Hà Tĩnh tăng cường công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số
(ĐCSVN) – Thời gian qua, tình hình Nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh ổn định. Đồng bào chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, yên tâm lao động sản xuất, hưởng ứng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước của địa phương.
Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh trao quà Tết cho người dân dân tộc Chứt ở bản Rào Tre (Ảnh: Báo Hà Tĩnh) |
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh vừa ban hành chỉ thị về tăng cường công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Hà Tĩnh.
Hà Tĩnh hiện có hơn 1,3 triệu người, trong đó có 26 dân tộc thiểu số với 571 hộ, 2.373 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ khoảng 0,18% dân số toàn tỉnh. Đồng bào các dân tộc thiểu số ở Hà Tĩnh cơ bản đã đồng hóa, sống xen ghép với người Kinh tại 8 thôn, bản thuộc 3 huyện miền núi: Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang. Riêng dân tộc Chứt có 60 hộ 210 nhân khẩu, sống tập trung ở Bản Rào Tre, xã Hương Liên và Bản Giàng II, xã Hương Vĩnh, huyện Hương Khê.
Thời gian qua, tình hình Nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh ổn định. Đồng bào chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, yên tâm lao động sản xuất, hưởng ứng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước của địa phương. Cấp ủy, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp quan tâm triển khai tốt các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào.
Công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều chuyển biến tích cực; từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động quần chúng Nhân dân. Do đó, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được nâng lên, các tập tục lạc hậu giảm dần, tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ổn định, an ninh trên tuyến biên giới được giữ vững góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố niềm tin của đồng bào đối với Đảng, Nhà nước.
Tuy vậy, hiện nay, đời sống của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, một số hộ chưa có ý thức tự vươn lên trong lao động sản xuất, vẫn còn tình trạng trông chờ, ỷ lại sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền các cấp và lực lượng biên phòng; vẫn còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống; công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào chưa hiệu quả; một số cán bộ làm công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế về năng lực, kỹ năng tuyên truyền, vận động đồng bào; công tác phát huy người có uy tín, xây dựng cốt cán, phát triển Đảng viên, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là người dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn.
Để tiếp tục thực hiện tốt công tác dân tộc, công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đề nghị cấp ủy, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, các ngành, các cấp chỉ đạo tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền đối với công tác dân tộc, công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tổ chức quán triệt, tuyên truyền, triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân đối với công tác dân tộc, công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tăng cường công tác dân vận của các cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc để triển khai thực hiện hiệu quả ở địa phương, cơ sở; tổ chức thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác dân vận; rà soát, tham mưu sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách dân tộc phù hợp với đặc thù của mỗi vùng.
Chú trọng triển khai thực hiện tốt các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ nguồn vốn phát triển sản xuất góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, ổn định đời sống cho đồng bào; quan tâm xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, tu bổ, bảo tồn và phát huy các công trình, các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào.
Dân tộc Chứt ở Bản Rào Tre, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh (Ảnh: Báo Hà Tĩnh) |
Tăng cường công tác cải cách hành chính, nâng cao đạo đức công vụ, tinh thần, ý thức trách nhiệm phục vụ Nhân dân, đồng bào dân tộc thiểu số của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Thực hiện tốt Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở, công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của đồng bào nhất là công tác tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương với Nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đổi mới phương thức công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị- xã hội ở vùng đồng bào. Tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Triển khai thực hiện tốt các phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng, nhân rộng các mô hình điển hình dân vận khéo trên các lĩnh vực, tạo sự lan tỏa trong vùng đồng bào.
Thực hiện tốt vai trò nòng cốt chính trị trong tập hợp, vận động Nhân dân xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy dân chủ, tạo sự đồng thuận xã hội. Quan tâm công tác giám sát, phản biện xã hội, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đồng bào; tập hợp các ý kiến, những vấn đề tâm tư, nguyện vọng của đồng bào để phản ánh, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền các cấp kịp thời giải quyết, xử lý.
Vận động, tập hợp đoàn viên, hội viên là người đồng bào dân tộc thiểu số vào các tổ chức, đoàn thể; phối hợp hiệp thương giới thiệu người đồng bào dân tộc thiểu số tham gia ứng cử Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; phối hợp giám sát hoạt động của các cơ quan, đơn vị nhất là giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, ý thức phục vụ Nhân dân, đồng bào của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Chỉ đạo thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và công tác đối ngoại nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực dân tộc, nhất là việc triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào, không để xảy ra các vụ việc tiêu cực gây mất niềm tin trong Nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Lực lượng vũ trang các cấp làm tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, đoàn thể thường xuyên bám nắm địa bàn, thực hiện phương châm “cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc, cùng nói tiếng dân tộc”, gắn thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của lực lượng vũ trang Quân khu 4 ở vùng đặc thù, trên địa bàn Quân khu, giai đoạn 2023-2030 và những năm tiếp theo” ban hành theo Quyết định số 2036/QĐ-BQP ngày 19/5/2023 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, thông qua đó phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các vấn đề về quốc phòng - an ninh; tích cực tiếp xúc, tranh thủ, phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tuyên truyền, vận động đồng bào nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vấn đề dân tộc, nhân quyền để chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Vận động đồng bào nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, các tà đạo, đạo lạ xâm nhập vào địa bàn gắn với nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, quốc gia. Vận động đồng bào người Kinh tăng cường khối đại đoàn kết, tương thân, tương ái với đồng bào dân tộc thiểu số, giúp nhau cùng phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống, đóng góp chung vào sự phát triển của địa phương. Tổ chức giao lưu văn hóa giữa các vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong và ngoài tỉnh nhất là giao lưu, gặp gỡ giữa đồng bào dân tộc tuyến biên giới với đồng bào dân tộc nước bạn Lào; tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc của hai nước tìm hiểu, giao thương, kết nghĩa, góp phần phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc, làm tốt công tác đối ngoại nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Quan tâm công tác xây dựng hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ nhất là cán bộ làm công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức, đoàn thể; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là người dân tộc thiểu số để bố trí tham gia các tổ chức, đoàn thể nhất là cán bộ làm công tác vận động quần chúng; quan tâm đào tạo kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác dân vận để làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, tham gia tốt các phong trào thi đua yêu nước ở vùng đồng bào.
Quan tâm xây dựng cốt cán, phát huy vai trò của trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Xây dựng, bổ sung và vận động đồng bào thực hiện hương ước, quy ước của thôn, bản để xóa bỏ các tập tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa tiến bộ, văn minh phù hợp với từng địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hằng năm, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ về công tác dân tộc, công tác dân vận cho cán bộ các cơ quan, đơn vị, địa phương vùng đồng bào góp phần làm tốt công tác dân vận của hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tình hình mới...