Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

"Hà Nội - thành phố thông minh và hệ sinh thái ngân hàng mở"

Thứ Tư, 02/10/2024 17:12 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Hội thảo "Hà Nội - thành phố thông minh và hệ sinh thái ngân hàng mở" là dịp để cùng trao đổi, thảo luận về những cơ hội và thách thức trong việc xây dựng Hà Nội trở thành một đô thị thông minh, hiện đại và hệ sinh thái ngân hàng mở; đặc biệt là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ với sự tiến bộ vượt bậc của lực lượng sản xuất.

Ngày 2/10, Báo Tiền Phong và Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam tổ chức Hội thảo "Hà Nội - thành phố thông minh và hệ sinh thái ngân hàng mở". Hội thảo là sự kiện điểm nhấn quan trọng của Ngày Thẻ Việt Nam 2024.

Phát biểu khai mạc, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong Phùng Công Sưởng cho biết, Ngày Thẻ Việt Nam 2024 đánh dấu lần đầu tiên UBND thành phố Hà Nội tham gia với vai trò đồng chỉ đạo Hội thảo “Hà Nội - thành phố thông minh và hệ sinh thái ngân hàng mở”. Sở dĩ Ban Tổ chức đưa câu chuyện Hà Nội xây dựng thành phố thông minh là bởi Hà Nội là trái tim của cả nước, là đầu tàu trên nhiều lĩnh vực. Hà Nội đã tiên phong xây dựng thành phố thông minh từ nhiều năm trước, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị gần đây được thể hiện qua Nghị quyết số 18 ngày 30/12/2022 của Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Bên cạnh đó, "hệ sinh thái ngân hàng mở” còn rất mới mẻ ở Việt Nam được Ban Tổ chức làm khảo sát, nghiên cứu và đề xuất đặt tham luận chuyên sâu của lãnh đạo Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước cùng các chuyên gia, ngân hàng tiên phong.

Ngân hàng mở (Open Banking) là xu hướng nổi bật trong ngành tài chính, ngân hàng, mang đến nhiều cơ hội phát triển và cải thiện trải nghiệm khách hàng thông qua sự kết nối giữa ngân hàng và các bên thứ ba. Ban Tổ chức nhận thấy, đây là một trong những nội dung quan trọng giúp Hà Nội giải bài toán đô thị thông minh, bởi lãnh đạo thành phố xác định lấy người dân làm trung tâm, hướng đến người dân để tạo dựng được thành phố thông minh bền vững, phát triển.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu tại Hội thảo.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải, Hội thảo "Hà Nội - thành phố thông minh và hệ sinh thái ngân hàng mở" diễn ra vào đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô. Đây là một sự kiện quan trọng và rất có ý nghĩa, là dịp để cùng trao đổi, thảo luận về những cơ hội và thách thức trong việc xây dựng Hà Nội trở thành một đô thị thông minh, hiện đại và hệ sinh thái ngân hàng mở; đặc biệt là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ với sự tiến bộ vượt bậc của lực lượng sản xuất.

Giữa bối cảnh hội nhập quốc tế và sự phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Hà Nội xác định rằng việc xây dựng một đô thị thông minh là điều tất yếu và cấp thiết. Thành phố thông minh không chỉ là giải pháp để giải quyết những thách thức về dân số, môi trường, giao thông và quản lý tài nguyên, mà còn là nền tảng để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, tối ưu hóa quản lý đô thị và phát triển xanh, toàn diện, bao trùm, bền vững.

"Chuyển đổi số không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là chìa khóa để Hà Nội tiếp tục phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và đặc biệt là nâng cao chất lượng sống cho người dân. Với quan điểm lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm trong phát triển, chuyển đổi số không chỉ giúp xây dựng một hệ thống dịch vụ công minh bạch, hiện đại và hiệu quả mà còn góp phần vào quá trình xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, thúc đẩy sự phát triển của Thủ đô và của đất nước, đem đến hạnh phúc cho người dân", Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nói.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng, dưới sự định hướng, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đang dần chuyển mình, thay đổi mô hình hoạt động truyền thống sang mô hình ngân hàng mở, gắn liền với sự kết nối và tích hợp nền tảng công nghệ, giải pháp thanh toán, chia sẻ dữ liệu... nhằm phát triển một hệ sinh thái số, hệ sinh thái ngân hàng mở.

Nói về chuyển đổi số trong quản lý giao thông đô thị tại Hà Nội, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông thành phố Hà Nội Trần Thị Phương Thảo chia sẻ, hoạt động này đang được đẩy mạnh nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng một thành phố thông minh. Một trong những ưu tiên hàng đầu của Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội là tăng cường áp dụng công nghệ hệ thống giao thông thông minh (ITS) để nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả quản lý.

Quang cảnh hội thảo 

Mạng lưới vận tải hành khách công cộng đa phương thức trên địa bàn thành phố đã bước đầu hình thành bao gồm: 2 tuyến đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông và đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy đã đi vào hoạt động; 11 tuyến buýt nhanh BRT và 152 tuyến buýt (trong đó có 10 tuyến xe buýt điện và 10 tuyến buýt sử dụng năng lượng sạch khí CNG). Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông thành phố Hà Nội đã phối hợp các đơn vị liên quan triển khai nhiều ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ cho hành khách và tăng cường năng lực quản lý của cơ quan nhà nước.

Ông Nguyễn Quốc Huy, Phó Chủ tịch Quản lý kinh doanh, Tổ chức thẻ Mastercard đánh giá, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển ngân hàng mở. Ngân hàng mở thực sự trao quyền cho người tiêu dùng, cho phép người tiêu dùng chia sẻ dữ liệu tài khoản tài chính của họ một cách an toàn với các nhà cung cấp dịch vụ tài chính khác. Ngân hàng mở cung cấp cho người tiêu dùng các dịch vụ tài chính được cá nhân hóa, giúp họ quản lý tài chính hiệu quả hơn.

Ngân hàng mở sẽ tổng hợp thông tin từ nhiều tài khoản, thẻ tín dụng và các dịch vụ chuyển tiền kỹ thuật số trong một giao diện người dùng duy nhất. Người tiêu dùng có thể thanh toán trực tiếp thông qua dịch vụ họ đang sử dụng mà không cần phải chuyển đổi giữa các ứng dụng ngân hàng hoặc các dịch vụ thanh toán khác nhau.

Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng sử dụng nhiều giải pháp số cho các nhu cầu tài chính hằng ngày của họ. Trong 6 tháng đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã báo cáo con số ấn tượng là 8 tỷ giao dịch không dùng tiền mặt, trong đó thanh toán qua internet tăng 50%, thanh toán qua thiết bị di động tăng 60% và giao dịch qua mã QR tăng vọt 104%. Để Ngân hàng mở thành công tại Việt Nam, tất cả các bên liên quan (cơ quan quản lý, bên thứ ba và ngân hàng) cần hợp tác để giải quyết các thách thức.

Bảo Chi

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN