Hà Giang: Ước tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trên 340 tỷ đồng trong 7 tháng đầu năm
(ĐCSVN) - Tính từ đầu năm đến ngày 5/8, trên địa bàn tỉnh Hà Giang xảy ra 16 đợt thiên tai khiến 28 người chết, 17 người bị thương, thiệt hại 9.079 nhà ở, 3.739 ha ngô và rau màu, sạt lở hàng trăm nghìn m3 đất, đá tại các tuyến giao thông;… Ước tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trên 340 tỷ đồng.
Các đồng chí: Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ huy (PCTT & TKCN) tỉnh; Hoàng Gia Long, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ huy đồng chủ trì Hội nghị. (Ảnh: Duy Tuấn). |
Thông tin được đưa ra tại Hội nghị đánh giá công tác Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) 7 tháng và triển khai nhiệm vụ đến hết năm 2024 do Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh tổ chức chiều 6/8.
Theo đó, trong 7 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh Hà Giang xảy ra 16 đợt thiên tai, làm thiệt hại tài sản của Nhà nước và nhân dân, trong đó có 2 đợt rét đậm, rét hại; 5 đợt mưa dông, lốc, sét, mưa đá; 9 đợt mưa lớn kéo dài. Tính đến ngày 5/8, thiên tai đã khiến 28 người chết, 17 người bị thương; thiệt hại 9.079 nhà ở, 754 ha lúa, 3.739 ha ngô và rau màu, 835 ha cây lâm nghiệp, 65 ha cây ăn quả; làm chết 55 con trâu, 286 con lợn, 15.531 con gia cầm; hư hỏng 1.554 chuồng trại chăn nuôi, 49 điểm trường và 24 trường học; khối lượng đất, đá sạt lở trên các tuyến giao thông trên 500 nghìn m3, hư hỏng 4.000m đường; thiệt hại nhiều công trình điện, 61 công trình cấp nước, thủy lợi, 60 trụ sở thôn, trạm y tế... Ước tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trên 340 tỷ đồng.
Ngay khi xảy ra thiên tai, các địa phương đã tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại về người; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, huy động các lực lượng hỗ trợ các gia đình sửa chữa, dựng lại nhà ở; chủ động sử dụng nguồn dự phòng ngân sách địa phương thực hiện các chính sách trợ giúp xã hội cho người dân bị thiệt hại; UBND tỉnh đã cấp kinh phí cho các huyện bị thiệt hại nặng để hỗ trợ nhân dân khắc phục thiệt hại, huy động các nhà hảo tâm và các nguồn kinh phí hợp pháp khác hỗ trợ nhân dân ổn định lại cuộc sống...
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn phát biểu kết luận Hội nghị. (Ảnh: Duy Tuấn). |
Tại hội nghị, các thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh tập trung thảo luận công tác phối hợp triển khai ứng phó, huy động nhân lực, bố trí, sử dụng nguồn lực khắc phục hậu quả thiên tai; đề xuất giải pháp vận hành liên hồ chứa các thủy điện bậc thang trên sông Lô, sông Miện khắc phục tình trạng ngập úng cục bộ; nâng cao hiệu quả hệ thống quan trắc khí tượng...
Kết luận Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn ghi nhận sự cố gắng của các lực lượng tham gia ứng phó, khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra; ý thức, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân đã có sự chuyển biến, qua đó nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai; tỉnh đã xác định được các vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất để đưa người dân ra khỏi vùng nguy hiểm... Tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế ứng phó khi thiên tai xảy ra.
Nhấn mạnh tình hình thiên tai còn diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn yêu cầu cơ quan thường trực Ban chỉ huy tiếp thu các ý kiến thảo luận tại Hội nghị; tiếp tục giám sát chặt chẽ việc vận hành các nhà máy thủy điện trên địa bàn; rà soát, xác định tình hình sạt lở trên các tuyến đường trên địa bàn tỉnh, có giải pháp khắc phục đảm bảo giao thông thông suốt. Cùng với đó, xây dựng hệ thống quan trắc, cảnh báo trên các lưu vực thượng nguồn sông, suối chưa có thủy điện; có giải pháp chia sẻ thông tin cảnh báo thiên tai tới từng khu phố, cụm dân cư; tổng hợp kinh phí và có hướng dẫn các địa phương trong việc chi kinh phí dự phòng khắc phục thiệt hại thiên tai; người đứng đầu các địa phương nâng cao trách nhiệm trong công tác phòng, chống thiên tai...