Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hát "càng to càng tốt” khi nào có hồi kết?

Thứ Tư, 17/03/2021 14:55 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Quanh chuyện hát karaoke gây ồn ào chẳng những ảnh hưởng đến không gian sống của người dân mà còn gây không ít hệ quả xấu như cãi lộn to tiếng, làm mất tình cảm hàng xóm, tổn hại sức khỏe, ảnh hưởng học hành của con trẻ, thậm chí đã có án mạng xẩy ra.

Món ăn tinh thần phổ biến

Ra đời năm 1971 tại Nhật Bản, nhờ công nghệ phát triển và giao lưu rộng mở, karaoke hiện đã vượt khỏi phạm vi giải trí chủ yếu của giới kinh doanh, trở thành món ăn tinh thần phổ biến của nhiều gia đình.

Dạo quanh thị trường trong nước có thể dễ dàng nhận thấy giá 1 chiếc loa kéo dùng để hát karaoke không đắt, nguồn điện thì tương đối sẵn, ắc quy cũng nhiều, mà công nghệ lại hiện đại đáp ứng đủ mọi nhu cầu của người bỏ tiền ra mua lẫn người sử dụng. Chán những khuôn mẫu bản nhạc “một thời đã qua”, họ có thêm khe cắm USB với đa dạng loại nhạc, không thì điện thoại thông minh kết nối bluetooth với Youtube sẽ có đủ các món ăn tinh thần được hiện ra trên màn hình.

Nhà giàu hát (để chứng tỏ mình văn minh, biết nhiều, dàn thiết bị hiện đại, bạn bè khách khứa đông, lắm tiệc tùng tụ tập…), gia đình vừa vừa cũng hát (đơn thuần giải trí) và nhà nghèo cũng hát (để quên đi cái sự nghèo, tạo cảm giác thoải mái, khoan khoái…).

“Đám cưới, đám hỏi, tiệc sinh nhật, giỗ chạp, thôi nôi… đủ thứ là bắt cả xã hội phải nghe nhà mình cất vang lời ca như luật bất thành văn. Mà chả có lý do gì cũng hát cho người khác biết là giọng mình hay. Lắm khi hét vào tai nhau chứ hát cái nỗi gì. Biết gào, biết hét nhưng không biết điều”, bạn đọc Lô Ngọc Hùng, 34 tuổi, ở tỉnh Nghệ An lên tiếng.

Nhà ở mặt đất cũng tổ chức hát, nhà chung cư làm dịch vụ homestay cho khách thuê cũng ăn nhậu và hát karaoke. Cùng lắm thì gọi bảo vệ lên nhắc nhở chứ có làm được gì đâu.

Từ phương tiện giải trí lành mạnh, karaoke trở thành thứ tra tấn con người đinh tai nhức óc khắp ngõ cùng quê... (Ảnh: Tá Lâm - Báo Pháp luật TP. HCM) 

Luật và lực không thiếu

Mấy ngày nay, thông tin chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh cùng một số địa phương khác đang nỗ lực tìm cách giải quyết vấn đề nói trên đã thực sự thu hút dư luận, nhưng dường như chưa có giải pháp hữu hiệu.

Điểm sơ sơ hiện 4 Nghị định có thể áp dụng để ngăn chặn “hung thần tiếng ồn”, bao gồm Nghị định 100 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, Nghị định 167 xử phạt về hành vi vi phạm trật tự xã hội, Nghị định 155 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, và Nghị định 98 về xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại.

Ở cấp độ quản lý nhà nước địa phương, thành phố biển Đà Nẵng gần như đi đầu đã có hẳn một lực lượng gồm cán bộ Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường và chuyên viên Trung tâm quan trắc môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) hàng đêm đi đo tiếng ồn ở những một số phòng trà, quán bar.

Còn ở Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế phía Nam, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Lệ khi bàn về chuyện xử lý tiếng ồn, cụ thể là karaoke loa kéo đã dùng cụm từ “lúng túng về trách nhiệm” và cho rằng ngành môi trường nói trách nhiệm ngành văn hóa, ngành văn hóa nói của công an, môi trường rồi xuống quận/huyện… Vậy cuối cùng ai sẽ giải quyết. Trách chính quyền làm ngơ, tránh né nhưng trong thực tế hiện nay "ý thức của một bộ phận người dân còn chưa cao, không có trách nhiệm với cộng đồng dân cư, môi trường sống", nhiều bạn đọc nêu ý kiến như vậy.

Sinh viên Trần Lê Hoài, 19 tuổi, ở quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh đề nghị cần bổ sung vào luật: Chỉ được hát tại cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke; cấm triệt để đem loa ra hát karaoke khi có tiệc tùng lớn nhỏ; Chỉ được phép hát tại gia trong khung giờ cho phép, đồng thời, chủ nhà phải thiết kế cửa cách âm, đóng chặt cửa, điều chỉnh âm lượng để nhà kế bên không bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, bạn Nguyễn Quang Dương, 25 tuổi, ở thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang thẳng thắn chia sẻ, luật đã không theo kịp với ý thức những kẻ say thích cầm mic karaoke rồi. "Dây thần kinh ý thức bị đứt", pháp luật phải mạnh tay nối lại. Phải tăng mức phạt với hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn, nhất là sau 22h00.

Nói về ô nhiễm âm thanh, nếu tổ chức đám hiếu tại nhà thì nghĩa tử là nghĩa tận, gia chủ cũng tương đối có ý thức và cộng đồng cũng cảm thông, nhưng nhạc hiếu cũng chỉ cất lên trong từng lúc, từng đợt chứ không kéo dài liên tục.., còn đám cưới thì thôi rồi, đủ các thể loại mãn nhãn và mãn nhĩ từ những người tham gia.

Lâu nay, mọi quan hệ trong xã hội thường xoay quanh 2 phạm trù là đạo đức và pháp luật. Nhưng hiện nay, hai phạm trù này gần như không còn tác dụng lớn đối với những người thiếu ý thức...

Có quyết tâm ắt thành công

Cùng với dạng ô nhiễm này, chúng ta cũng đang ngày đêm chứng tỏ sức chịu đựng dẻo dai với “ngẫu hứng bấm còi” xe hơi, nẹt pô phương tiện cơ giới, tiếng ồn cơ sở sản xuất công nghiệp… tạo thành thứ nạn được truyền thông ưu ái nâng lên mức “hung thần”, tra tấn người dân, tác oai tác quái bao nhiêu năm chưa dẹp nổi.

Thiết nghĩ, mỗi gia đình, người dân cần nâng cao ý thức với cộng đồng. Cơ quan chức năng cũng cần sớm nâng mức xử phạt, tăng cường công cụ chuyên dụng và đặc biệt là cần nâng cao trách nhiệm, ở mọi cấp độ quản lý. Trong khi chờ đợi những biện pháp đồng bộ, hữu hiệu từ chính quyền, người dân khi thấy hàng xóm phô diễn chương trình karaoke tra tấn xin vui lòng báo công an xã/phường.

Và nếu các gia đình thực sự muốn giải trí thì vui lòng sử dụng phòng cách âm, mic karaoke kèm loa Bluetooth, hát vừa đủ nghe. Nếu không, xem chừng công cuộc làm chùn bước phong trào “ca hát càng to càng tốt” ở Việt Nam chưa có hồi kết!

Anh Tuấn

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN