Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hãy mạnh tay với tin giả!

Thứ Ba, 10/08/2021 12:43 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, thời gian gần đây tình trạng phát tán tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng chống dịch COVID-19 có dấu hiệu gia tăng.

Các chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông, xã hội nhận định rằng tin giả có tác hại
vô cùng lớn, vì thế không thể xem thường và cần có chế tài thật mạnh.

Lây lan như virus

 Từ thời điểm dịch COVID-19 xâm nhập và bùng phát, hầu hết các tỉnh thành đều đã có nhiều chủ tài khoản mạng xã hội bị xử phạt hành chính vì đưa tin giả, nhưng tin giả vẫn phát tán tràn lan.

 "Đừng coi thường tin giả và phải có ý thức phòng ngừa từ sớm" - đó là nhận định của đồng chí Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập báo Nhân Dân.

 Là chuyên gia nghiên cứu về tin giả, đồng chí Lê Quốc Minh đánh giá tin giả đã âm thầm xuất hiện ở Việt Nam từ lâu nhưng ít người để ý, nhiều người vẫn chưa coi đây là vấn đề nghiêm trọng. Tuy nhiên có thể khẳng định rằng tin giả đang thực sự là một mối đe dọa cho xã hội.

 "Chúng ta đã chứng kiến có rất nhiều nội dung vô thưởng vô phạt, thậm chí sai lệch, đã được người dùng mạng xã hội góp phần phát tán rộng rãi. Trong số những người chia sẻ các thông tin thất thiệt trên mạng xã hội có cả những nhân vật có uy tín, có ảnh hưởng, thậm chí được cho là "thạo tin" hơn nhiều người dùng khác, ví dụ như các nhà báo" - đồng chí Lê Quốc Minh thẳng thắn nhìn nhận.

 Theo các chuyên gia tại Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam (VAFC), tin giả được tung ra dưới nhiều hình thức khác nhau, có thể nhằm vụ lợi nhưng cũng có thể chỉ để được lan truyền rộng khắp, "câu view, câu like" trên mạng xã hội.

 Chính vì thế, tin giả thường được gắn với những thông tin, chủ đề "nóng" nhất, đang gây sự chú ý nhất. Và trong thời điểm này, dịch bệnh COVID-19, công tác phòng chống dịch bệnh đang là chủ đề được các "nhà sản xuất tin giả" sử dụng phổ biến nhất.

Đồng chí Lê Quốc Minh phân tích: có những loại tin giả có vẻ vô hại, chẳng hạn là những nội dung đầy tính triết lý, câu chuyện về tình mẫu tử, từ bi, có thể là thông tin có thực nhưng được cắt ghép xào nấu nhằm câu view là chính.

 Cũng có loại tin giả nhằm gây hoang mang dư luận khi ghép ảnh của các nhân vật nổi tiếng, đặc biệt là quan chức chính quyền, với những câu nói bị cắt xén hoặc thậm chí là bịa đặt.

 Đặc biệt đáng ngại là mỗi khi có một vấn đề xã hội gây tranh cãi hoặc tạo ra các dòng dư luận trái chiều, xung đột thì tin giả càng có cơ hội sản sinh và lây lan như virus.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: tuoitre.vn

Tin giả "núp" trong cả nội dung tích cực

 Qua theo dõi và sàng lọc, VAFC phân loại các loại tin giả xuất hiện theo các nhóm thông tin gồm: tin giả về chính sách, pháp luật; kinh tế, tài chính; y tế, sản phẩm y tế liên quan đến sức khỏe con người; thiên tai, dịch bệnh; an ninh quốc gia, trật tự an toàn - xã hội; tài khoản giả mạo; đường link lừa đảo và các lĩnh vực khác.

 Tùy theo mức độ, VAFC phân chia tin giả thành hai mức độ: những thông tin không có thật, tin bịa đặt, vu khống được lan truyền trong xã hội và trên không gian mạng.

 Loại thứ hai là tin sai sự thật, là những thông tin có một phần sự thật nhưng không hoàn toàn chính xác, tin xuyên tạc, bóp méo sự thật; tin không có cơ sở được lan truyền trong xã hội và trên không gian mạng.

 Không chỉ như một số người quan niệm rằng tin giả chỉ mang nội dung tiêu cực thì hiện đang có xu hướng tin giả mang cả những nội dung tích cực, nhân đạo và cũng được phát tán rất mạnh bởi những tin giả này đánh vào tâm lý người dùng mạng xã hội.

 Các chuyên gia của VAFC nhận định: "Một câu chuyện cảm động được nhiều tài khoản Facebook lan truyền, coi "bác sĩ Khoa" vừa qua như người truyền cảm hứng nhưng lại là câu chuyện giả dối, làm giảm đi ý nghĩa của những điều tốt đẹp trên thực tế đang được đội ngũ y tế và các lực lượng phòng chống dịch ngày đêm âm thầm thực hiện".

Đồng chí Lê Quốc Minh cho rằng không nằm ngoài xu thế chung của thế giới, mạng xã hội tại Việt Nam đang là mảnh đất màu mỡ giúp tin giả phát triển.

 "Chưa có nghiên cứu nào cho thấy kỹ năng sử dụng mạng xã hội của người dùng Việt Nam kém hơn so với người dùng ở các nước trên thế giới hay trong khu vực, nhưng tôi cảm thấy lo ngại khi nhiều tin giả ở Việt Nam khá đơn giản mà vẫn lừa được khá nhiều người" - đồng chí Lê Quốc Minh phân tích.

 Dẫn chứng, đồng chí Lê Quốc Minh nêu có những thông tin rất vô lý nhưng nhiều người vẫn xuýt xoa, phẫn nộ, mừng vui thật dễ dàng rồi còn kêu gọi bạn bè cùng trao đổi.

 Nhưng cũng có nhiều loại tin giả được tạo ra với lớp lang vô cùng chuyên nghiệp và thực hiện trong một thời gian dài, khiến nhiều người không thể bình tĩnh nhận định và phát hiện trước khi chia sẻ, góp phần lan tỏa tin giả.

 Còn theo đánh giá của các chuyên gia tại Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, người dùng mạng xã hội khi dễ dàng like hoặc share một dòng trạng thái của người khác thì trong rất nhiều lần chia sẻ mà không cân nhắc, tìm hiểu kỹ nội dung sẽ không thể tránh khỏi việc chia sẻ nhầm những nội dung hoàn toàn giả mạo.

 "Một người đăng nhầm tin giả có thể kéo theo rất nhiều bạn bè chia sẻ lại tin giả đó" - đại diện VAFC cho rằng một trong những giải pháp để chống tin giả cũng như hạn chế ảnh hưởng của tin giả là cộng đồng mạng không chia sẻ những nội dung chưa được kiểm chứng.

 "Chúng tôi đã nhiều lần đưa ra khuyến cáo cộng đồng mạng, nhất là những người có ảnh hưởng trong xã hội không chia sẻ trên mạng xã hội nội dung thông tin chưa được kiểm chứng" - đồng chí Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, nhấn mạnh.

 Ảnh: tuoitre.vn

Toàn làm xã hội xôn xao

Điểm lại thời gian ngắn trong đợt dịch thứ tư vừa qua, toàn quốc đã xuất hiện rất nhiều tin giả và lan truyền nhanh chóng như chuyện "bác sĩ Khoa", hình ảnh về "xác chết do COVID-19 tại TP.HCM", thông tin về "giờ giới nghiêm tại Hà Nội"... cho đến thông tin dán mác Bộ Y tế nói "virus gây bệnh COVID-19 là một loại vi khuẩn nhiễm phóng xạ", giả mạo phát ngôn của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam...

Tin giả không vô thưởng vô phạt

Theo đồng chí Lê Quốc Minh, không thể xem thường tin giả bởi thực tế cho thấy tin giả không hề là vô thưởng vô phạt, nó có thể hủy hoại uy tín của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.

Tin giả kích động thù hận, báng bổ tôn giáo, kỳ thị sắc tộc, từng suýt gây nên sự cố ngoại giao giữa các quốc gia, nó thậm chí dẫn đến những vụ giết người vô tội, có thể tới mức làm rối loạn xã hội.

Nếu chính quyền, các cơ quan báo chí và cá nhân người dùng mạng xã hội không ý thức được điều này và có hành động trong phạm vi trách nhiệm của mình thì sẽ là quá muộn. 

Ảnh: tuoitre.vn

Ngăn chặn, xử lý kịp thời

Trước tình trạng tin giả gia tăng trên không gian mạng, Bộ Thông tin và truyền thông đã đề nghị các bộ, tỉnh tăng cường rà soát, phát hiện kịp thời tin giả, tin sai sự thật.

Các chuyên gia cho rằng hiện chúng ta đã có đủ quy định để xử lý tin giả thì căn cứ vào đây để xử lý thật nghiêm.

Các KOL cũng phải chịu trách nhiệm

Bộ Thông tin và truyền thông đề nghị khi phát hiện tin giả, tin sai sự thật, lực lượng công an, các lực lượng có liên quan cần kịp thời xác minh đối tượng phát tán tin giả, phối hợp với đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và truyền thông để thẩm định nguồn tin, công bố, cảnh báo tin giả, tin sai sự thật và xử lý nghiêm các đối tượng phát tán thông tin vi phạm pháp luật trên địa bàn.

Trường hợp không xác định được danh tính, nhân thân của đối tượng vi phạm, đề nghị phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Công an để có biện pháp ngăn chặn nội dung vi phạm trên không gian mạng.

Đồng chí Nguyễn Đức Thọ - Chánh Thanh tra Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM - cho biết hiện thanh tra Sở Thông tin và truyền thông thường xuyên phối hợp với các cơ quan hữu quan rà soát, kiểm tra và phát hiện tin giả, tin thiếu chính xác... để ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm theo quy định.

Ông Phan Thanh Giản - giám đốc dịch vụ truyền hình ClipTV - cho rằng nên phạt thật nặng khi phát hiện người phát tán tin giả, đồng thời làm việc với các nền tảng mạng xã hội để hạn chế các KOL, người có sức ảnh hưởng lớn mà phát tán tin giả, để hạn chế phát tán.

Tùy mức độ mà xử lý hành chính hay hình sự

Nhận định về tình trạng tin giả tung hoành hiện nay, luật sư Nguyễn Huy Việt - Đoàn luật sư TP.HCM - cho rằng có tình trạng một số người do trình độ nhận thức hạn chế nên chỉ nghĩ tung tin để đùa vui, không để ý đến hậu quả. Cuối cùng là việc tung tin giả có chủ đích gây rối trật tự, an ninh xã hội, gây hoang mang, kích động người dân.

Như vậy, tùy vào động cơ và hậu quả của người tạo lập, tung tin mà cơ quan chức năng có thể xem xét xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự.

Về hành chính, nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định các hành vi vi phạm về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội (điều 101) như: cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân...

Mức phạt tối đa là 20 triệu đồng (đối với tổ chức, cá nhân bằng 1/2 mức trên).

Về hình sự, những người tung tin đồn, tin giả với động cơ xấu, gây hậu quả có thể bị xem xét xử lý hình sự theo các tội danh tại Bộ luật hình sự 2015.

Cụ thể là các tội: tội vu khống (điều 156); tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông (điều 288); tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân (điều 331).

Trước tình trạng tin giả gia tăng trên không gian mạng, Bộ Thông tin và truyền thông đã đề nghị các bộ, tỉnh tăng cường rà soát, phát hiện kịp thời tin giả, tin sai sự thật.

T.AN - Đ.THIỆN - T.HÀ. 

Nên hướng dẫn người dùng kỹ năng kiểm chứng thông tin

Theo bà Hoàng Hường, giám đốc sản phẩm Reputa - hệ thống lắng nghe và giám sát danh tiếng, bên cạnh chế tài xử phạt nghiêm khắc với nhóm tung tin giả có chủ đích và trục lợi, phải làm mọi cách tăng cường nhận thức của dư luận nói chung về vấn nạn tin giả.

Chẳng hạn nên có nhiều hình thức hướng dẫn người dùng mạng xã hội các kỹ năng kiểm chứng thông tin, lựa chọn các nguồn tin chính thống và thói quen dẫn nguồn khi chia sẻ thông tin.

Tóm lại, để xử lý tin giả thì quan trọng nhất vẫn là việc dư luận, cộng đồng phải nâng cao ý thức về việc kiểm chứng thông tin và chung tay làm sạch nguồn tin của mình; còn nếu cộng đồng vẫn chấp nhận sống chung với tin giả thì sẽ vẫn tiếp tục bị nó chi phối./.

Thanh Hà/Báo Tuổi trẻ

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN