Hà Giang: Chú trọng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân
(ĐCSVN) - Nhằm đảm bảo cho mọi người dân đều có khả năng tiếp cận với các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe có chất lượng ngay tại cơ sở; những năm qua, mạng lưới y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh Hà Giang được củng cố, hoàn thiện. Qua đó, góp phần quan trọng vào thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Ảnh minh họa (Nguồn: N.H) |
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hà Giang có 19 phòng khám đa khoa khu vực và 177 trạm y tế với trên 500 giường bệnh. Tại tất cả các đơn vị y tế cơ sở đều có bác sĩ công tác; trong đó, thường trú có 143, luân phiên 54 người; 100% trạm y tế xã có nữ hộ sinh, y sĩ sản, nhi công tác.
Mạng lưới khám, chữa bệnh (KCB) tại các tuyến tiếp tục được củng cố, ổn định và phát triển; số giường bệnh đạt 32,6 giường/10.000 dân. Trong năm 2019, tổng số lượt KCB chung toàn tỉnh là trên 1 triệu lượt người, có gần 175.000 bệnh nhân được điều trị nội trú. Các chính sách KCB cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, đối tượng chính sách, chữa bệnh BHYT, đồng bào dân tộc thiểu số được đảm bảo.
Thực hiện Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã là một trong những mục tiêu góp phần nâng cao chất lượng y tế tại cơ sở, Sở Y tế đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố rà soát các tiêu chí cho các xã, thị trấn để hỗ trợ các trạm y tế về cơ sở vật chất theo Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế. Nhân lực y tế tại các xã cơ bản đảm bảo về số lượng và cơ cấu chức danh nghề nghiệp; cơ sở hạ tầng không ngừng được đầu tư, xây dựng đáp ứng đầy đủ so với nhu cầu.
Hoạt động y tế dự phòng, giám sát, kiểm soát, khống chế hiệu quả các vụ dịch phát tán và bệnh truyền nhiễm gây dịch nguy hiểm. Công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em tuyến cơ sở tiếp tục được quan tâm. Với sự vào cuộc đồng bộ, hiệu quả; năm 2019, qua đánh giá tại 74 xã đều duy trì tốt kết quả các tiêu chí thuộc Bộ tiêu chí Quốc gia về Y tế xã và đạt từ 80 điểm trở lên.
Theo lãnh đọa Sở Y tế Hà Giang, trong thời gian qua, ngành đã tập trung đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao và đảm bảo cung ứng đầy đủ thuốc, vật tư y tế cho các cơ sở. Các hoạt động chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới được tích cực triển khai. Cùng với đó, nhiều kỹ thuật mới được chuyển giao cho bệnh viện tuyến huyện, như: Phẫu thuật thủng trực tràng, thay khớp háng, đặt máy tạo nhịp tim tuần hoàn, chạy thận nhân tạo…
Mặt khác, cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng KCB. Đến nay, toàn tỉnh đã có 3 bệnh viện được Bộ Y tế phê duyệt là bệnh viên vệ tinh của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện E Hà Nội.
Bên cạnh đó, ngành Y tế đã triển khai hiệu quả các chương trình, dự án ODA/NGO hỗ trợ về y tế. Các dự án đã góp phần cung cấp, bổ sung trang thiết bị và nâng cao năng lực cho cán bộ y tế trong KCB, xử lý chất thải y tế. Trong đó, chương trình hỗ trợ chính sách do Liên minh châu Âu tài trợ đã bàn giao và tiếp tục xây dựng 15 hạng mục công trình trạm y tế; Dự án Giáo dục và đào tạo nhân lực y tế phục vụ cải cách hệ thống y tế (HPET).
Từ dự án này, trong năm 2018 đến nay đã đạo tạo, bồi dưỡng cho gần 2.000 bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng tuyến cơ sở về mô hình bác sĩ gia đình. Mặt khác, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ phần mềm KCB, kết nối thanh toán trực tuyến BHYT. Triển khai hiệu quả phần mềm liên thông đến 100% trạm y tế xã, phường để thực hiện công tác KCB, thanh toán BHYT và quản lý bệnh nhân.
Nhờ chú trọng, nâng cao chất lượng hệ thống y tế cơ sở, công tác KCB trên địa bàn tỉnh đã được nâng lên rõ rệt. Năng lực dự phòng của tuyến y tế cơ sở được nâng cao, cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị hiện đại, đội ngũ y, bác sĩ giỏi đã góp phần làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe, tạo sự hài lòng cho người dân.