Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hà Tĩnh: Người nuôi trồng thủy sản gia cố ao, lồng ứng phó mưa bão

Thứ Năm, 19/09/2024 11:15 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Trước diễn biến phức tạp của áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão, chủ các lồng bè ở Hà Tĩnh đang khẩn trưởng kiểm tra, gia cố lồng bè để đảm báo an toàn cho các lồng nuôi cá.

Các hộ dân nuôi cá trong lồng bè ở khu vực phía dưới bara Đò Điệm thuộc sông Nghèn (xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã tập trung gia cố lại lồng bè để tránh ảnh hưởng của mưa lũ. 

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ chiều tối 17/9 đến sáng 18/9, trên địa bàn Hà Tĩnh xảy ra một đợt mưa lớn trên diện rộng. Trước nguy cơ cao xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở các khu vực trũng, thấp, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải đã yêu cầu tổ chức lực lượng trực ban 24/24h tại các cơ quan, đơn vị để chủ động xử lý các tình huống có thể xảy ra, kịp thời báo cáo về UBND tỉnh và Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh.

UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị chức năng tiến hành kiểm tra, rà soát ngay tất cả các vị trí có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt sâu để kịp thời thông báo cho người dân chủ động, phòng tránh có hiệu quả.

Nhằm tránh ảnh hưởng thiệt hại do mưa, bão, ngày 18/9 các hộ dân nuôi cá trong lồng bè ở khu vực phía dưới bara Đò Điệm thuộc sông Nghèn (xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã chủ động kiểm tra lồng bè, gia cố lại toàn bộ hệ thống lồng nuôi như dây neo, phao lồng, lưới, khung lồng, đường đi trên lồng. Vệ sinh lồng sạch sẽ, thông thoáng để thoát nước và treo túi vôi trước dòng chảy để phòng bệnh cho cá. Chủ động di chuyển lồng nuôi về vị trí an toàn hoặc tháo dỡ đưa lên bờ.

Sau khi nắm bắt thông tin mưa lớn do ảnh hưởng của cơn bão số 4, lo ngại sẽ gây thiệt hại cho lồng cá, ông Nguyễn Quốc Minh (53 tuổi, trú tại thôn Song Hải) cùng gia đình dùng nhiều dây thừng cột chặt, gia cố lại lồng bè.

“Gia đình tôi đang nuôi gần 2.000 con cá, giờ nghe thông tin báo mưa bão, chúng tôi đã chủ động kéo thuyền lên cao, gia cố lồng bè nhằm giảm thiểu thiệt hại về kinh tế”, ông Minh cho biết.

Cách lồng bè của gia đình ông minh không xa, ông Nguyễn Văn Cường (41 tuổi, trú tại xã Thạch Sơn) cũng đang khẩn trương gia cố lại lồng bè nuôi cá của gia đình.

“Năm 2023 nhiều hộ gia đình đã mất trắng do ảnh hưởng của mưa bão. Năm nay, trước thông tin mưa lớn tôi và các hộ gia đình khác cũng đã chủ động gia cố lại lồng bè, hi vọng mưa bão giảm để không gây thiệt hại cho người dân”, anh Cường chia sẻ.

Người dân đang dùng bạt, vải che đậy lại phần máy của tàu. 

Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cho biết, hiện nay tổng diện tích thủy sản đang nuôi khoảng 4.011 ha, sản lượng chưa thu hoạch ước khoảng 4.354 tấn. Trước diễn biến mùa mưa bão, đơn vị đã hướng dẫn người nuôi cần có phương án thu hoạch sớm một số thủy sản nuôi ở các lồng đã đạt kích cỡ thương phẩm để tránh thất thoát khi có mưa, bão xảy ra.

Trước đó, sáng 18/9 trận lốc xoáy kèm theo mưa lớn đã khiến nhiều nhà dân bị tốc mái, làm đổ, gãy hàng trăm cây ven biển, hoa màu hư hỏng. Tại xã Thịnh Lộc (huyện Lộc Hà) trận lốc xoáy đã khiến 12 ngôi nhà và mái che sân bị tốc mái. Tương tự, cơn giông lốc xảy ra vào khoảng 1h ngày 18/9, trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) cũng đã khiến 39 nhà dân, công trình phụ trợ, nhiều cột điện và cây cối bị gãy đỗ ở xã Cẩm Dương và xã Nam Phúc Thăng.

Theo Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, khu vực Hà Tĩnh có mưa vừa, có nơi mưa to; lượng mưa tích lũy phổ biến: 30 - 60mm, có nơi trên 80mm. Nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ vùng núi; sạt lở đất trên sườn dốc, sụt lún đất tại các huyện Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang, Đức Thọ, Hồng Lĩnh, Nghi Xuân, Thạch Hà.

Dự báo từ ngày 18/9 đến ngày 21/9, ở khu vực Hà Tĩnh có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 100-300mm, cục bộ có nơi trên 500mm.

Theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, người nuôi trồng thuỷ sản cần chủ động các biện pháp phòng, chống với mưa lớn, bão, lũ, nhất là với những vùng có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét.

Cụ thể là giằng néo lồng bè, đưa lồng bè vào nơi an toàn; tăng cường gia cố, tu sửa bờ ao, cống lấy nước để hạn chế hư hỏng, sạt lở làm thất thoát sản phẩm, nhất là khu vực nuôi tôm trên cát (khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão từ biển đổ vào); chú trọng áp dụng các biện pháp chăm sóc theo hướng dẫn kỹ thuật của chuyên môn trước, trong và sau mưa, bão; chú ý kiểm tra sức khỏe của các đối tượng nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời…/.

Dương Nga

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN