Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

“Giấy thông hành” và những bất cập

Thứ Sáu, 30/07/2021 16:55 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Vừa qua nhiều địa phương yêu cầu người dân ra, vào địa bàn phải có giấy xác nhận âm tính COVID-19 còn thời hạn... Điều này vô hình trung khiến nó trở thành “giấy thông hành" song cũng làm nảy sinh một số bất cập.

Trong thời điểm bùng dịch như hiện nay thì điều cấp thiết nhất là khám, phân loại sàng lọc, truy vết triệt để các ca F0. Nếu có thể thực hiện được thì thường xuyên test 100% đối tượng thì sẽ sàng lọc được người nhiễm, người có nguy cơ lây nhiễm và từ đó có biện pháp cách ly, điều trị, phòng ngừa phù hợp. Tuy nhiên, điều này chỉ phù hợp ở phạm vi hẹp, số lượng đối tượng ít, không thể thực hiện đối với toàn bộ dân số.

Do đó, ngoài việc khoanh vùng, tìm người bị nhiễm theo những biện pháp chủ động, truy vết thì một trong những biện pháp được áp dụng cùng lúc là tìm theo biện pháp ngẫu nhiên để xác định được người bị nhiễm, người có nguy cơ lây nhiễm. Vì vậy, việc áp dụng biện pháp test nhanh để tìm theo ngẫu nhiên là điều cần thiết, làm song song với những biện pháp tìm chủ động khác.

Có nhiều năm công tác trong lĩnh vực tư vấn pháp luật, chị Lê Thị Thu Nga, 33 tuổi, sinh sống tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ, việc tập trung đông người tại các cơ sở y tế để làm xét nghiệm COVID-19 là nguy cơ tiềm ẩn làm bùng phát dịch do không thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch,  không đảm bảo khoảng cách an toàn…

Thời hạn hiệu lực của “giấy thông hành" cũng chưa thực sự thống nhất giữa các địa phương, chưa kể chi phí xét nghiệm COVID-19 cũng trở thành vấn đề đáng quan tâm. Theo quy định của Bộ Y tế thì mức giá tối đa của dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR từ bệnh phẩm dịch hầu họng (áp dụng cho mẫu đơn) là 734.000 đồng/1 mẫu xét nghiệm và chỉ có thời hạn sử dụng trong ba ngày. 

Giá trị của “Giấy thông hành” chỉ chứng nhận tại thời điểm xét nghiệm (nghĩa là không có thời hạn lâu dài) về cơ bản một người không nhiễm COVID-19. Cho dù tại thời điểm xét nghiệm có âm tính mà sau đó có tiếp xúc ca nhiễm COVID-19 thì mầm bệnh vẫn ủ trong người và có nguy cơ lây cho người khác.

Giấy xét nghiệm không có giá trị tuyệt đối, với người không nhiễm tại thời điểm xét nghiệm mà chỉ là xác nhận số lượng virus không đủ lớn đến ngưỡng xác nhận dương tính và không có nghĩa người đó hoàn toàn không nhiễm COVID 19.

Chị Nga cũng thừa nhận thực tế do nhu cầu cần giấy xét nghiệm âm tính COVID-19, đã xuất hiện nhiều tổ chức, cá nhân có hành vi mua, bán, làm giả giấy xét nghiệm để trục lợi.

CSGT kiểm tra giấy xét nghiệm COVID-19 của tài xế khi qua chốt kiểm soát dịch bệnh (Ảnh minh họa: Hoàng Giáp/Báo Thanh niên) 

Thực tế hiện nay số người được tiêm vaccine vẫn còn ít. Bộ Y tế cho biết đến sáng 30/7, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 5.529.898 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 4.983.496 liều, tiêm mũi 2 là 546.402 liều. Nếu không truy vết hết các ca F0 trong cộng đồng, thì dù có giãn cách bao nhiêu ngày cũng khó phát huy được hiệu quả.

Một cá nhân, nhóm người di chuyển thường là nhân tố thuận lợi gây lan truyền virus giữa các khu vực. Do đó, áp dụng truy tìm xác suất theo cách yêu cầu người đó phải có giấy chứng nhận âm tính COVID-19 là một trong những biện pháp phòng ngừa rủi ro cho người đó và cộng đồng người đó ở, cộng đồng di chuyển trên đường và cộng đồng người đến.

Do đó, “giấy thông hành” vẫn cần thiết, cho đến khi có biện pháp hiệu quả hơn thay thế.

Ở góc độ khác, anh Nguyễn Thế Hiển, Công ty Luật TNHH Pháp Gia, 25 tuổi, đang sinh sống tại quận Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ, gần đây đã xuất hiện biến thể Delta mới của virus SARS-CoV-2 với khả năng lây nhiễm nhanh và thời gian ủ bệnh lâu, dẫn đến có rất nhiều ca F0 không có triệu chứng. Những F0 này không biết bản thân bị nhiễm bệnh nên đã tiếp xúc với nhiều người khác, khiến số lượng các ca nhiễm tăng vọt trong thời gian ngắn. Nếu không sàng lọc được hết các ca bệnh này thì rất nguy hiểm.

Theo anh Nguyễn Thế Hiển, cùng với việc phát hiện người nhiễm theo xác suất thì thứ nhất, Bộ Y tế cần có những quy định thống nhất về thời hạn áp dụng kết quả giấy xét nghiệm COVID-19 tại các địa phương. Thứ hai, cần xử phạt nghiêm minh các trường hợp ra đường không có lý do chính đáng, vi phạm về lây lan dịch bệnh theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Thứ ba, tiếp tục tăng cường tuyên truyền về các biện pháp phòng dịch, nâng cao ý thức của người dân, sử dụng “Giấy thông hành” đúng mục đích, không được lợi dụng.

Tính từ đầu đợt dịch thứ 4 đến 06h00 ngày 29/7, nước ta ghi nhận 119.812 ca nhiễm. Nếu một người có kết quả xét nghiệm âm tính, sau đó thực hiện tốt các biện pháp 5K, thậm chí được tiêm 1-2 mũi vaccine thì coi như tự bảo vệ được mình khỏi còn virus đáng sợ này (nếu bị nhiễm thì việc điều trị cũng dễ thở hơn và để lại ít di chứng)... 

Việt Nam đã kiên cường vượt qua 3 đợt dịch với sự chung tay đồng lòng của người dân và Nhà nước. Chúng ta không có lý do gì để chùn bước trước cơn sóng lần này. Ý thức tốt là yếu tố cốt lõi, “chìa khóa vàng” trong phòng, chống dịch. Do vậy, mỗi người dân hãy luôn đặt mình trong trạng thái ý thức cao nhất hãy tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng, chống dịch của cơ quan chức năng để Việt Nam sớm chiến thắng đại dịch./.

Anh Tuấn

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN