Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hà Giang: Nâng cao chất lượng giáo dục, đảm bảo thực chất, hiệu quả

Thứ Năm, 08/08/2024 07:45 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu đảm bảo “dạy thật, học thật, thi thật, kết quả và chất lượng thật” trong thực hiện chủ trương, đường lối phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Các đồng chí Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ đồng chủ trì phiên họp. (Ảnh: Duy Tuấn). 

Chiều 7/8, Ban Chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh Hà Giang họp phiên quý II năm 2024. Các đồng chí Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ đồng chủ trì phiên họp.

Phiên họp được tổ chức trực tiếp tại Trụ sở UBND tỉnh và kết nối trực tuyến với điểm cầu các huyện, thành phố nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục Quý II, phương hướng nhiệm vụ Quý III/ 2024; cho ý kiến vào Chương trình công tác năm học 2024-2025 của BCĐ.

Tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đề xuất giải pháp khắc phục khó khăn trong triển khai thực hiện nhiệm vụ giáo dục trên địa bàn, nhất là nguồn nhân lực, nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học...

Theo đồng chí Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, với đặc thù điều kiện thực tiễn của Hà Giang, việc nâng cao chất lượng giáo dục đòi hỏi sự bền bỉ, lâu dài, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; cùng với đó cần nghiên cứu các cơ chế, chính sách đặc thù thu hút, giữ chân giáo viên, nhất là với một số bộ môn khó tuyển dụng; thực hiện công khai, minh bạch trong công tác luân chuyển cán bộ; nghiên cứu phương án xây dựng cụm trường liên xã, cụm điểm trường liên thôn vừa giải quyết tình trạng thiếu giáo viên vừa nâng cao chất lượng giáo dục...

Kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo nhấn mạnh mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục là cuộc cách mạng lâu dài, đồng thời yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và nhân dân về chủ trương, đường lối phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh; đảm bảo “dạy thật, học thật, thi thật, kết quả và chất lượng thật”; vận động học sinh duy trì sĩ số; nâng cao trách nhiệm của gia đình, người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị sự nghiệp giáo dục trong việc giáo dục học sinh. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho công tác giáo dục. Tiếp tục nghiên cứu các cơ chế chính sách đặc thù để thu hút giáo viên.

 Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu đảm bảo “dạy thật, học thật, thi thật, kết quả và chất lượng thật” trong thực hiện chủ trương nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh. (Ảnh: Báo Hà Giang).

Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các cấp, ngành, địa phương, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, sẵn sàng cho năm học mới 2024 - 2025. Tăng cường chỉ đạo công tác giáo dục đạo đức, lối sống, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương đối với học sinh, học viên và cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục. Đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Tiếp tục quan tâm đến chế độ, chính sách cho đội ngũ giáo viên và học sinh theo quy định…

Tính đến ngày 30/7, toàn tỉnh Hà Giang có 807 cơ sở giáo dục (giảm 8 cơ sở giáo dục so với tháng 6 do sáp nhập các trường tiểu học và THCS), 1.192 điểm trường (giảm 195 điểm trường so với cùng kỳ năm học 2022 - 2023), 202 lớp ghép (giảm 75 lớp ghép so với cùng kỳ năm học trước); hoàn thành chương trình bồi dưỡng chuyên môn cho 1.031 giáo viên các cấp; có 93,13% số giáo viên toàn tỉnh đạt chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục 2019. Có 340/601 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia, đạt 56,57%; 100% các trường mầm non, nhóm trẻ tư thục thực hiện đầy đủ, hiệu quả chương trình giáo dục mầm non; 100% trẻ dân tộc thiểu số đến trường được tăng cường tiếng Việt; 99,34% trẻ hoàn thành chương trình giáo dục mầm non.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tỷ lệ trường học có nhà vệ sinh chưa đạt chuẩn còn chiếm 54,4%; có 688/8.172 giáo viên được đánh giá năng lực không đạt, chiếm 8,42%; điểm trung bình các môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 xếp thứ 63/63 tỉnh, thành phố; cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục còn nhiều thiếu thốn, chưa đạt tiêu chuẩn; toàn tỉnh thiếu trên 2.000 giáo viên so với quy định;…

Nhóm PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN