"Hành tinh Đại dương: Thủy triều đang thay đổi"
(ĐCSVN) – Liên hợp quốc đã chọn chủ đề của Ngày Đại dương Thế giới năm nay (8/6/2023) là “Hành tinh Đại dương: Thủy triều đang thay đổi”, với mong muốn kêu gọi sự hành động từ các nhà lãnh đạo, giới khoa học, những người nổi tiếng và các nhà hoạt động thanh niên... cùng hành động để bảo vệ và quản lý bền vững các đại dương trên hành tinh của chúng ta.
Đại dương là nguồn sống của nhân loại và mọi sinh vật khác trên trái đất
Ảnh minh họa: indiantimes |
Ngày Đại dương thế giới là sáng kiến đầu tiên được Chính phủ Canada đề xuất năm 1992 tại Hội nghị thượng đỉnh Trái đất diễn ra ở Rio de Janeiro. Sau đó được Ủy ban Hải dương học liên Chính phủ (IOC) của UNESCO thừa nhận vào Năm quốc tế đại dương 1998 tổ chức tại Lisbon (Bồ Đào Nha). Từ năm 2009, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã chính thức chọn ngày 8/6 hàng năm là Ngày Đại dương Thế giới để nhắc nhở mọi người về tầm quan trọng của đại dương trong cuộc sống của con người, từ đó nâng cao nhận thức của con người trong việc bảo vệ các đại dương.
Ngày Đại dương Thế giới được diễn ra vào ngày 08/6 hằng năm do Liên hợp quốc thông qua thể hiện sự đoàn kết, kết nối tất cả mọi người trên toàn thế giới với mục tiêu bảo tồn, phát triển bền vững biển và đại dương. Đây là dịp nhắc nhở mọi người về vai trò chính của đại dương trong cuộc sống hàng ngày. Đại dương là lá phổi của hành tinh chúng ta, là nguồn thực phẩm, thuốc men quan trọng và là một phần quan trọng của sinh quyển trái đất.
Bao phủ hơn 70% hành tinh, đại dương chính là nguồn sống của chúng ta, đóng vai trò hỗ trợ nguồn sống của nhân loại và của mọi sinh vật khác trên trái đất. Đại dương tạo ra ít nhất 50% lượng oxy của hành tinh, là nơi sinh sống của hầu hết đa dạng sinh học trên trái đất và là nguồn cung cấp protein chính cho hơn 1 tỷ người trên thế giới. Không những thế, đại dương còn được biết đến với vai trò là “chiếc chìa khóa cho nền kinh tế” của chúng ta với ước tính sẽ có tới 40 triệu người làm việc cho các ngành công nghiệp phụ thuộc vào đại dương tính đến năm 2030. Theo tính toán của các nhà khoa học, đại dương là nơi hấp thụ 30% lượng khí CO2 do con người tạo ra, từ đó giúp làm giảm tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Dù mang lại rất nhiều lợi ích đối với cuộc sống con người, song đại dương bị đe dọa nặng nề và đang kêu cứu. Với 90% quần thể cá lớn bị cạn kiệt và 50% rạn san hô bị phá hủy... con người đang lấy đi nhiều từ đại dương hơn mức có thể bù lắp lại. Chúng ta cần hành động cùng nhau để tạo ra sự cân bằng mới cho đại dương, không làm cạn kiệt nguồn lợi mà thay vào đó cần khôi phục trở lại sự sống động và mang lại sức sống mới cho đại dương.
Từ những lý do trên, Liên hợp quốc đã chọn chủ đề của Ngày Đại dương Thế giới năm nay (8/6/2023) là “Hành tinh Đại dương: Thủy triều đang thay đổi”, với mong muốn kêu gọi được sự hành động từ các nhà lãnh đạo, giới khoa học, những người nổi tiếng và các nhà hoạt động thanh niên... cùng chung tay để quản lý bền vững các đại dương trên thế giới.
Cùng hành động để bảo vệ “sức khỏe” và sự trù phú của đại dương
Một chú sư tử biển đang chơi đùa với một con sao biển ở Baja California. (Ảnh: Hannes Klostermann/Coral Reef Image Bank) |
Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, một trong những thách thức lớn đối với đại dương là tình trạng ô nhiễm nhựa. Mỗi năm, hàng triệu tấn rác thải nhựa đổ vào đại dương, gây ra mối đe dọa đáng kể đối với sinh vật biển. Các mảnh vụn nhựa có thể khiến động vật biển bị mắc lại và nghẹt thở. Khi các mảnh vụn này phân hủy thành các hạt vi nhựa thì chúng có thể bị các sinh vật trong chuỗi thức ăn (bao gồm cả con người) nuốt phải. Ngày Đại dương Thế giới nhằm mục đích nâng cao nhận thức về vấn đề này, đồng thời khuyến khích các cá nhân và cộng đồng giảm thiểu rác thải nhựa, thúc đẩy tái chế và hỗ trợ các sáng kiến làm sạch rác thải biển.
Cũng vì lẽ đó, Ngày Đại dương Thế giới là dịp thôi thúc mỗi cá nhân, cộng đồng và tổ chức trên toàn thế giới cùng nhau hợp tác, hành động và thúc đẩy bảo tồn đại dương. Trong hành trình đó, chúng ta sẽ cùng nhau khám phá ý nghĩa của Ngày Đại dương Thế giới, những thách thức mà các đại dương của chúng ta phải đối mặt và các biện pháp mà chúng ta có thể thực hiện để bảo vệ và phục hồi các đại dương.
Trong đó, bảo vệ và khôi phục môi trường sống ven biển, chẳng hạn như rừng ngập mặn, đầm lầy ngập mặn và thảm cỏ biển đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe và khả năng phục hồi của hệ sinh thái ven biển. Những môi trường sống này là nơi ươm mầm cho nhiều loài sinh vật biển, bảo vệ bờ biển khỏi xói mòn và lưu trữ carbon. Ngày Đại dương Thế giới cũng là dịp để khuyến khích các sáng kiến khôi phục và bảo tồn các môi trường sống ven biển, cũng như giáo dục cộng đồng về tầm quan trọng của chúng và thúc đẩy các hoạt động phát triển ven biển bền vững.
Để giải quyết những thách thức đối với các đại dương của chúng ta thì hành động tập thể là điều cần thiết. Các chính phủ, tổ chức quốc tế và các cá nhân phải hợp tác với nhau để bảo vệ và phục hồi các đại dương. Vào Ngày Đại dương Thế giới, nhiều sự kiện và các hoạt động ý nghĩa diễn ra trên toàn thế giới, chẳng hạn như dọn dẹp bãi biển, chương trình giáo dục, triển lãm nghệ thuật và các sáng kiến nghiên cứu khoa học... Những nỗ lực này sẽ góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, thúc đẩy tinh thần trách nhiệm và hướng tới những thay đổi tích cực trong bảo vệ sự sống của đại dương.
Nhân Ngày Đại dương Thế giới năm nay, Liên hợp quốc sẽ tổ chức một lễ kỷ niệm thường niên vào ngày 8/6/2023 tại cơ quan này ở New York (Mỹ) và được truyền hình trực tiếp. Nội dung chính của lễ kỷ niệm nhằm làm bật chủ đề Ngày Đại dương Thế giới năm 2023 là "Hành tinh Đại dương: thủy triều đang thay đổi".
Lễ kỷ niệm năm nay được tổ chức bởi Cơ quan phụ trách các vấn đề Đại dương và Luật Biển thuộc Văn phòng Pháp lý của Liên hợp quốc, phối hợp với tổ chức phi lợi nhuận Oceanic Global và được hỗ trợ bởi Panerai. Tại sự kiện thường niên năm nay, các đại biểu tham dự sẽ làm sáng tỏ cách thức chúng ta có thể hành động cùng nhau để bảo vệ sức khỏe và sự trù phú của đại dương./.