Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Phát huy nguồn lực tôn giáo trong xây dựng, củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Thứ Ba, 24/09/2024 19:19 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Sáng 24/9, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học: “Phát huy nguồn lực các tôn giáo trong xây dựng, củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc- thực trạng và giải pháp”.

 Quang cảnh Hội thảo (Ảnh: An Luých)

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết: “Hội thảo nhằm góp phần mở ra cái nhìn sâu sắc hơn về những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho quá trình xây dựng, phát triển đất nước Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, góp phần thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác tôn giáo; đồng thời đề xuất những giải pháp để thể chế hóa những quan điểm mới về tôn giáo của Đảng tại Đại hội XIII”.

Tại Hội thảo, TS. Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ đã chỉ ra rằng, nguồn lực tôn giáo góp phần xây dựng củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, được thể hiện qua ba nội dung chính:

Một là, giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo góp phần quan trọng vào việc xây dựng văn hóa, đạo đức xã hội, phù hợp với mục tiêu phát triển con người toàn diện. Theo đó, bản chất các tôn giáo đều chứa dựng những giá tri nhân văn và hướng thiện, hướng con người đến lối sống vị tha, bình đẳng, bác ái. Các tôn giáo luôn đề cao chữ hiếu, tương đồng với giá trị truyền thống đoàn kết dân tộc Việt Nam,….  Giá trị văn hóa, đạo đức tôn giáo góp phần tạo lập sự đoàn kết và đồng thuận xã hội, niềm tin tôn giáo tác động đến hành vi, đạo đức ứng xử của mỗi tín đồ và cộng đồng tôn giáo. Sự gắn kết chặt chẽ những người cùng đức tin luôn có sức sống bền vững và lan tỏa ra cộng đồng, tạo nên những mối tương quan trong quan hệ xã hội, góp phần vào đồng thuận, tiến bộ xã hội. Bên cạnh đó, một số cơ sở thờ tự của tôn giáo với kiến trúc độc đáo không chỉ chứa đựng giá trị văn hóa tâm linh mà còn góp phần vào hệ thống các công trình kiên trúc văn hóa của Việt Nam. 

 TS Vũ Chiến Thắng - Thứ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu tham luận tại Hội thảo. (Ảnh: An Luých)

Hai là, chức sắc, tín đồ tôn giáo là lực lượng cách mạng, lực lượng quần chúng quan trọng góp phần tạo nên sức mạnh đoàn kết dân tộc: Tín đồ các tôn giáo ở Việt Nam chiếm 27% dân số,  họ vừa là công dân vừa là tín đồ; họ có tinh thần yêu nước, cần cù sáng tạo và có niềm tin tôn giáo sâu sắc, đoàn kết, gắn bó trong  cộng đồng tôn giáo và cộng đồng dân tộc. Đây là lực lượng cách mạng trong  sự nghiệp giải phóng dân tộc và lực lượng quần chúng đông đảo, là nguồn nhân lực quan trọng đã và đang có nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền lợi trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Về chức sắc tôn giáo, theo thống kê đến cuối năm 2023, Việt Nam có khoảng 54 nghìn chức sắc, nhà tu hành và 135 nghìn chức việc thuộc 16 tôn giáo, họ là những trí thức tôn giáo với đa dạng các trình độ thế học và đạo học, có vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn và quản lý tín đồ trong các sinh hoạt tôn giáo; hướng dẫn tín đồ thực hiện các chính sách pháp luật có liên quan,  nâng cao ý thức về quyền và nghĩa vụ công dân,…

Ba là, nguồn lực tôn giáo đóng góp vào các hoạt động từ thiện và an sinh xã hội. Tham gia vào hoạt động an sinh xã hội vừa là chức năng xã hội vừa là thế mạnh của nhiều tôn giáo, nhất là trong lĩnh vực giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội và từ thiện với hệ thống các cơ sở rộng khắp, hoạt động đa dạng, góp phần phần giải quyết được một số vần đề bất cập trong xã hội.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng chỉ ra một số vấn đề tồn tại liên quan đến tôn giáo như: Một số chức sắc, nhà tu hành sa sút về đạo hạnh, lệch chuấn trong hoạt động tôn giáo gây ra mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ trong tôn giáo thúc đẩy tình trạng ly khai. “Nội bộ tôn giáo không đoàn kết kéo theo rất nhiều vấn đề trong thực hiện chính sách, pháp luật, trong định hướng sinh hoạt tôn giáo cho tín đồ theo đúng chánh pháp, làm mất uy tín của các bậc tu hành và hình ảnh tôn giáo trong đời sống xã hội”, Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng cho biết. 

Bên cạnh đó là tình trạng hoạt động an sinh xã hội tự phát, thiếu tính chuyên nghiệp, chưa được cấp phép; một số cá nhân tôn giáo có dấu hiệu trục lợi, sử dụng nguôn tài trợ, viện trợ này vào mục đích khác, làm mất đi giá trị của hoạt động an sinh xã hội vì người nghèo, người bất hạnh trong xã hội. 

Để khắc phục những hạn chế trên, đồng thời phát huy hơn nữa nguồn lực tôn giáo trong xây dựng, củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, TS. Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh: Nguồn lực tinh thần của tôn giáo mới chính là nguồn lực mạnh, bền vững và cũng chính là nguồn lực đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng, củng cố và phát huy khối đại đoàn kết dân tộc. Do vậy, các cá nhân, tổ  chức tôn giáo cần thiết phải chấn chỉnh các hoạt động lệch, đi ngược lại giá trị chân truyền của tôn giáo, đưa các hoạt động tôn giáo đúng với bản chất thiện lành mà hàng bao đời các bậc chân tu đã xây dựng và gìn giữ; thúc đẩy giá trị đạo đức, văn hóa tôn giáo để hội nhập và làm phong phú đạo đức, văn hóa xã hội; lan tỏa tinh thần từ bi, hỷ xả, chân - thiện- mỹ của tôn giáo trong cộng động tín đồ và xã hội. 

Bên cạnh đó, cần thống nhất quan điểm xem tổ chức tôn giáo là tổ chức xã hội, đồng nghĩa với việc tổ chức tôn giáo được thực hiện các hoạt động an sinh xã hội theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Nhưng cũng cần tách bạch hoặc phân ly hoạt động tôn giáo và các hoạt động an sinh xã hội; hoạt động nào cần có chính sách ưu đãi riêng cho tổ chức tôn giáo, hoạt động nào bắt buộc theo quy định như các tổ chức khác.

Ngoài những giải pháp trên, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng đã nhấn mạnh việc hoàn thiện hệ thống chính sách: “Pháp luật luôn là mấu chốt quan trọng bậc nhất trong quản lý và phát huy nguồn lực tôn giáo  trong hoạt động an sinh xã hội. Trong đó cần tiếp tục rà soát toàn bộ các cơ sở giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội mà tôn giáo đang thực hiện; phân loại các cơ sở đã được cấp phép và các cơ sở chưa được cấp phép; hỗ trợ, huớng dẫn về chuyên môn để các tổ chức tôn giáo hoạt động đúng quy định và nâng cao hiệu quả; tách bạch sử dụng đất vào mục đích an sinh xã hội và đất sử dụng vào mục đích tôn giáo.

Tham luận tại Hội thảo, PGS.TS. Chu Văn Tuấn, Viện Nghiên cứu Tôn giáo - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đề kiến nghị giải pháp phát huy giá trị của các tôn giáo trong xây dựng đạo đức, lối sống con người Việt Nam hiện nay. Theo đó, cần khai thác các giá trị đạo đức của các tôn giáo ở khía đạo đức tôn giáo để giáo dục cho người dân, xã hội.

PGS.TS. Trần Thị Kim Oanh - Trưởng bộ môn Tôn giáo học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội cho rằng, cần hiểu thống nhất nguồn lực tôn giáo là tổng thể các giá trị, lực lượng vật chất và tinh thần của tôn giáo có thể sử dụng (hoặc có khả năng sử dụng) để phục vụ cho sự phát triển của đất nước”. Phát huy nguồn lực tôn giáo ở đây là “sự khơi nguồn giá trị vốn có hoặc còn tiềm ẩn trong bản thân tôn giáo để mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển bền vững đất nước”.

PGS.TS. Trần Thị Kim Oanh tham luận tại Hội thảo. (Ảnh: An Luých). 

Về giải pháp khoa học tổng thể để phát huy nguồn lực tôn giáo, theo PGS.TS. Trần Thị Kim Oanh, không thể thiếu phương pháp luận khoa học chỉ ra bản chất của nguồn lực tôn giáo; xuất phát điểm và sự đóng góp từ nguồn lực tôn giáo cho xã hội trên các phương diện: vật chất, tinh thần, nguồn nhân lực. Do đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã định hướng nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới: “Tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt đúng quy định của pháp luật; chủ động giúp đỡ, giải quyết các nhu cầu hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh của quần chúng, đồng thời chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác tôn giáo”./.

An Luých

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN