Hà Giang: Mưa lũ lịch sử gây thiệt hại trên 61 tỷ đồng
(ĐCSVN) - Theo báo cáo mới nhất của UBND tỉnh Hà Giang, mưa lũ lịch sử xảy ra liên tiếp trên địa bàn tỉnh những ngày qua đã khiến 3 người chết, trên 1.400 ngôi nhà bị ảnh hưởng, hàng nghìn m3 đất đá bị sạt lở, hơn 278 ha lúa, rau màu bị thiệt hại… Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra ước tính trên 61 tỷ đồng.
- Hà Giang: Khẩn trương khắc phục hậu quả do mưa lũ, chủ động ứng phó với thiên tai
- Hà Giang: Mưa lũ khiến 3 người chết, ước thiệt hại khoảng 19,5 tỷ đồng
- Hà Giang: Nhiều khu vực bị chia cắt, ngập úng do mưa lớn diện rộng
- Gặp gỡ chiến sỹ công an vùng cao dũng cảm lao ra giữa dòng nước cứu 2 vợ chồng bị lũ cuốn
Lực lượng chức năng cùng người dân dọn dẹp các tuyến đường bị nước lũ tràn qua. (Ảnh: Biện Luân). |
Theo báo cáo mới nhất của UBND tỉnh Hà Giang, tính đến 9 giờ ngày 11/6, mưa lũ lịch sử xảy ra liên tiếp trên địa bàn tỉnh từ ngày 9 - 11/6 đã khiến 3 người chết (2 người ở Hoàng Su Phì, 1 người ở Quản Bạ); trên 1.400 ngôi nhà bị ảnh hưởng, trong đó 3 nhà bị sập hoàn toàn tại các huyện Xín Mần và Vị Xuyên; 198 nhà tại huyện Bắc Quang, 44 nhà tại Vị Xuyên và trên 1.105 hộ bị nước tràn vào nhà tại TP Hà Giang.
Mưa lũ cũng khiến các tuyến quốc lộ quan trọng trên địa bàn tỉnh như quốc lộ 4C, 34, 279 bị sạt lở, hư hỏng mặt đường tại nhiều vị trí, ước tính khối lượng đất đá sạt lở khoảng 7.682m3, ngập úng tại 3 điểm lớn dẫn đến ách tắc giao thông. Nhiều tuyến đường tỉnh, đường liên huyện, xã bị ảnh hưởng nghiêm trọng như tại huyện Hoàng Su Phì, tuyến đường tỉnh lộ 177 - Hoàng Su Phì bị sạt taluy dương làm ách tắc một số đoạn ô tô không đi lại được, thuộc địa phận xã Nậm Dịch, Nậm Ty, Thông Nguyên; tuyến Nam Sơn - Hồ Thầu và đi các xã Bản Luốc, Nàng Đôn, Bản Phùng, Pố Lồ, Thàng Tín, Thèn Chu Phìn bị sạt với khối lượng lớn.
Tại huyện Bắc Mê, nước lũ dâng cao ngây ngập úng nhiều tuyến đường; tại huyện Bắc Quang mưa lớn gây sạt lở nhiều điểm trên các tuyến đường giao thông tỉnh lộ (177) trong đó có 2 điểm sạt lở lớn tại km10, km14 sạt taluy dương, khối lượng sạt lở khoảng 200m3 đất, đá gây ách tắc giao thông.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn thăm hỏi, động viên gia đình nạn nhân tử vong do mưa lũ tại huyện Hoàng Su Phì. (Ảnh: Kim Tiến). |
Cũng do mưa lũ, hơn 278 ha lúa, rau màu bị thiệt hại, 28,7 ha ao cá bị tràn bờ, hàng nghìn con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi. Nước ngập hoàn toàn tầng 1 của 4 trường mầm non và tiểu học tại TP Hà Giang... Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra ước tính 61 tỷ đồng.
Hiện lực lượng chức năng cùng bà con nhân dân tại nhiều địa phương chịu thiệt hại trên địa bàn tỉnh Hà Giang đang khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống. Ngành Giao thông vận tải tỉnh Hà Giang đã chủ động phối hợp với các địa phương, đơn vị triển khai ngay các biện pháp khắc phục sự cố giao thông, huy động tối đa máy móc, trang thiết bị và nhân lực xử lý hàng trăm điểm sạt lở trên các tuyến đường giao thông, đồng thời bố trí nhân sự trực phân luồng giao thông, đặt rào chắn, biển cảnh báo tại khu vực sạt lở và nguy cơ sạt lở cao.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn thăm hỏi, động viên, chia buồn cùng gia đình nạn nhân tử vong tại huyện Quản Bạ. (Ảnh: Kim Tiến). |
Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang đã đưa ra khuyến cáo người dân và du khách hạn chế đi lại các khu vực sạt lở tại các cung đường, điểm, khu vực tham quan du lịch trên địa bàn. Đặc biệt cảnh báo và không cho khách tắm thác, suối, không tham gia hoạt động du thuyền lòng hồ thuỷ điện gây mất an toàn…
Trong ngày (11/6), đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đã đến thăm hỏi, động viên gia đình nạn nhân bị tử vong do mưa lũ tại các huyện Hoàng Su Phì và Quản Bạ. Đồng thời kiểm tra hiện trạng Dự án Cải tạo, nâng cấp đường Bắc Quang - Xín Mần (ĐT.177) đoạn Km0-Km55, tỉnh Hà Giang (giai đoạn I), yêu cầu chủ đầu tư thống kê toàn bộ khối lượng sạt lở trên tuyến; phối hợp với nhà thầu thi công huy động máy móc, nhân lực để kịp thời xử lý các điểm sạt lở nhằm đảm bảo thông tuyến cho các phương tiện, có báo cáo cụ thể để bố trí nguồn vốn phù hợp nhằm đảm bảo việc khắc phục hậu quả thiên tai./.