Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hà Nội: Chấn chỉnh việc yêu cầu người dân xin xác nhận cư trú khi giải quyết thủ tục hành chính

Thứ Ba, 14/02/2023 14:47 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Theo Công an thành phố Hà Nội, sau hơn 1 tháng triển khai thực hiện Luật Cư trú năm 2020, phần lớn người dân hài lòng với sự thay đổi, cải cách thủ tục hành chính. Tuy nhiên, vẫn có tình trạng cán bộ UBND lạm dụng việc yêu cầu công dân xuất trình giấy xác nhận cư trú, gây phiền hà cho Nhân dân.

Ảnh minh họa. 

Trước thực tế trên, Chỉ huy Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, vừa đề nghị Công an các quận, huyện, thị xã phát huy vai trò Cơ quan Thường trực Đề án 06, kịp thời phát hiện những vấn đề bất cập gây phiền hà cho dân, tham mưu lãnh đạo UBND chấn chỉnh.

Hiện, UBND Thành phố đã có văn bản chỉ đạo và tăng cường công tác kiểm tra công vụ để chấn chỉnh. Tuy nhiên, theo Thiếu tá Nguyễn Thành Lâm, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội thì lực lượng công an cũng cần phát huy vai trò cơ quan thường trực Đề án 06 để kịp thời phát hiện những vấn đề bất cập gây phiền hà cho Nhân dân để tham mưu Ban Chỉ đạo 06 cấp huyện chỉ đạo chấn chỉnh.

Ghi nhận của Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an thành phố Hà Nội, hiện nay phần lớn trường hợp người dân phải đến Công an phường để xin xác nhận thông tin cư trú có liên quan đến thủ tục đăng ký kết hôn. Trong khi nhóm đối tượng này thường xuyên có biến động về chỗ ở, nơi cư trú, nên thông tin cư trú chưa thể hiện được hết. Cùng với đó, dữ liệu hộ tịch, tư pháp vẫn chưa được ngành tư pháp số hóa, kết nối với dữ liệu quốc gia về dân cư. 
 
Hiện, thành phố Hà Nội cũng như các địa phương trong cả nước đang nỗ lực số hóa, kết nối dữ liệu hộ tịch với dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an để phục vụ người dân. Tính đến nay, đã có 5/30 quận, huyện số hóa xong dữ liệu hộ tịch với tổng số hơn 2 triệu trường hợp, kết nối với dữ liệu dân cư của Bộ Công an và cơ sở dữ liệu dùng chung của Bộ Tư pháp.

Trong quá trình thực hiện các dịch vụ công và giao dịch dân sự, UBND thành phố Hà Nội cũng chỉ đạo các Sở, ban, ngành ứng dụng, khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thay cho việc xuất trình sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy theo đúng Luật Cư trú. UBND Thành phố cũng chỉ đạo các sở, ban, ngành tập trung thực hiện việc số hóa, cập nhật dữ liệu hướng đến xây dựng, hình thành các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của Thành phố, qua đó phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu khác. Trước mắt, UBND Thành phố chỉ đạo tập trung vào các nhóm dữ liệu như dữ liệu hộ tịch, y tế, an sinh xã hội, đất đai, công nhân…
 
Cùng với đó, chủ động tuyên truyền, hướng dẫn cho cán bộ cấp cơ sở nhận thức sâu sắc hơn về Đề án 06, 7 phương thức thay thế cho sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy, hạn chế đến mức thấp nhất việc yêu cầu nhân dân phải xin xác nhận cư trú trong giải quyết thủ tục hành chính.
 
Để người dân được thụ hưởng thành quả của Đề án 06, các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hạ tầng về hệ thống đảm bảo an ninh, an toàn về thông tin; phối hợp với Bộ Công an triển khai thực hiện các giải pháp kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để ứng dụng giải quyết các thủ tục hành chính, công tác chuyên môn với mục tiêu sử dụng thông tin về cư trú của công dân đã có trong cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư thay cho yêu cầu công dân phải xuất trình giấy tờ, tài liệu chứng minh về cư trú trong giải quyết các thủ tục hành chính.

* Theo quy định tại Luật Cư trú, kể từ ngày 1/1/2023, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú chính thức hết giá trị sử dụng. Để việc triển khai thực hiện có hiệu quả, tạo thuận lợi, giảm phiền hà cho công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) hay giao dịch dân sự, người dân có thể sử dụng 7 phương thức thông tin công dân sau đây thay cho sổ hộ khẩu, sổ tạm trú:
 
1. Sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử là giấy tờ pháp lý chứng minh thông tin về cá nhân, nơi thường trú.
 
2. Sử dụng thiết bị đọc mã QRCode trên thẻ căn cước công dân (CCCD) có gắn chíp.
 
3. Sử dụng thiết bị đọc chíp trên thẻ CCCD.
 
4. Người dân tra cứu, khai thác thông tin cá nhân trực tuyến trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để sử dụng khi thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự.
 
5. Sử dụng ứng dụng VNeID hiển thị các thông tin trên các thiết bị điện tử để phục vụ giải quyết các TTHC, giao dịch dân sự (theo Quyết định số 34/QĐ-TTg ngày 08/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ).
 
6. Sử dụng giấy xác nhận thông tin về cư trú (ban hành kèm theo Thông tư số 56/TT-BCA ngày 15/5/2021 của Bộ Công an).
 
7. Sử dụng Thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (theo quy định tại Thông tư số 59/TT-BCA ngày 15/5/2021 của Bộ Công an). 
Nam Khánh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN