vẫn không có động thái hạ giá, như vậy là không sòng phẳng với thị trường và người tiêu dùng.

Mới đây, Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) đã phải có văn bản kiến nghị lên Văn phòng Chính phủ để có giải pháp tháo gỡ trước tình trạng giá thép xây dựng tăng đột biến.

Theo Chủ tịch VACC Nguyễn Quốc Hiệp, thời điểm này, không chỉ các nhà thầu xây dựng đau đầu với bài toán vật liệu xây dựng tăng giá, mà các chủ đầu tư lớn cũng đang lo sốt vó khi đơn giá xây lắp bị đội lên cao so với dự toán ban đầu, ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư.

Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, chỉ số giá xây dựng trong chín tháng đầu năm 2021 tăng 3,65% so cùng kỳ năm 2020, tác động chính là do sự tăng giá của các vật liệu xây dựng đầu vào như: thép, nhựa đường, xi-măng… và các mức tăng không phù hợp quy luật thông thường.

Thực tế, cho đến thời điểm này, biến động giá vật liệu xây dựng đã thực sự trở thành “cơn ác mộng” đối với các nhà thầu xây dựng, nhất là các nhà thầu thi công các dự án hạ tầng giao thông lớn. Đơn cử như với Liên danh Phương Thành - Cienco4 – đơn vị đang thi công Gói thầu XL2, Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Dầu Giây - Phan Thiết. Tại thời điểm Gói thầu XL2 tổ chức đấu thầu (tháng 10/2020), giá thép tròn do Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận công bố là 12.000 đồng/kg, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Chỉ sau khoảng một tháng, giá thép đã bắt đầu tăng cao trong quý I/2021, tăng đột biến trong các tháng 6, 7, 8 và hiện chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Theo đại diện Liên danh Phương Thành - Cienco4, giá tăng lên từng ngày ở hầu hết các loại vật liệu chính yếu, trong đó giá thép và vật liệu cấp phối đá dăm tăng đột biến. Cụ thể, giá thép mà Liên danh Phương Thành - Cienco4 đang phải mua là 18.722 đồng/kg, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tăng khoảng 60% so quý IV/2020. Không chỉ riêng thép tròn, mà tất cả các loại thép phục vụ thi công gói thầu như thép hình, thép tấm, ống siêu âm, cáp dự ứng lực… cũng đồng loạt tăng giá so thời điểm đấu thầu. Tại Gói thầu XL2, chỉ với khối lượng thép tròn 7.300 tấn, liên danh nhà thầu này đã phải chịu lỗ khoảng… 49 tỷ đồng. 

Bên cạnh đó, do giá xăng dầu tăng, kết hợp với tình trạng khan hiếm do khu vực Bình Thuận, Đồng Nai đồng loạt triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông đã khiến giá cấp phối đá phục vụ sản xuất bê tông xi-măng, đá phục vụ sản xuất bê tông nhựa tăng mạnh. Theo tính toán của đại diện nhà thầu thi công Gói thầu XL2, giá trị chênh lệch cho phần vật liệu này khoảng 44,6 tỷ đồng. Nếu tính cả các chi phí phải bù đắp cho việc tăng giá cho các loại vật liệu khác như: đất đắp, nhựa đường, nhũ tương… Liên danh Phương Thành - Cienco4 đang phải bù lỗ khoảng 278 tỷ đồng, tương ứng 18% giá trị hợp đồng không bao gồm dự phòng

Nhiều nhà thầu khác đang thi công tại Dự án Đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết cũng đang phải gánh chịu những khoản thua lỗ tương tự.

Theo Phó cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông vận tải) Lê Quyết Tiến, giá một số loại vật liệu xây dựng chủ yếu có xu hướng tăng cao là thực tế diễn ra khoảng một năm nay và đã gây nhiều khó khăn cho các nhà thầu thi công xây dựng, đặc biệt đối với các gói thầu lớn. Bộ Giao thông vận tải đang triển khai khoảng 40 dự án đầu tư công. Trong đó, các hợp đồng thi công xây dựng chủ yếu áp dụng loại hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh theo phương pháp hệ số giá điều chỉnh. Nghĩa là dùng chỉ số giá của địa phương công bố; các yếu tố chi phí trong công thức điều chỉnh giá gồm: nhân công, máy thi công, nhiên liệu, nhựa đường, thép, cát, đá, xi-măng… Tuy nhiên, thị trường có biến động lớn, bất thường, trong khi chỉ số giá xây dựng do địa phương công bố không kịp thời hoặc phản ánh chưa sát với biến động giá của dự án, công trình cụ thể, thì việc điều chỉnh giá cho cả hợp đồng cũng khó phản ánh đầy đủ, chính xác mức độ biến động giá đột biến của thị trường.

Được biết, đầu tháng 7/2021, Bộ Giao thông vận tải đã có công văn gửi Bộ Xây dựng đề nghị có văn bản hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Xây dựng các địa phương công bố kịp thời giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo tháng, phù hợp giá cả thực tế của thị trường nơi xây dựng công trình để làm cơ sở cho chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện việc điều chỉnh giá hợp đồng. Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải cũng đề xuất tách riêng các hạng mục công việc có sử dụng thép để áp dụng một công thức nhằm phản ánh sát hơn biến động giá của vật liệu xây dựng, qua đó có chia sẻ hài hòa rủi ro giữa Nhà nước và doanh nghiệp để bảo đảm tiến độ, chất lượng thi công xây dựng.

Trên diễn đàn Quốc hội mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, hiện nay, nhiều quốc gia, đối tác lớn về thương mại, đầu tư của Việt Nam đang trên đà phục hồi mạnh mẽ. Đây vừa là cơ hội thuận lợi để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhưng cũng vừa là thách thức lớn về nguy cơ tụt hậu, lỡ nhịp với xu hướng phục hồi của kinh tế thế giới nếu chúng ta không có những quyết sách, giải pháp linh hoạt, phù hợp, kịp thời, hiệu quả.

Thiết nghĩ, nếu không sớm có giải pháp tháo gỡ kịp thời, linh hoạt, phù hợp, và hiệu quả từ phía các cơ quan chức năng, thì việc giá vật liệu xây dựng tăng cao như hiện nay sẽ không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án, đẩy các nhà thầu xây dựng đối mặt rủi ro, thua lỗ lớn, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nỗ lực phục hồi kinh tế của cả nước.

Minh Phương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN