Hà Giang: Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm ước tăng 5,66%
(ĐCSVN) - 6 tháng đầu năm 2024, kinh tế của Hà Giang đạt tốc độ tăng trưởng khá; tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 7.266 tỷ đồng, tăng 5,66% so với cùng kỳ, đứng thứ 6/14 tỉnh trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc, đứng thứ 41/63 tỉnh, thành phố.
Nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội của Hà Giang trong 6 tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ năm 2023. |
Thông tin được đưa ra tại phiên họp tháng 6 của UBND tỉnh Hà Giang diễn ra ngày 28/6, nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024, xác định phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm các tháng tiếp theo.
Theo đó, trong 6 tháng đầu năm năm 2024, các chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án thuộc chương trình phục hồi kinh tế - xã hội được triển khai đồng bộ, hiệu quả; các dự án trọng điểm được triển khai quyết liệt và đẩy nhanh tiến độ thi công. Kinh tế duy trì ổn định và phát triển, đạt tốc độ tăng trưởng khá. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh theo giá so sánh ước đạt trên 7.266 tỷ đồng, tăng 5,66% so với cùng kỳ, đứng thứ 6/14 tỉnh trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc, đứng thứ 41/63 tỉnh, thành phố.
Các ngành, lĩnh vực quan trọng tiếp tục phát triển, sản xuất nông nghiệp ổn định, tốc độ tăng trưởng tăng 4,71%, duy trì theo đúng khung thời vụ, đảm bảo an ninh lương thực; công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được triển khai kịp thời.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 6.510 tỷ đồng, tăng 1,94% so với cùng kỳ, đạt 45,85% kế hoạch. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 1.123 tỷ đồng, bằng 54,4% kế hoạch T.Ư giao và 45,65% kế hoạch tỉnh giao, tăng 41,7% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng dư nợ tín dụng ước đến 30/6/2024 đạt 30.414 tỷ đồng, tăng 2.355 tỷ đồng so với cùng kỳ (tỷ lệ tăng 8,39%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt trên 9.437 tỷ đồng, tăng 19,65% so với cùng kỳ.
Hoạt động du lịch có nhiều khởi sắc, lượng khách đến tỉnh tăng cao so với cùng kỳ, đạt 1,69 triệu lượt, tăng 19,18% so với cùng kỳ, đạt 52,81% so với kế hoạch; doanh thu du lịch đạt trên 4.191 tỷ đồng.
Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được quan tâm đẩy mạnh, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính được nâng lên. Các chỉ số cải cách hành chính năm 2023 đều tăng cao, trong đó chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) tăng 4 bậc, vươn lên vị trí thứ 31/63 tỉnh, thành phố; chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) tăng 27 bậc, vươn lên vị trí thứ 23/63 tỉnh, thành phố; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tăng 34 bậc, vươn lên vị trí thứ 11/63 tỉnh, thành phố. Văn hóa - xã hội được chú trọng; quốc phòng - an ninh được giữ vững; công tác đối ngoại được đẩy mạnh, hiệu quả.
Về một số nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm, Hà Giang xác định tiếp tục đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu; quan tâm giải quyết dứt điểm công tác đền bù, giải phóng mặt bằng các dự án, tập trung vào các công trình trọng điểm. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh tập trung sản xuất nông nghiệp theo khung thời vụ; thực hiện hiệu quả các Đề án cải tạo vườn tạp, phát triển bền vững cây cam Sành, chuyển đổi cây ngô sang trồng cây có giá trị kinh tế cao hơn. Tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy hoạt động sản xuất công nghiệp. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, hoạt động du lịch, dịch vụ. Đẩy mạnh chuyển đổi số; thực hiện Đề án 06 của Chính phủ; hoàn thành phủ sóng di động tại 13/17 thôn trắng sóng đã đăng ký năm 2024…
Năm 2024, Hà Giang đặt mục tiêu thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội như: tăng trưởng tổng sản phẩm đạt 7,5%; tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 40 triệu đồng; thu ngân sách nhà nước đạt 2.460 tỷ đồng; thu hút 3,2 triệu lượt khách du lịch; tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,4%;… |