Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hà Giang tăng cường các giải pháp vươn lên thoát nghèo bền vững

Thứ Ba, 14/11/2017 15:37 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Hà Giang nằm trong nhóm các tỉnh khó khăn nhất cả nước, nhưng tỉnh vẫn tập trung mọi nguồn lực thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo; tạo điều kiện cho người nghèo nâng cao thu nhập và tiếp nhận một cách tốt nhất với các dịch vụ xã hội, nhất là các dịch vụ về y tế, giáo dục, nhà ở và nước sạch nông thôn.

Phát triển cây dược liệu - một trong các giải pháp xóa đói, giảm nghèo

tại 6 huyện vùng cao của Hà Giang. Ảnh: hagiangtv.vn

Trong năm qua, tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh thực hiện các chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, nhất là các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo như: Trợ giúp cứu đói, cứu tế; trợ giúp nhằm khắc phục thiệt hại do thiên tai; hỗ trợ để người dân đẩy mạnh phát triển sản xuất; hỗ trợ về y tế, giáo dục và an sinh xã hội… Nhờ các chính sách này đã giúp các hộ nghèo và cận nghèo ổn định cuộc sống, đẩy mạnh phát triển sản xuất góp phần nâng cao thu nhập và tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ cơ bản của xã hội.

Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và xã hội tỉnh Hà Giang, thời gian qua, tỉnh đã tổ chức dạy nghề cho hơn 9.525 lao động; giải quyết việc làm cho người nghèo được 16.417 lao động, đạt 102,6% so với kế hoạch đề ra; đưa 4.330 lao động đi làm việc ngoại tỉnh và xuất khẩu lao động. Từ những hiệu quả do các chính sách giảm nghèo mang lại, theo số liệu điều tra cuối năm 2016, toàn tỉnh Hà Giang đã có 10.933 hộ thoát nghèo; tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh là 39,65% (giảm 3,95%).

Theo Kế hoạch Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững trên địa bàn Hà Giang năm 2017, tỉnh Hà Giang đề ra mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân đặc biệt là ở các địa bàn huyện nghèo, xã nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận một cách tốt nhất đến các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin), góp phần hoàn thành mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo năm 2017.

Dự kiến năm 2017, tỉnh Hà Giang sẽ giảm 7.449 hộ nghèo (tương ứng với giảm 4,2% tỷ lệ hộ nghèo); riêng các huyện, xã nghèo sẽ giảm trên 6%; hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo mới. Thu nhập bình quân đầu người đạt 22,2 triệu đồng. Phấn đấu đào tạo nghề cho 13.000 người, trong đó đào tạo nghề ngắn hạn cho 12.000 người; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 49,3%, trong đó lao động qua đào tạo nghề đạt 40%; giải quyết việc làm mới cho 16.200 lao động, trong đó đi làm việc nước ngoài và làm việc các tỉnh trong nước 4.500 lao động. Triển khai 16 Dự án mô hình nhân rộng giảm nghèo với trên 300 hộ nghèo tham gia. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho trên 1.000 cán bộ cơ sở và 10.00 người dân tại xã, thôn đặc biệt khó khăn; nâng cao năng lực cho trên 1.000 cán bộ cơ sở và 10.00 người dân tại xã, thôn đặc biệt khó khăn; nâng cao năng lực cho trên 150 cán bộ làm công tác giảm nghèo. Phấn đấu có trên 97,2% người dân được tham gia BHYT; 100% hộ gia đình có người ốm đau được đưa đi khám chữa bệnh; tỷ lệ huy động trẻ từ 6 - 14 tuổi đến trường đạt 98,7%; tỷ lệ huy động học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT đạt 67%; 880 hộ nghèo được hỗ trợ xóa nhà tạm; trên 90,5% dân số thành thị được sử dụng nước sạch, 76,9% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh...

Theo ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết: Nhằm tiếp tục thực hiện công tác giảm nghèo, trong những năm tiếp theo, các cấp, các ngành của Hà Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tiêu chí giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2017 - 2020; hạn chế hiện tượng tái nghèo. Tỉnh đã xây dựng kế hoạch giảm nghèo từ năm 2017 theo cách tiếp cận đa chiều, tập trung thực hiện các tiêu chí giảm nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo nâng cao thu nhập và tiếp nhận một cách tốt nhất với các dịch vụ xã hội, nhất là các dịch vụ về y tế, giáo dục, nhà ở và nước sạch nông thôn./.             

H.C

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN