Hàng không mở cửa đón “sóng” phục hồi
(ĐCSVN) - Dư luận đánh giá, việc hàng không quốc tế được chính thức mở cửa từ ngày 15/02 là một tín hiệu tích cực. Các rào cản về đường bay, tần suất bay quốc tế được loại bỏ sẽ tạo thuận lợi để Việt Nam có thể nhanh chóng đón “sóng” phục hồi kinh tế, nhất là đối với các lĩnh vực hàng không, du lịch, dịch vụ.
Từ ngày 15/02, Việt Nam dỡ bỏ hoàn toàn hạn chế về tần suất khai thác với các chuyến bay quốc tế. (Ảnh: GT). |
Trước hết có thể thấy, cùng với việc tăng tỷ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19, mở cửa nền kinh tế, trong đó có mở cửa hàng không quốc tế đang là xu thế chung của nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Với tỷ lệ người dân được tiêm vaccine tăng cao, nhiều nước trên thế giới đã nhanh chóng đưa ra các chính sách cạnh tranh để thu hút khách quốc tế, đón đầu nhu cầu đi lại sau khi đại dịch từng bước được kiểm soát. Chính sách chủ yếu của các quốc gia là không hạn chế đối tượng và mục đích đi lại, bao gồm cả khách có quốc tịch nước sở tại và khách quốc tế (chỉ cần có hộ chiếu và thị thực hợp lệ). Đây là cách để các quốc gia từng bước đón “sóng” phục hồi kinh tế khi dịch COVID-19 dần được coi là bệnh đặc hữu và các nước xác định sống chung an toàn với dịch.
Trong xu thế đó, nếu chậm triển khai mở cửa hàng không quốc tế, hàng không Việt Nam sẽ đánh mất lợi thế cạnh tranh về điểm đến, không chỉ với khách du lịch, mà còn với các nhà đầu tư nước ngoài đã và đang có nhu cầu đầu tư tại Việt Nam. Đồng thời, chậm mở cửa cũng sẽ khiến các doanh nghiệp hàng không, du lịch vừa bị suy yếu, mất khả năng cạnh tranh với các hãng, doanh nghiệp trong khu vực, vừa gặp khó khăn trong nỗ lực phục hồi phát triển sau đại dịch.
Theo nhiều chuyên gia, đến nay, trên thế giới có xu hướng rất rõ là mở cửa. Rất nhiều nước đã coi dịch COVID-19 là bệnh đặc hữu. Tại Việt Nam, với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, chúng ta đã trở thành một trong 6 nước có độ phủ vaccine cao nhất thế giới. Vì vậy, việc mở cửa nền kinh tế, mở cửa hàng không quốc tế là vấn đề cấp thiết và hoàn toàn hợp lý. “Kinh tế thế giới đang phục hồi, hầu hết các nước đang mở cửa trở lại. Đây là cơ hội để các nền kinh tế chớp lấy đà phục hồi của thế giới, để thúc đẩy phát triển kinh tế của mình. Nếu không mở cửa, Việt Nam sẽ lỡ nhịp phục hồi, tăng trưởng suy giảm”, GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại biểu Quốc hội Khóa XV nhìn nhận.
GS.TS Hoàng Văn Cường. (Ảnh: Phùng Đô). |
Thực tế, việc quyết định mở cửa hàng không quốc tế từ ngày 15/02 là kết quả quá trình nghiên cứu, thí điểm các phương án của nhiều bộ, ngành, đơn vị có liên quan. Trước đó, tháng 12/2021, Bộ Y tế đã có văn bản số 10688/BYT-MT về hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đối với người nhập cảnh Việt Nam để tạo điều kiện để khôi phục bay thương mại quốc tế. Bộ Giao thông vận tải cũng đã sớm triển khai ngay việc đàm phán nối lại đường bay; dịp Tết Dương lịch 2022, một số đường bay thương mại thường lệ cũng đã được thí điểm khôi phục. Ngay sau đó, các hãng hàng không nội địa đã thực hiện thí điểm các chuyến bay thường lệ quốc tế và thí điểm đón khách du lịch quốc tế tới Việt Nam… Việc thí điểm này đã góp phần thúc đẩy đầu tư, khôi phục du lịch, phát triển kinh tế, nhất là giúp doanh nghiệp hàng không giảm bớt khó khăn; đồng thời, đáp ứng nhu cầu đi lại của các chuyên gia, nhà đầu tư, công dân Việt Nam... Đồng thời cũng cho thấy rõ hơn tiềm năng lớn cần sớm khai thác trong các lĩnh vực hàng không quốc tế, du lịch, dịch vụ để thúc đẩy phục hồi kinh tế.
Đến nay, theo thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam, hấu hết các quốc gia Việt Nam đề nghị khôi phục đường hàng không đều đã đồng ý nối lại chuyến bay thường lệ. Các hãng hàng không nội địa đều đã có hoạt động khai thác trở lại đối với các đường bay tới châu Âu, Úc, Mỹ… Ngành Hàng không cũng đã lên kế hoạch khai thác những đường bay quốc tế tới các thị trường mới như Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ…
Hành khách nước ngoài đến thành phố Hồ Chí Minh tại sân bay Tân Sơn Nhất, chiều 15/02. (Ảnh: Quang Định). |
Song song với việc triển khai tích cực chủ trương mở cửa hàng không quốc tế, nhiều ý kiến cũng cho rằng cần có phương án, biện pháp mở cửa phù hợp nhằm bảo đảm an toàn phòng, chống dịch ở mức độ cao nhất. Bởi lẽ, hàng không là lĩnh vực đã và đang chịu tác động trực tiếp từ dịch COVID-19 với lưu lượng người lớn, nên rất cần có những giải pháp cụ thể để đảm bảo việc mở cửa và thích ứng an toàn với dịch bệnh.
Theo đó, trên cơ sở kinh nghiệm bay thử nghiệm hộ chiếu vaccine và bay thí điểm thương mại tới các nước trong thời gian vừa qua, các doanh nghiệp hàng không cần phải đặc biệt coi trọng an toàn cho hành khách và cộng đồng. Cần chuẩn bị đẩy đủ nhân lực, nguồn lực, đảm bảo dịch vụ, phục vụ an toàn trong phòng, chống dịch bệnh; tuân thủ và hướng dẫn hành khách nghiêm túc thực hiện 5K, đảm bảo đúng quy trình chuẩn bị, làm thủ tục và trong suốt chuyến bay.
Các cơ quan chức năng, trực tiếp là Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, điều chỉnh các quy định về nhập cảnh; sử dụng hộ chiếu vaccine; quy định về phòng, chống dịch với hành khách vào Việt Nam, bảo đảm phù hợp với diễn biễn của tình hình dịch bệnh. Trước mắt là cần tăng cường quản lý, giám sát việc chấp hành quy định xuất nhập cảnh, quy định phòng, chống dịch của các doanh nghiệp hàng không…
Theo đánh giá, hàng không hiện là một trong những phương tiện an toàn và có quy trình kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ nhất hiện nay. Do vậy, tuân thủ tốt những quy định về phòng, chống dịch COVID-19 sẽ là cơ sở để Việt Nam thực hiện mở cửa hàng không quốc tế có hiệu quả; tạo thuận lợi, an toàn cho hành khách và thu hút khách du lịch tới Việt Nam. Từ đó, chủ động bắt nhịp, đón “sóng” phục hồi đối với nền kinh tế nói chung, và các lĩnh vực hàng không, du lịch, dịch vụ nói riêng./.