Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Góp ý Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)

Thứ Bảy, 24/12/2022 16:19 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) – Theo TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Vusta, việc sửa đổi Luật Giao dịch điện tử cần nghiên cứu, tiếp thu một cách thấu đáo để Luật đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống, không nhanh chóng bị lạc hậu trước làn sóng mạnh mẽ của tiến bộ khoa học và công nghệ đang diễn ra trên toàn thế giới.

TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Vusta phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: BL) 

Ngày 24/12, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Vusta) tổ chức Hội thảo góp ý Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Phát biểu khai mạc hội thảo, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Vusta cho biết: Luật Giao dịch điện tử đã được Quốc hội thông qua năm 2005, đã mở ra khung pháp lý quan trọng cho việc xác lập các hình thức giao dịch, trao đổi, thông tin trên môi trường mạng. Đồng thời, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ số, Internet và không gian mạng ngày nay.

Trước yêu cầu cấp thiết kịp thời thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Hiến pháp 2013; để phù hợp với sự thay đổi của bối cảnh kinh tế - xã hội, xu hướng hội nhập quốc tế, sự tiến bộ vượt bậc của KHCN, trong việc đẩy mạnh chuyển đối số quốc gia, Luật Giao dịch điện tử cần được sửa đổi, bổ sung để bảo đảm sự đồng bộ và thống nhất trong hệ thông pháp luật Việt Nam, thích ứng với hoạt đông của xã hội và từng người dân, doanh nghiệp trong môi trường sống, lao động và sinh hoạt mới. Vì thế, việc sửa đổi Luật Giao dịch điện tử là rất cần thiết.

Trước yêu cầu đó, Quốc hội khóa XV đã đưa vào Chương trình xây dựng Luật năm 2022 — 2023 việc sửa đổi Luật Giao dịch điện tử.

TSKH Phan Xuân Dũng cũng cho biết, tại Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khoá XV, Quốc hội đã cho ý kiến bước đầu về dự thảo Luật. Đã có rất nhiều ý kiến được các Đại biểu Quốc hội nêu ra, đóng góp xây dựng dự thảo Luật tại hội trường và tại các tổ.

Việc sửa đổi Luật Giao dịch điện tử cần nghiên cứu, tiếp thu một cách thấu đáo để Luật đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống, không nhanh chóng bị lạc hậu trước làn sóng mạnh mẽ của tiến bộ KH&CN đang diễn ra trên toàn thế giới.

“Những ý kiến đóng góp quý báu của các chuyên gia về dự thảo Luật, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam sẽ tổng hợp đề gửi tới Uỷ ban KH,CN&MT của Quốc hội để nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua vào Kỳ họp tới”, TSKH Phan Xuân Dũng cho biết.

Toàn cảnh hội thảo. (Ảnh: BL) 

Theo TS Phan Tùng Mậu, nguyên Phó chủ tịch Vusta, luật này tác động rất nhiều đến người dân và doanh nghiệp, cho nên việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đến đâu là tùy thuộc vào trình độ nhận thức của người dân đến việc sử dụng giao dịch điện tử, không nên mở ồ ạt, sẽ trở thành cản trở việc thực hiện giao dịch điện tử, có khi lại nảy sinh một tầng lớp trong xã hội đó là tư vấn sử dụng giao dịch điện tử. Hơn nữa, những vấn đề bảo mật quốc gia (bí mật Nhà nước, an ninh quốc gia, quốc phòng...) không nên đưa vào Luật Giao dịch điện tử này, không bảo mật được thông tin.

TS Phan Tùng Mậu lưu ý, vấn đề an toàn thông tin, đặc biệt là an toàn thông tin cá nhân, tuy có nhiều luật liên quan đã có nội dung này, nhưng đối với luật này rất cần sự bảo vệ an toàn thông tin cá nhân, bởi vì mỗi luật có vị trí an toàn thông tin khác nhau. Nên có một điều quy định về vấn đề này.

Còn theo TS Trần Đức Lai, Chủ tịch Hội Vô tuyến-Điện tử Việt Nam, cần xem xét tên gọi nên là “Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)” hoặc “Luật Giao dịch điện tử 2023” để sau này khi tra cứu tránh nhầm lẫn với luật 2005, hoặc trong quá trình giao thời Luật Giao dịch điện tử 2005 vẫn áp dụng. Về việc xây dựng, phát triển, quản lý các hoạt động về giao dịch điện tử còn khá nhiều vấn đề chưa đề cập hoặc có nêu nhưng không rõ như: Các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật của cơ sở dữ liệu, các vấn đề liên thông dữ liệu…Bởi vậy, cần có sự nghiên cứu, bổ sung thêm về vấn đề này.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng cho ý kiến về: Về thực hiện giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước; Về bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng trong giao dịch điện tử và những ý kiến khác mà các vị quan tâm; Về chứng thư điện tử: Giá trị pháp lý của chứng thư điện tử ở nước ngoài đảm bảo sự toàn vẹn; về chuyển nhượng chứng thư điện tử; sở hữu đối với chứng thư điện tử…/.

Bích Liên

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN