Hà Nội quyết liệt chống dịch, bảo đảm cuộc bầu cử thành công, an toàn tuyệt đối
(ĐCSVN) - Công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đang vào giai đoạn nước rút, đúng vào thời điểm dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp. Vì vậy, Hà Nội đã và đang chủ động thực hiện các phương án linh hoạt, bảo đảm chống dịch, bầu cử thành công.
Hội nghị tiếp xúc cử tri theo hình thức trực tuyến từ quận Ba Đình tới các điểm cầu cơ sở. |
Đa dạng, linh hoạt phương thức tiếp xúc cử tri
Sáng ngày 8/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các ứng viên đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đơn vị bầu cử số 1 thành phố (TP) Hà Nội đã tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử. Việc tiếp xúc được thực hiện theo Luật định nhưng điều đặc biệt là việc này được tổ chức bằng hình thức trực tuyến đến toàn bộ các phường trong đơn vị bầu cử. Được kết nối trực tuyến từ điểm cầu chính tại trụ sở HĐND-UBND quận Ba Đình với hơn 50 điểm cầu của các quận Đống Đa, Hai Bà Trưng và 53 phường thuộc ba quận với 2.420 cử tri tham gia, đại biểu và cử tri tham dự đều phải thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 như sát khuẩn, khử trùng, ngồi giãn cách, đeo khẩu trang, khai báo y tế,…
Đánh giá về hình thức tổ chức này, cử tri Nguyễn Thị Ngọc Diễm, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng cho rằng, việc tiếp xúc với cử tri qua trực tuyến là hình thức mới mẻ nhưng rất hiệu quả, cử tri yên tâm hơn khi không phải gặp trực tiếp nhiều người, đảm bảo được công tác phòng chống dịch COVID-19 theo khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế mà vẫn được nghe, được xem tường tận về chương trình hành động của các ứng cử viên và đặc biệt là cử tri được phát biểu, được bày tỏ quan điểm của mình với ứng cử viên như được tiếp xúc trực tiếp.
Điều đáng nói, đây không phải là hội nghị duy nhất được thực hiện như thế này. Trước đó, ngày 7/5, tại quận Thanh Xuân, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri với người ứng cử ĐBQH khóa XV thuộc đơn vị bầu cử số 3. Gần 100 đại biểu tham dự trước khi vào hội trường đều được yêu cầu đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, sát khuẩn tay, khai báo y tế qua mã QR hoặc trên giấy. Hội trường lớn của quận Thanh Xuân với sức chứa 300 người nhưng để bảo đảm giãn cách, Ban tổ chức chỉ bố trí gần 100 cử tri và đại biểu tham dự. Đây cũng là đầu cầu chính kết nối với 11 điểm cầu tại 11 phường để cử tri trên địa bàn có thể theo dõi, nắm bắt tiểu sử, chương trình hành động các ứng cử viên ĐBQH.
Bà Đỗ Thị Duy Nhiên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Ba Đình cho biết, khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, bám sát sự chỉ đạo của Thành ủy-HĐND-UBND- Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP, quận đã phối hợp triển khai ngay cuộc tiếp xúc cử tri theo hình thức trực tuyến. Tại buổi tiếp xúc, cử tri ở các điểm cầu lần lượt được đăng ký phát biểu, đường truyền âm thanh, hình ảnh về điểm cầu chính rõ nét, không bị gián đoạn. Sau đó, các ứng cử viên có phần trao đổi lại, hoàn toàn tuân thủ nghiêm nguyên tắc về phòng dịch nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả buổi tiếp xúc cử tri.
Trước đó, ngay từ ngày 5/5, nhiều đơn vị bầu cử trên địa bàn Hà Nội đã bước vào giai đoạn tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để các ứng cử viên ĐBQH và HĐND các cấp vận động bầu cử theo luật định. Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã kịp thời có văn bản hướng dẫn việc tổ chức vận động bầu cử phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch.
Theo đó, tại các nơi tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử đã áp dụng chặt chẽ quy trình kiểm soát đo thân nhiệt, sát khuẩn tay, khai báo y tế trên giấy và qua mã QR, đeo khẩu trang đối với tất cả cử tri và các ứng cử viên trước khi vào tham dự hội nghị. Đồng thời bố trí chỗ ngồi trong hội trường giữ khoảng cách an toàn.
Đáng chú ý, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, MTTQ các quận, huyện, thị xã của TP Hà Nội thống nhất với ủy ban bầu cử cùng cấp về số lượng, cách thức tổ chức vận động bầu cử phù hợp thực tế địa phương, vừa bảo đảm quyền vận động bầu cử của người ứng cử, vừa bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19.
Cùng với việc giảm số lượng hội nghị tiếp xúc cử tri, các địa phương tăng cường tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở, giới thiệu về tiểu sử, chương trình hành động của những người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp theo từng đơn vị bầu cử, lồng ghép tuyên truyền trong các hội nghị của các đoàn thể chính trị - xã hội. Qua đó, tạo điều kiện cho đông đảo cử tri được tiếp cận, nắm bắt thông tin liên quan ứng cử viên, bảo đảm bình đẳng giữa những người ứng cử bằng các hình thức phù hợp.
Là cơ quan thường trực chủ trì tổ chức việc tiếp xúc cử tri trên địa bàn TP, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã chủ động bám sát hướng dẫn của cấp trên để tổ chức cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương cho biết, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19 và việc bùng phát dịch bệnh trở lại ở nhiều quốc gia trong khu vực và ở nước ta, ngày 27/4/2021, Thường trực Ban Bí thư đã có công điện yêu cầu tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch, nhất là trong công tác chuẩn bị bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Thực hiện nghiêm chỉ đạo này, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã có hướng dẫn số 61/HD-MTTW-BTT ngày 4/5/2021 về tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch. Trong đó nhấn mạnh cần phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, vận dụng linh hoạt và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Phải đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế và quy định của địa phương, sắp xếp các chỗ ngồi giữ khoảng cách an toàn.
Thực hiện đúng tinh thần này, TP Hà Nội đã và đang tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri để ứng cử viên ĐBQH khóa XV vận động bầu cử theo hình thức trực tuyến. Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp mà ngày bầu cử chỉ chưa đầy nửa tháng nữa là tới, thì biện pháp này đã khẳng định sự chủ động, linh hoạt và hiệu quả rõ nét của việc ứng dụng công nghệ trong các lĩnh vực.
Tập trung cao độ các biện pháp phòng dịch
Tại cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, huyện Đông Anh có tổng số 208 khu vực bỏ phiếu, 183 đơn vị bầu cử. Từ ngày 30/4 đến ngày 3/5, Ủy ban Bầu cử các xã, thị trấn cùng 208 tổ bầu cử đã hoàn thành niêm yết danh sách chính thức những người ứng cử theo quy định pháp luật. Đến ngày 7/5, huyện đã tổ chức xong hội nghị tiếp xúc cử tri của người ứng cử đại biểu HĐND huyện tại 24/24 xã, thị trấn; lập và niêm yết danh sách 256.944 cử tri trên địa bàn toàn huyện...
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và các đồng chí lãnh đạo TP kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử và phòng, chống dịch COVID-19 tại khu vực bỏ phiếu số 1, xã Kim Chung, huyện Đông Anh. |
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho biết, huyện Đông Anh thuộc Đơn vị bầu cử số 2 cùng với quận Hoàn Kiếm và quận Long Biên trong bầu cử ĐBQH, có 5 ứng cử viên để bầu lấy 3 đại biểu. Đối với bầu cử đại biểu HĐND TP, huyện là Đơn vị bầu cử số 21 với 7 ứng cử viên, bầu lấy 4 đại biểu... Huyện ủy, Ban Chỉ đạo bầu cử và Ủy ban Bầu cử huyện đã quán triệt kịp thời các văn bản của cấp trên, chủ động lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuẩn bị bầu cử, gắn với phòng, chống dịch COVID-19. Huyện đã kích hoạt và phát huy hiệu quả các tổ COVID cộng đồng. Tính từ ngày 29/4/2021 đến nay, trên địa bàn huyện có 10 ca F0; 140 ca F1; 338 ca F2 và 149 trường hợp liên quan. Huyện đã thực hiện cách ly, phong tỏa 4 khu vực có dịch; trong đó, 3 khu vực do huyện ban hành quyết định cách ly (thôn Lỗ Giao, xã Việt Hùng; khu tập thể ga Cổ Loa, thôn Trung, xã Việt Hùng; xóm 2 Bắc, thôn Bắc, Kim Nỗ) và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 2 do Bộ Y tế ban hành quyết định. Toàn huyện đã ban hành 1.535 quyết định cách ly y tế tại nhà, nơi cư trú; lập 1.164 chốt cách ly y tế tại nhà…Hiện các xã, thị trấn trên địa bàn huyện thành lập đội công tác phối hợp tổ COVID cộng đồng, các đoàn thể ở cơ sở đi đến từng nhà, tuyên truyền người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; thực hiện thông điệp "5K" của Bộ Y tế và chỉ đạo của thành phố. Xây dựng các phương án bảo đảm an ninh - trật tự và phòng, chống dịch, nhất là tại các khu vực bỏ phiếu, xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật liên quan công tác bầu cử, chuẩn bị hòm phiếu phụ tại các điểm cách ly.
Tại thời điểm này, việc chuẩn bị sẵn sàng cho ngày bầu cử và triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19 là hai nhiệm vụ cấp bách, khẩn trương được TP Hà Nội đặc biệt chú trọng và yêu cầu 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thực hiện nghiêm. Thành phố đã thành lập 10 ban bầu cử ĐBQH khóa XV và 30 ban bầu cử đại biểu HĐND TP nhiệm kỳ 2021-2026; UBND quận, huyện, thị xã thành lập 269 ban bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện; UBND xã, thị trấn thành lập 3.056 ban bầu cử đại biểu HĐND cấp xã; UBND xã, phường, thị trấn thành lập 4.831 tổ bầu cử tại 4.831 khu vực bỏ phiếu theo quy định.
Ngay sau khi xuất hiện ổ dịch tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, công tác phòng, chống dịch được nâng lên ở mức cảnh báo cao hơn. Hà Nội khuyến cáo người dân không ra khỏi nhà khi không có việc thật cần thiết. Tại tất cả các khu vực bỏ phiếu, công tác kiểm soát, phòng, chống dịch cũng đã được thực hiện nghiêm.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử TP cho biết: Các nội dung công việc liên quan đến công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã được TP Hà Nội triển khai nghiêm túc, kịp thời, đúng quy trình, tiến độ, theo đúng chỉ đạo của Hội đồng Bầu cử quốc gia và kế hoạch của Ủy ban Bầu cử TP Hà Nội. Đến nay đã hoàn thành 23/33 nội dung công việc theo kế hoạch, 100% công việc đều sớm hơn mốc thời gian quy định. Công tác phòng, chống dịch COVID-19 được các địa phương chủ động triển khai, nhất sau khi phát sinh ca F0 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Thời điểm này, các tổ bầu cử cần tăng cường phòng dịch trong tổ chức tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử; giúp cử tri nâng cao trách nhiệm đối với từng lá phiếu bầu, sáng suốt lựa chọn những đại biểu ưu tú nhất đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân tham gia Quốc hội, HĐND các cấp. Phải kiểm tra, rà soát kỹ kịch bản, các tình huống phát sinh để chủ động triển khai biện pháp phòng, chống dịch, bảo đảm cho ngày bầu cử diễn ra an toàn, dân chủ, đúng luật, thật sự là ngày hội của toàn dân. Thời gian tới, Ban Chỉ đạo bầu cử, Ủy ban Bầu cử TP chỉ đạo xây dựng các phương án, kế hoạch, kịch bản cụ thể về công tác bảo đảm an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ và đặc biệt là phương án phòng, chống dịch COVID-19 cho từng điểm bỏ phiếu./.