Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hà Nội: Cần chấm dứt tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo

Thứ Tư, 22/02/2017 10:43 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Tuy mới được hoàn thiện và đưa vào sử dụng cuối năm 2016, nhưng đến nay, hai bên đoạn đường nối từ ngõ 10 Tôn Thất Tùng tới ngõ 139 Khương Thượng (Đống Đa, Hà Nội) đã xuất hiện nhiều ngôi nhà có hình dạng kỳ dị, siêu mỏng, méo mó.

Theo một số cư dân sống tại khu vực, đoạn đường mới tại đây thuộc dự án cải tạo mương LA2 nối từ đầu ngõ 10 phố Tôn Thất Tùng tới giữa ngõ 139 Khương Thượng. Dự án đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng từ cuối năm 2016. Tuy nhiên, ngay từ khi con đường còn chưa hoàn thành thì khu vực phía sát với mặt đường (mặt mương cũ) đã xuất hiện hàng loạt căn nhà có hình dáng kỳ dị, méo mó. Nhiều người thắc mắc, một số căn nhà có diện tích rất nhỏ, nhưng không hiểu sao gia chủ vẫn có thể thi công xây dựng lên tới vài tầng mà không hề gặp bất kỳ trở ngại nào?

Có nhà nằm cách mặt đường khoảng 3 mét, bà Đỗ Thị Kim Dung chia sẻ: “Đường mới khang trang, sạch đẹp cư dân chúng tôi ai cũng ủng hộ, tuy nhiên những công trình có diện tích còn lại quá nhỏ thì cơ quan chức năng nên xem xét lại, chứ nếu để xây lên thì rất không đảm bảo an toàn, lại mất mỹ quan của cả con đường”. Cũng theo bà Dung, phía cạnh nhà bà trước đây có một công trình nhà ở, nhưng do giải phóng để lấy mặt bằng làm đường, diện tích ngôi này chỉ còn khoảng 7m2 và chủ nhà vẫn có ý định xây lên. Trước đây họ đã đổ cột bê-tông để làm trụ, do liền tường với ngôi nhà phía ngoài nên bà và gia đình rất lo lắng đối với sự an toàn của công trình.

Theo quan sát của phóng viên, con đường này chỉ dài có vài trăm mét, nhưng hai bên đường những ngôi nhà cũ có, mới có, thậm chí có những ngôi nhà còn đang trong quá trình xây dựng vẫn đang mọc lên.

Hà Nội đang trên đà phát triển, nhiều công trình, con đường được mở ra, giúp đời sống người dân Thủ đô được nâng lên. Tuy nhiên, sau giải phóng mặt bằng, lại xuất hiện những căn nhà méo mó, kỳ dị làm mất mỹ quan đô thị. Những năm qua, dù đã có những biện pháp quản lý từ mọi cấp ngành, chính quyền địa phương, lực lượng thanh tra, song trên thực tế tình trạng nhà “siêu mỏng, siêu méo” vẫn còn khá phổ biến. Đặc biệt là các tuyến đường sau khi hoàn thành việc cải tạo, mở rộng đường như tuyến đường Kim Mã, Đào Tấn (trước đây), hay tuyến Kim Liên - Ô Chợ Dừa, đường Bưởi – Võ Chí Công... 

Đã đến lúc, các cấp chính quyền của TP Hà Nội tại những địa bàn có dự án, công trình đi qua cần siết chặt công tác quản lý xây dựng; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức quản lý địa bàn; kiên quyết không để những căn nhà siêu mỏng, siêu méo có cơ hội "đua nở". Chúng tôi đồng tình với chỉ đạo của UBND TP Hà Nội (Chỉ thị 20/CT-UBND, ngày 11/11/2016) về tăng cường quản lý đất đai, quy hoạch kiến trúc, cấp phép xây dựng, xử lý đất không đủ điều kiện mặt bằng xây dựng. Theo đó, thành phố yêu cầu chủ tịch UBND các quận, huyện giải quyết dứt điểm các trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo tồn tại và không để phát sinh mới; thực hiện nghiêm túc việc thu hồi đất sau khi hết thời hạn hợp thửa, hợp khối; kiểm tra, kiểm soát tình hình, xử lý nghiêm, kịp thời vi phạm trật tự xây dựng. Đặc biệt, chủ tịch UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố về tình trạng tồn tại hoặc phát sinh thêm trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo trên địa bàn./.

 

                                              

 

          Khi tuyến đường hoàn thiện, cũng là lúc nhiều công trình có hình dạng khác thường mọc lên.

 

 

Nhà siêu mỏng, siêu méo xuất hiện hàng loạt tại đây.

 

Một căn nhà đang được xây dựng, chiều sâu của nhà gần như chỉ vừa chỗ cho 2 người ngồi./.

 

Vũ Hoàng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN