Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Giấy thông hành…

Thứ Ba, 10/08/2021 14:41 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Siết chặt việc đi lại của người dân bằng Giấy đi đường là một chủ trương đúng của thành phố Hà Nội, tuy nhiên, cần đánh giá kịp thời những bất cập, những tác động của biện pháp này đối với các hoạt động thực tế khi triển khai, thực hiện.

 Điểm chốt trên phố Lò Đúc sáng ngày 9/8. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Hà Nội hiện đang tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên phạm vi toàn thành phố. Theo đó, việc tăng cường thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát thực hiện giãn cách xã hội, trong đó siết chặt việc đi lại của người dân bằng Giấy đi đường là một chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên do chưa lường trước được những bất cập xảy ra trong quá trình triển khai thực hiện, vì thế không ít bất cập đã xảy ra.

Cụ thể, khi người đi đường được yêu cầu phải xuất trình Giấy đi đường kèm theo nhiều giấy tờ liên quan như: Căn cước công dân/Chứng minh thư nhân dân, lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, hay phải có xác nhận của UBND xã, phường, nơi cư trú đã gây không ít khó khăn cho người dân khi phải thực hiện các thủ tục xin cấp, xác nhận đủ thứ kèm theo thì Giấy đi đường mới có giá trị thông hành.

Thực tế, người đi đường phải xuất trình nhiều giấy tờ cùng lúc cũng làm mất nhiều thời gian kiểm soát cho lực lượng chức năng, dẫn đến ùn tắc kéo dài ở các chốt kiểm soát, gây nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao không chỉ cho người tham gia giao thông mà cho cả lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát là khó có thể tránh khỏi.

Những bất cập này gây áp lực không nhỏ cho lực lượng thực thi nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát cũng như chính quyền cơ sở và người dân. Vấn đề ở chỗ nhìn nhận, đánh giá và sự linh hoạt của biện pháp, chính sách... phụ thuộc vào góc nhìn của mỗi người, vì thế mà có tình trạng vẫn những Giấy đi đường mang theo nhưng có chốt thì cho đi qua, chốt lại không, người dân nhiều khi không biết phải thực hiện như thế nào mới đúng, vì thế mà đã có những phản ứng trái chiều xoay quanh việc thông hành này.

Không riêng gì Hà Nội, không thể tránh khỏi những bất cập khó có thể lường trước đối với các giải pháp, biện pháp trong lúc cấp bách ứng phó với dịch bệnh COVID-19, bởi chỉ cần sơ suất nhỏ, một người thiếu ý thức, vô trách nhiệm thì biết bao công sức phòng, chống dịch sẽ đổ bể, gánh nặng lại đè thêm lên đôi vai của các lực lượng tuyến đầu.

Vẫn biết rằng, chẳng ai dại gì lại tự nhiên ra đường để vi phạm và bị xử phạt nếu không có nhiệm vụ, công việc cần thiết, ngoại trừ một số người còn chưa nhận thức đầy đủ về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, coi thường tính mạng của bản thân cũng như trách nhiệm của mình đối với cộng đồng. Nhưng phải thừa nhận tình trạng vẫn còn một số người rất thiếu ý thức, thiếu tôn trọng pháp luật và xem nhẹ những nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cho chính mình và cộng đồng, họ vẫn vô tư đi lại, hồn nhiên chơi golf... mà coi như không có chuyện gì xảy ra, vì thế, rất có thể có cả những Giấy đi đường được cấp sai đối tượng hoặc sử dụng sai mục đích, cho nên siết chặt kiểm soát đi lại bằng Giấy đi đường là việc cần thiết.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 với những biến chủng mới có tốc độ lây lan nguy hiểm và khó lường, hầu hết người dân Thủ đô đã thực hiện nghiêm Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23/7/2021 và Công điện số 18/CĐ-UBND ngày 6/8/2021 của Chủ tịch UBND Thành phố cũng như tuân thủ các quy định về Giấy đi đường. Tuy nhiên, khi triển khai siết chặt việc đi lại của người dân bằng Giấy đi đường trong thời gian giãn cách đã có những bất cập như nêu ở trên, vì vậy Hà Nội cần có đánh giá nhanh chóng về những tác động của các biện pháp, đồng thời cần tiếp thu phản hồi từ truyền thông và người dân để có những điều chỉnh chính sách phù hợp với thực tế.

Rất hoan nghênh UBND Thành phố Hà Nội đã tiếp thu và kịp thời có văn bản Chỉ đạo triển khai một số nội dung quy định Giấy đi đường chưa được các cơ quan, đơn vị thống nhất cách hiểu, dẫn đến còn lúng túng trong triển khai thực hiện, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, doanh nghiệp cũng như yêu cầu phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Theo đó, hầu hết người đi đường không còn phải xuất trình giấy tờ có xác nhận của xã/phường, giấy phân công công việc, lịch làm việc ngoài Giấy đi đường, giấy tờ tùy thân, mặt khác UBND Thành phố Hà Nội đã yêu cầu các lực lượng thực hiện tốt nhiệm vụ, linh hoạt, tránh gây ùn tắc, mất an toàn trong phòng, chống dịch bệnh trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tổ chức và cá nhân trong thời gian giãn cách xã hội, góp phần tháo gỡ kịp thời những bất cập./.

Khắc Trường

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN