Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hà Giang: Nâng cao hiệu quả sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác dân vận

Thứ Hai, 12/06/2023 22:32 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Nghị quyết đề ra mục tiêu tăng cường và đổi mới, nâng cao hiệu quả sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác dân vận nhằm nâng cao nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị về công tác dân vận. Thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào dân để xây dựng Đảng...

 Phấn đấu 98% hồ sơ của người dân được trả trước và đúng hạn tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả một cửa cấp huyện, cấp xã. (Ảnh: Khánh Huyền/BHG)

Đó là mục tiêu của Nghị quyết số 33-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030, vừa được Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành.

Công tác dân vận là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị

Nghị quyết nêu rõ: nhất quán quan điểm của Đảng "Dân là gốc”, “sức mạnh của nhân dân là cội nguồn sâu xa của thắng lợi, của phát triển", vận dụng thực hiện tốt phương châm, phương pháp công tác dân vận theo tư tưởng Hồ Chí Minh: Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm tham mưu, nòng cốt. Công tác dân vận là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, mọi cán bộ, đảng viên phải trực tiếp làm công tác dân vận.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất thực hiện nghiêm túc cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”; mọi quan điểm, chủ trương của cấp ủy, cơ chế, chính sách của chính quyền phải vì lợi ích chính đáng của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu luôn nêu cao tính tiên phong, gương mẫu, thực sự là công bộc của nhân dân; thực hiện phong cách "trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”; "nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin"; phát huy quyền làm chủ của nhân dân để nhân dân tin tưởng làm theo.

Trên cơ sở đó, Nghị quyết đề ra mục tiêu tăng cường và đổi mới, nâng cao hiệu quả sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác dân vận nhằm nâng cao nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị về công tác dân vận. Thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào dân để xây dựng Đảng; tuyên truyền và vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân, tạo thành phong trào cách mạng rộng lớn, bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao toàn diện đời sống nhân dân các dân tộc trong tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.

Từ nay đến năm 2025, tỉnh Hà Giang phấn đấu 100% cấp ủy, tổ chức đảng quán triệt đầy đủ các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, đề án… của Đảng về công tác dân vận, công tác dân tộc, tôn giáo và có hình thức phổ biến sâu rộng ở thôn, tổ dân phố để đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước nâng cao trách nhiệm trong việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, chỉ đạo giải quyết kịp thời, dứt điểm, đúng quy định của pháp luật các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền ngay từ cơ sở, địa phương, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 85%; thực hiện tốt các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 90%. Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả một cửa cấp huyện, cấp xã: 98% hồ sơ của người dân được trả trước và đúng hạn.

Hàng năm, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội từng cấp (cấp tỉnh, huyện, xã) chủ trì giám sát ít nhất 01 chính sách liên quan đến đoàn viên, hội viên và nhân dân. Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng được tiếp cận, cung cấp thông tin toàn bộ (100%) các công trình, dự án thuộc thẩm quyền giám sát.

100% thôn, tổ dân phố xây dựng và duy trì hiệu quả hoạt động của các tổ dân vận thôn, tổ dân phố, tự quản về an ninh trật tự; hoạt động của tổ hòa giải ở cơ sở gắn với nâng cao chất lượng chi hội, đoàn thể ở cộng đồng dân cư. 100% lãnh đạo phụ trách, cán bộ, công chức tham mưu thực hiện công tác dân vận ở các cơ quan, đơn vị, địa phương phát huy hiệu quả và được tập huấn về công tác dân vận; 100% cán bộ chủ chốt của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội được tập huấn nghiệp vụ công tác dân vận, mặt trận và đoàn thể; 100% cán bộ phụ trách, Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận thôn, Tổ trưởng tổ dân vận thôn, tổ dân phố được tập huấn về công tác xây dựng đảng và kỹ năng công tác dân vận; 100% số Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng các xã, phường, thị trấn được tập huấn nghiệp vụ.

Mục tiêu đến năm 2030, tiếp tục thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các nhiệm vụ công tác dân vận được nêu trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Cải thiện, nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan trong hệ thống chính trị. Khơi dậy mạnh mẽ ý thức tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của nhân dân, thu hẹp khoảng cách chênh lệch về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh với khu vực trung du miền núi phía Bắc.

 Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bản Máy (Hà Giang) giúp nhân dân làm đường bê tông. (Ảnh: Xuân Minh)

7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, hành động về công tác dân vận

Để đạt mục tiêu đề ra, Tỉnh ủy Hà Giang xác định trước hết cần chú trọng tăng cường và đổi mới công tác quán triệt, thông tin, tuyên truyền các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dân vận; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của các cấp ủy đảng, hệ thống chính trị về công tác dân vận. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận các cơ quan nhà nước gắn với cải cách hành chính, phát huy dân chủ ở cơ sở; tập trung làm tốt công tác dân vận trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thực hiện công khai minh bạch các công trình, dự án có liên quan đến người dân để nhân dân (trực tiếp hoặc đại diện) giám sát từ đầu. Phát huy vai trò của các cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của nhân dân; tiếp tục đổi mới việc thực hiện dân chủ đại diện; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác dân vận trong tình hình mới.

Cùng với đó, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác dân vận. Nâng cao hiệu quả công tác dân vận của lực lượng vũ trang gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, công tác dân vận vùng đồng bào tôn giáo. Phát huy vai trò tích cực và thực hiện tốt chính sách đối với người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh tuyên truyền chức sắc, chức việc và đồng bào có đạo chung tay phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững tại địa phương; lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các mô hình “dân vận khéo" trong vùng đồng bào có đạo; tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, phòng chống tệ nạn xã hội.

Quan tâm củng cố, kiện toàn, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ chuyên trách về công tác dân vận, cán bộ Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội. Các cấp ủy, tố chức đảng thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình triển khai thực hiện; đồng thời theo dõi, kiểm tra việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác dân vận. Quan tâm tổng kết thực tiễn giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra để kịp thời tham mưu cho cấp ủy ban hành chủ trương, giải pháp phù hợp…

Cũng theo Nghị quyết, trong những năm qua, công tác dân vận của hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành các nghị quyết chuyên đề, các chỉ thị, kết luận và đề án nhằm tăng cường công tác dân vận, tập hợp, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Nhận thức, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên các cơ quan trong hệ thống chính trị về công tác dân vận được nâng lên. Việc tổ chức tiếp xúc đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân đạt kết quả tích cực. Công tác dân vận chính quyền được tăng cường, công tác quản lý, điều hành của chính quyền các cấp và cơ quan nhà nước có nhiều đổi mới theo hướng chủ động, quyết liệt…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân vận trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế như: Việc nắm những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và trách nhiệm của nhân dân để báo cáo, tham mưu, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền còn chưa kịp thời; việc cụ thể hóa và thực hiện Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, quy chế dân chủ ở cơ sở, công tác dân vận chính quyền ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị còn hạn chế; công tác vận động, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng và trách nhiệm của nhân dân ở một số nơi còn chưa linh hoạt, thiếu sáng tạo. Nguyên nhân những hạn chế nêu trên là do một số cấp ủy, chính quyền, một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác dân vận, chưa thật sự phát huy tính tiên phong, gương mẫu. Sự phối hợp công tác dân vận trong hệ thống chính trị chưa thường xuyên; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở một số nơi chưa phát huy tốt vai trò nòng cốt trong công tác dân vận; chất lượng tham mưu, phối hợp có lúc chưa kịp thời. Công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn chưa thực sự hiệu quả./.

Ngọc Khang

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN