Giám sát tới cùng!
(ĐCSVN) - Trong thời gian qua, hoạt động giám sát của Quốc hội đã không ngừng cải tiến, tập trung vào những vấn đề bất cập, bức xúc của cuộc sống. Nhưng làm thế nào để giám sát hiệu quả, thiết thực, truy đến tận cùng những nội dung đã được giám sát lại là vấn đề thực tiễn đang đặt ra.
Như chúng ta đã biết, giám sát là một trong những chức năng cơ bản và quan trọng của Quốc hội. Trong nhiều năm qua, hoạt động giám sát không ngừng được tăng cường và đổi mới, tập trung vào những vấn đề lớn quan trọng của đất nước, những bất cập, bức xúc của cuộc sống; phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân nhất là hoạt động chất vấn với cách thức “hỏi nhanh, đáp gọn” đã tạo điều kiện để tăng cả về số đại biểu Quốc hội chất vấn, tranh luận, cả về nội dung và chất lượng câu hỏi, câu trả lời; Giám sát chuyên đề tiếp tục đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả rõ nét, lựa chọn “trúng” và “đúng” vấn đề mà cử tri quan tâm được nhân dân, cử tri ghi nhận, đánh giá cao.
Phải nói rằng, thông qua giám sát cũng đã tạo ra những sức ép, những áp lực nhất định đối với các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị, …để có những giải pháp, những biện pháp tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, hoàn thiện pháp luật và thực hiện tốt nhiệm vụ Nhà nước và cử tri giao phó. Cũng qua giám sát các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội nắm bắt được đầy đủ hơn những thông tin, những vấn đề mà thực tế đang đặt ra, hiểu rõ hơn các vấn đề và phục vụ tốt hơn cho việc xem xét, quyết định các chính sách pháp luật.
Tuy nhiên, làm sao để việc giám sát cho hiệu quả, thiết thực lại là vấn đề luôn được thực tiễn đặt ra.
Thực tế cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội vẫn còn có những hạn chế như: Thời gian dành cho hoạt động chất vấn, đặc biệt là hoạt động “hậu giám sát” còn hạn chế, chậm; chưa bảo đảm để tất cả các chất vấn của đại biểu Quốc hôi đều được trả lời trực tiếp tại hội trường; chưa tiến hành đánh giá đối với việc tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn bằng văn bản,...
Khi đưa ra các chương trình giám sát, rồi cụ thể từng chuyên đề thì thường lên kế hoạch rất chặt chẽ và có thời gian, có nội dung, có yêu cầu và đặc biệt khi thực hiện báo cáo giám sát thì nêu rất cụ thể về những kết quả đạt được, những ưu điểm, những tồn tại, những khuyết điểm, kể cả những vấn đề kiến nghị, nhưng vấn đề “hậu giám sát” triển khai còn lúng túng, dường như chưa thực sự được chú trọng.
Đoàn kiểm tra, giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử quốc gia kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tại các địa phương. Ảnh:TL. |
Tại phiên họp của Quốc hội cho ý kiến vào dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022 mới đây, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh) đã thẳng thắn nêu vấn đề: Sau khi giám sát xong, chúng tôi thấy phần lớn các báo cáo hậu giám sát là rất ít, thậm chí có những việc cũng không biết là sau khi giám sát xong rồi thì đơn vị đó, địa phương đó thực hiện những yêu cầu của Đoàn giám sát như thế nào.
Từ thực tế tham gia Quốc hội khóa XIII, XIV và bây giờ là khóa XV, đại biểu Trần Hoàng Ngân phản ánh việc thực hiện quy trình quyền giám sát của người đại biểu Quốc hội còn rất lúng túng.
“Chúng ta cần sớm xây dựng cơ chế, quy trình cho các đại biểu Quốc hội hoặc tổ đại biểu Quốc hội muốn thực hiện việc giám sát của mình”, đại biểu kiến nghị.
Nói như đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn Quảng Trị), việc xây dựng nội dung chương trình giám sát chuyên đề đang theo kiểu “ăn đong” hàng năm. Cách làm này chỉ giải quyết những vấn đề có tính ngắn hạn hàng năm mà chưa nhìn thấy định hướng rõ nội dung giám sát cho cả một giai đoạn, một nhiệm kỳ của Quốc hội có tầm nhìn bao quát và tổng thể. Vì vậy, cần chủ trì xây dựng đề án về đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội và cần thực hiện ngay trong năm đầu nhiệm kỳ này. Trên cơ sở đó, hàng năm Quốc hội sẽ xem xét, lựa chọn, quyết định các nội dung chuyên đề giám sát cụ thể, có lộ trình, bảo đảm có tầm nhìn toàn diện và căn bản hơn.
Đại biểu Vũ Trọng Kim (Đoàn Nam Định) cũng lưu ý, kết quả thực hiện những kiến nghị, kể cả những kiến nghị với các ngành và với Chính phủ thì các ngành và Chính phủ cũng phải báo cáo kết quả đã thực hiện như thế nào, trong trường hợp các kiến nghị không phù hợp thì phải trả lời rõ ràng.
Nhiều ý kiến cho rằng, để giúp cử tri, theo dõi giám sát được tốt hơn, Chính phủ có thể tổng kết các ý kiến của đại biểu Quốc hội, những kiến nghị, đề xuất của Đoàn giám sát ở địa phương, đơn vị, bộ, ngành và kết quả thực hiện công khai trên các kênh thông tin đại chúng để cử tri theo dõi, giám sát. Hay việc giám sát thực hiện các lời hứa của một số Bộ trưởng, tư lệnh ngành phải được thực hiện đến cùng, đừng để điệp khúc “xin hứa”, “xin nhận trách nhiệm cá nhân” tại các phiên chất vấn lặp lại năm này qua năm khác mà kết quả thì không được cụ thể hóa rõ ràng.
Theo đó, Nghị quyết giám sát chuyên đề của Quốc hội cần cụ thể hơn phạm vi giám sát nên tập trung vào một số vấn đề, lĩnh vực nhất định để tránh dàn trải, thực sự là giám sát chuyên sâu, đảm bảo đạt chất lượng, hiệu quả; tập trung giám sát về vấn đề được cử tri và dư luận đặc biệt quan tâm trong thời gian gần đây như: quản lý, mua sắm tài sản công; quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại một số đơn vị sự nghiệp công lập, gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động; tiếp cận vắc xin, thực hành tiết kiệm chống lãng phí…
Tại buổi gặp mặt báo chí sau khi nhậm chức, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, phải coi đổi mới giám sát tối cao của Quốc hội như là một khâu then chốt, trọng tâm để nâng cao hoạt chất lượng hoạt động của Quốc hội. Phải lựa chọn trúng và đúng những vấn đề quan trọng của đất nước, những vấn đề thực tiễn đặt ra, có liên quan tới quốc kế, dân sinh. Tinh thần giám sát là có trọng tâm, trọng điểm; làm đến nơi, đến chốn, truy đến cùng sự việc; xác định trách nhiệm giải trình của tập thể, cá nhân; nêu ra kiến nghị xác đáng; đồng thời phải coi trọng giám sát thực hiện các kiến nghị của giám sát.
Có thể thấy, việc đẩy mạnh và tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát là một yêu cầu cấp bách để thông qua giám sát thúc đẩy hoạt động chung của Quốc hội và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội cũng như của các cơ quan thi hành pháp luật nói chung. Không chỉ thế, nó còn thể hiện tinh thần, trách nhiệm của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong việc theo dõi, giám sát, truy đến cùng những nội dung đã được giám sát. Và chỉ khi hậu giám sát được thực hiện tốt thì hiệu quả mới mang lại thực chất và đạt chất lượng cao!./.