Hà Giang tập trung ứng phó khẩn cấp với mưa lớn
(ĐCSVN) - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn yêu cầu duy trì lực lượng, phương tiện và thực hiện theo phương châm “bốn tại chỗ”; triển khai các lực lượng xuống cơ sở kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai tại khu vực chợ Phương Thiện, thành phố Hà Giang sáng 9/9. (Ảnh: Báo Hà Giang). |
Để tập trung ứng phó và đảm bảo an toàn tính mạng cho người và tài sản, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, ngày 9/9, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn có Công điện chỉ đạo tập trung ứng phó khẩn cấp với mưa lớn trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố triển khai lực lượng xuống cơ sở kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn. Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; bố trí lực lượng, chuẩn bị vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố thông tuyến giao thông.
Kiểm tra, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ chứa xung yếu, đã đầy nước. Duy trì lực lượng, phương tiện và thực hiện theo phương châm “bốn tại chỗ”; để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Cùng với đó, khuyến cáo người dân hạn chế đi ra đường nếu không có việc thực sự cần thiết khi đang có mưa lớn. Tổ chức thực hiện trực ban nghiêm túc, theo dõi, nắm bắt thông tin dự báo, diễn biến tình hình mưa, lũ để kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo tình hình thực tế và khả năng ảnh hưởng của mưa, lũ tại địa phương.
Lực lượng "4 tại chỗ" huyện Mèo Vạc kịp thời hỗ trợ 01 bệnh nhân vượt lũ đến Bệnh viện đa khoa huyện cấp cứu chiều 9/9. (Ảnh: Công an tỉnh Hà Giang). |
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Công thương kiểm tra, giám sát ngay việc điều tiết lũ tại các hồ chứa thủy điện để đảm bảo thực hiện theo đúng quy định và quy trình vận hành liên hồ chứa.
Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn chủ động lực lượng, phương tiện hỗ trợ sơ tán, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm, tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng tiếp tục phối hợp với các lực lượng có liên quan và các địa phương triển khai công tác bảo đảm an toàn giao thông, hỗ trợ địa phương kịp thời khắc phục các tuyến giao thông bị sạt lở, chia cắt.
Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo cơ quan dự báo khí tượng thủy văn tập trung nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, sạt lở, sụt lún... bảo đảm độ tin cậy; tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến, dự báo và thông tin kịp thời về mưa, lũ, nguy cơ thiên tai cho cơ quan chức năng, địa phương và người dân biết để chủ động trong chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó thiên tai.
Các lực lượng chức năng tỉnh Hà Giang huy động tối đa lực lượng, phương tiện dồn sức hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai. |
Sở Nông nghiệp và PTNT thực hiện trực ban 24/24, theo dõi sát tình hình diễn biến của mưa, lũ..., tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo và chủ động đôn đốc các Sở, ngành có liên quan, đặc biệt là các huyện, thành phố triển khai ứng phó, khắc phục kịp thời; tổng hợp tình hình thiệt hại, phối hợp với các ngành có liên quan báo cáo, đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả.
Cũng theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, các Sở, ban ngành, cơ quan, đơn vị, các huyện thành phố trên địa bàn tiếp tục thực hiện hoãn các cuộc họp không thật cấp bách, không cần thiết để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống mưa lũ theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai. (Ảnh: Công an tỉnh Hà Giang). |
*Sáng cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đã đi kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai và một số điểm ngập úng cục bộ trên địa bàn thành phố Hà Giang.
Chia sẻ những khó khăn, thiệt hại do mưa lũ gây ra đối với bà con, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đánh giá cao công tác chủ động ứng phó với thiên tai của các sở, ngành và Ban chỉ đạo phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, giảm nhẹ thiên tai thành phố. Chủ tịch UBND tỉnh giao các sở, ngành, lãnh đạo thành phố Hà Giang tiếp tục tăng cường thông tin, tuyên truyền, giúp người dân nắm chắc tình hình, chủ động phòng tránh thiên tai. Cấp ủy, chính quyền các địa phương chủ động phương án “4 tại chỗ” giúp dân di chuyển đồ đạc, cảnh báo những điểm ngập sâu và huy động lực lượng đảm bảo an toàn cho người dân. Ban chỉ đạo phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, giảm nhẹ thiên tai các cấp thực hiện nghiêm công tác ứng trực, theo dõi tình hình, nắm địa bàn, thông tin, báo cáo kịp thời tình hình mưa lũ cho nhân dân.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3, trên địa bàn thành phố Hà Giang xuất hiện mưa lớn kéo dài liên tục từ ngày 8/9, cùng với đó các thủy điện Thái An, Thuận Hòa, Sông Miện 5 tiến hành xả lũ. Do đó, mực nước sông Lô dâng cao đã xuất hiện nhiều điểm ngập úng cục bộ, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sinh hoạt của người dân. Tính đến 11h trưa ngày 09/9, địa bàn thành phố Hà Giang có 06 điểm ngập úng cục bộ do nước sông Lô dâng cao. Thành phố đã chỉ đạo tổ chức di rời tài sản cho 06 nhà nằm trong vùng ngập lụt. Nước sông dâng cao cũng gây ngập úng 10,5 ha lúa, ngô tại thôn Bản Tùy, xã Ngọc Đường; thôn Lâm Đồng, xã Phương Thiện; thôn Tha xã Phương Độ.
Theo bản tin của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Hà Giang, trong 24 giờ qua đã có mưa lớn trên diện rộng, một số địa bàn có lượng mưa trên 200mm, như: Nấm Dẩn 2 (Xín Mần) 396,6mm; Tân Lập 2 (Bắc Quang) 256,4mm; Bản Péo (Hoàng Su Phì) 258,8mm; Thượng Sơn 1 (Vị Xuyên) 233,4mm; Tiên Nguyên 2 (Quang Bình) 216,4mm; Du Già (Yên Minh) 202mm; các nơi khác phổ biến từ 70-150mm.
Dự báo, từ ngày 09/9 đến đêm ngày 10/9/2024, trên khu vực tỉnh có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến từ 50-150mm, cục bộ có nơi trên 200mm. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng trên địa bàn là rất lớn. Trong 6 đến 12 giờ tới, lũ trên sông Gâm tại Bắc Mê tiếp tục lên cao và ở mức trên báo động III, lũ trên song Lô tại TP Hà Giang ở trên mức báo động II. |