Giữ bản sao đăng ký xe ô tô ngân hàng lo lắng điều gì?
(ĐCSVN) - Những ngày gần đây, dư luận xôn xao trước việc khi CSGT kiểm tra, sẽ xử phạt các chủ phương tiện không có giấy đăng ký xe bản chính khi tham gia giao thông, kể cả trường hợp chủ xe có xuất trình giấy đăng ký xe bản sao đã công chứng, do bản chính ngân hàng đang giữ.
Theo quan điểm của ông Đinh Quang Đệ, người có thâm niên trên 30 công tác trong ngành ngân hàng và đã trải qua nhiều vị trí quản lý tại một số ngân hàng thương mại: "Tôi thấy việc này quá rõ ràng, Luật Giao thông đường bộ năm 2008, tại điểm 2 điều 58 quy định: Điều kiện của người lái xe tham gia giao thông, người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ sau: đăng ký xe. Như vậy, lực lượng CSGT thông làm đúng luật. Điều này không cần thiết phải bán tán quá ồn ào".
Thông tin về hơn 1 triệu ô tô chủ xe vay vốn trả góp ngân hàng đang tham gia giao thông, mặc dù pháp luật đã qui định ngân hàng giữ bản sao, bản chính trả lại bên thế chấp khi vay vốn, song ngân hàng lại làm ngược lại để đảm bảo an toàn. Chủ xe định kỳ thường là quí, nửa năm được ngân hàng cấp bản sao đăng ký xe ô tô có chứng thực của ngân hàng để tham gia giao thông.
Và nghịch lí là câu chuyện thực sự nóng lên khi cảnh sát giao thông làm đúng luật, đăng ký xe phải giao lại chủ xe, ngân hàng giữ bản sao. Dư luận, ý kiến chuyên gia lo ngại, tiên lượng điềm xấu khi ngân hàng phải giao lại đăng ký xe.
Nếu lật lại vấn đề, việc giữ bản sao đăng ký xe ô tô ngân hàng lo gì? Là người có nhiều kinh nghiệm trong nghề ngân hàng ông Đệ cho rằng dư luận, chuyên gia đã hơi quá lo xa. "Đã đến lúc ngân hàng phải thực hiện việc trả lại bản chính đăng ký xe. Tôi nghĩ vậy!", ông Đệ khẳng định.
Bởi trong qui trình cho vay mua xe ô tô trả góp, nếu ngân hàng thực hiện đầy đủ, chặt chẽ các quy trình, thủ tục thì cơ bản đã giảm thiểu rủi ro, đảm bảo an toàn cho ngân hàng.
Hơn nữa, việc ngân hàng giữ bản chính đăng ký xe sẽ “vẽ” thêm nhiều việc cho ngân hàng, đồng thời tăng chi phí cho ngân hàng như: chi phí bảo quản trong kho, két sắt, báo cáo kiểm kê định kỳ, sao chứng thực. Việc định kỳ bên vay vốn đến ngân hàng xin bản sao đăng ký xe ô tô ví như ngân hàng “đẻ” thêm giấy phép con cho mình trong thủ tục hành chính.
Ở góc độ khách quan có thể thấy, tiên lượng xấu chỉ đúng với ngân hàng tăng trưởng nóng dư nợ tín dụng, thẩm định qua quýt chủ yếu làm đẹp hồ sơ vay. Với những ngân hàng này, song hành với thành tích dư nợ tăng là hấp dẫn hoa hồng dịch vụ quan hệ tay 3: Đại lý bán xe - Ngân hàng - bảo hiểm. Góp phần tăng nợ xấu cũng là phân khúc tín dụng này. Đã đến lúc Ngân hàng nhà nước thể hiện vai trò quản lý nhà nước tích cực hơn đối với hệ thống ngân hàng thương mại có biểu hiện chệch hướng trong hoạt động tín dụng trả góp ô tô.
Để giải quyết thỏa đáng quyền và lợi ích của các tổ chức, cá nhân các cơ quan chức năng nên sớm đề nghị sửa đổi các nghị định, thông tư có liên quan đảm bảo theo hướng linh hoạt cho người dân cũng như các tổ chức tín dụng. Làm sao để thuận tiện cho các chủ phương tiện khi lưu thông trên đường, ngân hàng cũng sẽ phát mại và thu được nợ và lãi vay khi bên thế chấp không trả được nợ.
Cùng bàn về vấn đề liên quan, theo TS Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế tài chính ngân hàng cho rằng, khi khách hàng đã sử dụng ô tô để làm tài sản thế chấp thì thông thường giấy tờ sở hữu tài sản đó phải đi cùng hồ sơ thế chấp. Ngân hàng là chủ nợ thì ngân hàng nên là người nắm giữ giấy tờ gốc.
Về phía công an, có thể căn cứ vào bản sao công chứng, nếu bên công an nghi ngờ việc bản sao công chứng có thực hay không, có thể hiện là giấy tờ gốc đang ở ngân hàng hay không thì đó là nhiệm vụ của chủ xe. Theo đó, ngân hàng có thể thực hiện xác nhận vào giấy tờ trên với nội dung thể hiện rõ thông tin về tài sản đang thế chấp tại ngân hàng.
Theo ông, giải pháp sử dụng giấy tờ sao y bản chính có công chứng, có xác nhận của ngân hàng là đủ tính pháp lý thể hiện việc chủ sở hữu xe và phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay.
Nhận định về việc công an yêu cầu phải xuất trình giấy tờ đăng ký bản chính đối với các xe đang thế chấp tại ngân hàng, Chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng đó là một điều không nên làm.
Theo ông, công an chỉ giám sát lái xe ở khía cạnh có bằng lái xe, có đi đúng luật và xe có đủ tiêu chuẩn chất lượng lưu hành (thể hiện ở đăng kiểm của xe) hay không. Còn việc ai là chủ sở hữu xe thực sự không quan trọng vì xe có thể là xe đi mượn, xe đi thuê hay xe thế chấp.
Ông cũng đưa ra ví dụ trong trường hợp vay tiền mua nhà và thế chấp, công an có tự dưng đến để kiểm tra nếu không có sổ đỏ thì hiểu ngay là ông ở nhà người khác và mời ra khỏi nhà hay không.
Tiến sĩ lê Xuân Nghĩa cho rằng, công an cần tạo điều kiện trong khuôn khổ pháp lý để người dân có thể tuân thủ và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh chứ không thể cái gì cũng kiểm soát được.
Thiết nghĩ, từ một số nội dung đã trình bày ở trên, các bộ ngành liên quan cần sớm ngồi lại với nhau để tìm giải pháp sao cho hài hòa nhất giữa các bên, đảm bảo đúng quy định pháp luật và thuận tiện cho người dân, ngân hàng, đồng thời thống nhất giữa Nghị định 163/2006 sửa đổi bởi Nghị định 11/2012 và Bộ luật Dân sự 2015 về quyền và trách nhiệm của bên thế chấp và bên nhận thế chấp. Bởi, Bộ luật Dân sự 2015 quy định: bên nhận thế chấp được phép Giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận, trừ trường hợp luật có quy định khác.../.