Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Giữ gìn nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Dao ở Phú Thọ

Chủ Nhật, 14/11/2021 15:51 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Đồng bào dân tộc Dao ở tỉnh Phú Thọ hiện có hơn 11.000 người, đông thứ ba sau dân tộc Kinh và Mường, bao gồm hai nhóm (ngành) là Dao Tiền và Dao Quần chẹt, sống tập trung ở các huyện miền núi Yên Lập, Thanh Sơn và Tân Sơn.

Ảnh minh hoạ (Ảnh: baophutho) 

Người Dao nói chung và người Dao Quần Chẹt ở Yên Lập nói riêng, trong quá trình di cư và tụ cư, đã luôn có ý thức bồi đắp và gìn giữ những giá trị văn hóa đặc trưng, phong phú của dân tộc mình để trao truyền lại cho các thế hệ nối tiếp.

Theo các tài liệu nghiên cứu về dân tộc Dao, huyện Yên Lập được biết đến là mảnh đất dừng chân đầu tiên của người Dao trên chặng đường di cư theo đường biển từ phương Bắc về phương Nam. Người Dao ở Yên Lập chủ yếu là nhóm Dao Quần Chẹt (thường gọi là Dao Nga Hoàng), sinh sống hàng trăm năm nay thành các bản thuộc các xã: Nga Hoàng, Xuân Thủy, Xuân An, Trung Sơn, Mỹ Lung, Mỹ Lương, Lương Sơn, Thượng Long, Đồng Thịnh... Dân tộc Dao có kho tàng văn hóa rất đa dạng, phong phú, phản ánh thế giới quan, nhân sinh quan và đóng góp lớn vào việc khẳng định bản sắc văn hóa tộc người; mang tính nhân văn sâu sắc, có tính giáo dục cao, hướng tới lối sống thiện lương, nhân bản và đầy màu sắc.

Trong bối cảnh văn hóa truyền thống các dân tộc được coi trọng và khơi dậy, bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số cũng được chú ý gìn giữ, phát huy. Những năm gần đây, huyện Yên Lập đã triển khai các hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của người Dao ở địa phương như: Tuyên truyền người dân địa phương gìn giữ, bảo tồn các phong tục, tập quán truyền thống; nghiên cứu, sưu tầm văn hóa truyền thống của người dân địa phương; bảo tồn và phát huy các trò chơi dân gian; xây dựng hương ước, quy ước thôn, bản về bảo tồn và phát huy làng truyền thống...

Cùng với đó, Yên Lập đã triển khai các kế hoạch chuyên đề, lồng ghép vào các phong trào hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch để triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cơ sở vật chất phục vụ tổ chức các hoạt động văn hóa ngày càng được quan tâm đầu tư, nâng cấp thông qua các đề án, dự án, các chương trình mục tiêu quốc gia. Đời sống văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số có những bước chuyển biến rõ rệt, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, đấu tranh bài trừ các tập quán lạc hậu, đạt được những kết quả tích cực, góp phần làm chuyển biến nhận thức của người dân, có tác động tích cực tới phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống điển hình của đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có người Dao Quần Chẹt được thực hiện hiệu quả, thiết thực, thu hút được sự tham gia của cộng đồng.

Thời gian qua, huyện Yên Lập đã tiến hành kiểm kê toàn diện di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, trong đó có di sản văn hóa của người Dao. Kết quả kiểm kê là một tiền đề quan trọng để huyện triển khai đề tài khoa học “Tư liệu hóa và phục dựng một số di sản văn hóa truyền thống điển hình của người Dao Quần Chẹt trên địa bàn huyện Yên Lập”, từ đó đề xuất một số nhóm giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa các dân tộc, gắn với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng văn hóa, tài nguyên du lịch lịch sử, du lịch sinh thái...

Đặc biệt, một số dự án khoa học đã được huyện Yên Lập triển khai thực hiện hiệu quả, tiêu biểu như: Nghi lễ cấp sắc của người Dao Quần Chẹt, xã Xuân Thủy; Tết nhảy của người Dao Quần Chẹt, xã Nga Hoàng, đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa vào “Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2019 và năm 2000”. 

Bên cạnh đó, để bảo tồn tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số, huyện khuyến khích sử dụng ngôn ngữ của dân tộc trong sinh hoạt và trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương như: Thông qua các hình thức truyền dạy các bài hát, làn điệu dân ca, các trò chơi dân gian của dân tộc; đưa văn hóa dân tộc thiểu số vào các hoạt động ngoại khóa tại các trường học trên địa bàn các xã vùng dân tộc thiểu số; tổ chức truyền dạy tiếng dân tộc cho người dân địa phương và cho cán bộ đang công tác ở vùng dân tộc thiểu số...

Là người dân tộc Dao, Bí thư Đảng ủy xã Nga Hoàng (huyện Yên Lập) Triệu Tiến Xuân cho biết: Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã đặc biệt quan tâm tới việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc thiểu số. Nhiều hoạt động bảo tồn thiết thực được tổ chức, duy trì và phát huy hiệu quả tốt như: Truyền dạy tiếng nói, chữ viết của đồng bào Dao, phục dựng và truyền dạy một số nghi lễ đặc trưng (Lễ cấp sắc, Lễ tạ mộ tổ)…

Đặc biệt, thông qua việc tổ chức “Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc” của huyện, gắn với chương trình “Về miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam”, được tổ chức hàng năm, đã mang lại hiệu quả cao trong việc khơi dậy những nét đẹp truyền thống của các dân tộc, tăng cường mối đoàn kết và sự giao lưu văn hóa giữa các dân tộc thiểu số. Tổ chức đoàn cán bộ, nghệ nhân của người Dao tham dự các chương trình do các bộ, ngành tổ chức như: Ngày hội Văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc tại tỉnh tuyên Quang, Bắc Kạn; Ngày hội Văn hóa các dân tộc vùng Tây Bắc mở rộng tại tỉnh Lào Cai; Ngày hội Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc tại Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam…

Tuy nhiên, thực tế công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số còn gặp không ít khó khăn, thách thức, như: Nguồn lực đầu tư còn hạn chế; đội ngũ cán bộ quản lý và làm công tác văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu; việc tổ chức truyền dạy các loại hình văn hóa truyền thống chưa thực sự bài bản, không có sách vở ghi chép chính thống, lưu truyền chủ yếu bằng truyền miệng; việc tổ chức sưu tầm, bảo tồn, lưu giữ các di sản chưa khoa học...

Để làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy nét đẹp truyền thống của đồng bào dân tộc Dao trên địa bàn, ông Đinh Hải Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Lập khẳng định, thời gian tới, huyện tập trung thực hiện các giải pháp phù hợp điều kiện thực tế và từng giai đoạn. Cụ thể, huyện sẽ huy động nguồn tài chính từ xã hội hóa là chủ yếu; khuyến khích và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tham gia công tác bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng; khôi phục các loại hình văn hóa phi vật thể đặc sắc đang có nguy cơ mai một. Huyện Yên Lập sẽ tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý văn hóa; từng bước thực hiện việc tư liệu hóa và số hóa các di sản...

 

Trung Kiên

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN