Hát Then trong đời sống của đồng bào vùng cao phía Bắc
(ĐCSVN) – Hát Then loại hình nghệ thuật dân gian thẩm thấu đời sống, văn hoá tín ngưỡng, tâm linh của đồng bào Tày, Nùng, Thái ở vùng cao phía Bắc, những điệu Then ẩn chứa, phô diễn những giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời của cư dân bản địa, có vai trò là cầu nối giữa con người với thế giới thần linh.
Hát Then là một loại hình diễn xướng âm nhạc dân gian, nội dung thuật lại cuộc hành trình của con người lên thiên giới cầu xin Then ban cho những điều may mắn và một cuộc sống tốt lành. Hát Then của người Tày phản ánh chuyện từ đời sống, bản mường, đến chuyện tình yêu, ma chay, cưới hỏi…Khi nghiên cứu các lễ Then cổ truyền, các nhà nghiên cứu thấy rõ nhân sinh quan, thế giới quan và bản sắc văn hóa của đồng bào Tày.
Then xuất hiện trong các sự kiện quan trọng của người Tày, Nùng, Thái như: Lễ cầu mùa, cầu yên, cấp sắc...Khi thực hành nghi lễ, người hát Then sử dụng các nhạc cụ như đàn tính, chùm xóc nhạc, quạt, thẻ âm dương, kiếm. Đàn tính được coi là nhạc cụ “hồn cốt” dân tộc, là cầu nối giữa con người với thế giới tâm linh, đồng bào dùng tiếng đàn tính để thay lời muốn nói, bày tỏ nỗi niềm...
Trong các nghi lễ cúng Then và hát Then của người Tày thường diễn ra trong 2 ngày đêm với các nội dung như: Lễ cúng tổ tiên, hành trình lên mời Ngọc Hoàng...Trong thời gian diễn ra nghi lễ, âm nhạc luôn được biểu diễn với nhiều làn điệu phù hợp với từng phần lễ. Không gian trình diễn Then còn xuất hiện rộng rãi trong các hoạt động dân gian của cộng đồng người Nùng, người Thái ở vùng cao phía Bắc.
Theo ông Hoàng Văn Páo, nhà nghiên cứu văn hoá dân gian tỉnh Lạng Sơn: “Hát Then gắn liền với hình ảnh cây đàn tính trở thành bản sắc văn hoá của cộng đồng tộc người Nùng nơi đây”. Ở Tây Bắc, những điệu Then của người Thái bắt nguồn từ cuộc sống lao động, nên Then thẩm thấu những giá trị văn hoá lâu đời, có tính nhân văn sâu sắc. Hát Then không chỉ giải quyết vấn đề tín ngưỡng, mà còn răn dạy con người; ngợi ca đạo đức; chê bai thói hư tật xấu; thể hiện tình yêu nam nữ hay ngợi ca tình yêu thiên nhiên, đất nước…
Biểu diễn hát Then trong Lễ Cầu mùa của người Nùng, tỉnh Lạng Sơn. |
Trong diễn xướng hát Then có giai điệu lúc trầm, lúc bổng, khi trang nghiêm, khi rộn ràng, khi thanh tao, khi lâm li, thống thiết… cuốn hút người tham dự. Ngoài vẻ đẹp ca từ, giai điệu, âm thanh Then còn quyến rũ trong vũ đạo và vẻ đẹp của các đồ thủ công truyền thống ở trang phục, đạo cụ trong nghi lễ.
Trong Lễ cấp sắc, của người Tày, tỉnh Lạng Sơn người xem có thể gặp những điệu Then cổ, hòa tấu đàn tính tổng hòa nhiều yếu tố ngữ văn, âm nhạc, mỹ thuật, múa, diễn xướng dân gian có giá trị về lịch sử, văn hóa, xã hội.
Trải qua thời gian dài, hát Then vẫn được lưu giữ và phát triển bền vững đến nay nhờ sự đam mê, gắn bó của các nghệ nhân và những người dân yêu thích hát Then, đàn tính tại các bản, làng ở tỉnh Lạng Sơn và một số tỉnh vùng cao phía Bắc.
Hoà trong vẻ đẹp của núi rừng, những làn điệu Then, âm thanh của những cây đàn tính tô điểm cho bức tranh làng bản thanh bình, tôn tạo cho nét đẹp văn hoá và bản sắc của đồng bào các dân tộc anh em phía Bắc.
Tại Phiên họp ngày 12/12/2019 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 14 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) diễn ra tại Bogotá, Colombia, di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.