Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Giám sát dịch bệnh chủ động để giảm thiệt hại cho người nuôi tôm

Thứ Hai, 07/10/2024 09:19 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Dịch bệnh tiếp tục lưu hành trên diện rộng, tồn tại trong hệ sinh vật tự nhiên và trong cơ sở nuôi là nguyên nhân gây thiệt hại rất cao cho người nuôi tôm trong thời gian tiếp theo nếu cơ sở nuôi không nâng cao các biện pháp an toàn sinh học, áp dụng tiến bộ khoa học, thực hiện giám sát dịch bệnh chủ động để phát hiện sớm và kiểm soát tốt dịch bệnh, trong đó đặc biệt là con giống và khâu chuẩn bị ao nuôi.

 Tôm nuôi bị thiệt hại do bệnh đốm trắng (Nguồn ảnh: TTXVN)

Trong thời gian qua, nuôi tôm tại nhiều địa phương gặp khó khăn do tôm nuôi bị dịch bệnh, làm nhiều diện tích nuôi của bà con bị thiệt hại.

Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), 9 tháng năm 2024, diện tích tôm nuôi bị dịch bệnh gồm 3.593 ha. Tôm nuôi chủ yếu bị mắc các bệnh: đốm trắng (1.034 ha), hoại tử gan tụy cấp tính (1.009 ha), đỏ thân (643 ha), còi và vi bào tử trùng,...Bệnh xảy ra tập trung chủ yếu ở một số tỉnh trọng điểm nuôi tôm như Trà Vinh (1.014 ha), Sóc Trăng (675 ha), Cà Mau (612 ha), Bạc Liêu (435 ha), Kiên Giang (340 ha) và rải rác tại một số địa phương khác.

Tính theo đối tượng nuôi, diện tích nuôi tôm sú bị bệnh 1.568 ha, tôm thẻ 2.025 ha; theo phương thức nuôi, diện tích nuôi thâm canh, bán thâm canh và siêu thâm canh bị dịch bệnh 2.615 ha; diện tích nuôi tôm quảng canh và quảng canh cải tiến bị dịch bệnh 904,6 ha.

Đáng chú ý, với bệnh hoại tử gan tụy cấp (AHPND), trong 9 tháng năm 2024, bệnh AHPND xảy ra trên phạm vi rộng, tại 112 xã, 43 huyện thuộc 15 tỉnh, thành phố với tổng diện tích tôm nuôi bị bệnh trên 1.009 ha. Sóc Trăng là tỉnh có diện tích nuôi bị bệnh lớn nhất (319 ha), chiếm 37,79% tổng diện tích tôm bị bệnh của các tỉnh, sau đó đến tỉnh Trà Vinh, Bạc Liêu và các địa phương khác.

Hiện nay, với dịch bệnh này, chưa có vắc xin phòng bệnh. Bệnh này do vi khuẩn gây ra nên có thể điều trị, tuy nhiên việc điều trị bệnh cho tôm thường tốn kém và không hiệu quả (do tôm thường bỏ ăn).

Bên cạnh đó, trong 9 tháng năm 2024, bệnh đốm trắng (WSD) xảy ra tại 144 xã, 48 huyện thuộc 16 tỉnh, thành phố với tổng diện tích tôm nuôi bị bệnh trên 1.034 ha. Trong đó, diện tích nuôi tôm sú bị bệnh 467 ha; tôm thẻ bị bệnh 568 ha.

Ở dịch bệnh này, tôm bị mắc bệnh chủ yếu ở giai đoạn 35-60 ngày sau thả. Kiên Giang là tỉnh có diện tích bị bệnh lớn nhất (279 ha), chiếm 26,95% tổng diện tích bị bệnh của các tỉnh, sau đó đến tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bến Tre, Bạc Liêu và các địa phương khác. Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh đốm trắng, bệnh do vi rút nên không có thuốc điều trị bệnh.

Với bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô (IHHND), trong 9 tháng năm 2024, bệnh IHHND xảy ra tại 9 xã, 6 huyện thuộc 5 tỉnh, thành phố với tổng diện tích tôm nuôi bị bệnh trên 72 ha. So với hai bệnh ở tôm trên, bệnh IHHND gây thiệt hại không nhiều, phạm vi thiệt hại hẹp hơn, tuy nhiên đây là một trong những bệnh nguy hiểm trên tôm. Kết quả giám sát chủ động cho thấy vi rút lưu hành ở nhiều vùng nuôi, mầm bệnh có trong loài giáp xác tự nhiên và là nguy cơ lây nhiễm cao.

Cũng theo Cục Thú y, từ đầu năm 2024 đến nay, có khoảng 147 ha tôm nuôi tại các tỉnh Quảng Trị (28,47 ha), Bạc Liêu (116 ha) và Cà Mau (2,6 ha) bị thiệt hại nhưng không xác định nguyên nhân. Đồng thời, từ đầu năm 2024 đến nay, có 16.990 ha tôm nuôi tại các tỉnh Nghệ An (1,3 ha), Kiên Giang (5.747 ha), Trà Vinh (186 ha), Sóc Trăng (1.068 ha), Bạc Liêu (511 ha) và Cà Mau (9.475 ha) bị thiệt hại do biến động môi trường, thời tiết, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023.

Nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh, thiệt hại trên, theo Cục Thú y, một số loại mầm bệnh nguy hiểm trên tôm vẫn lưu hành ở nhiều vùng nuôi, kết hợp các yếu tố nhiệt độ, độ mặn tăng cao, biến đổi môi trường nhanh, mạnh, cực đoan,… đã tác động đến sức khỏe tôm, làm cho tôm chậm lớn, kém phát triển, sức đề kháng yếu; điều kiện môi trường biến đổi tiêu cực tạo thuận lợi cho mầm bệnh phát triển.

Bên cạnh đó, công tác đảm bảo chất lượng tôm giống phục vụ cho cơ sở nuôi còn gặp nhiều khó khăn do việc xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh đối với các cơ sở ương dưỡng giống tôm nước lợ chưa được địa phương và cơ sở nuôi quan tâm đúng mức; số lượng cơ sở ương dưỡng tôm giống có giám sát dịch bệnh rất hạn chế,…

“Dịch bệnh tiếp tục lưu hành trên diện rộng, tồn tại trong hệ sinh vật tự nhiên và trong cơ sở nuôi là nguyên nhân gây thiệt hại rất cao cho người nuôi tôm trong thời gian tiếp theo nếu cơ sở nuôi không nâng cao các biện pháp an toàn sinh học, áp dụng tiến bộ khoa học, thực hiện giám sát dịch bệnh chủ động để phát hiện sớm và kiểm soát tốt dịch bệnh, trong đó đặc biệt là con giống và khâu chuẩn bị ao nuôi” – Cục Thú y đưa ra nhận định.

Cục Thú y cũng đưa ra khuyến cáo, các cơ sở nuôi cần có giải pháp đồng bộ để khắc phục, cải thiện điều kiện hạ tầng vùng nuôi, quản lý mùa vụ nuôi, có ao lắng để trữ nước sử dụng khi cần thiết, chỉ thả giống khi bảo đảm điều kiện nuôi, nghiên cứu điều chỉnh quy trình nuôi phù hợp, xử lý nước thải, chất thải theo quy định. Thực hiện quan trắc môi trường, tổ chức lấy mẫu đối với những diện tích bị thiệt hại để xác định nguyên nhân, thực hiện kế hoạch giám sát chủ động để dự báo, cảnh báo. Nuôi tôm với mật độ thấp, cách vụ để giảm tải cho môi trường nuôi và áp dụng các biện pháp tổng hợp phòng, chống dịch bệnh.

Về lâu dài, theo Cục Thú y, các cơ sở nuôi cần quan tâm đến chất lượng tôm giống để đảm bảo chất lượng nuôi tôm. Trong đó, để đảm bảo chất lượng con giống cho các cơ sở nuôi, các cơ sở ương dưỡng, sản xuất giống cần tổ chức xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh.

Trước tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi còn nhiều diễn biến khó lường, Cục Thú y đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố chủ trì, rà soát việc tổ chức xây dựng kế hoạch chủ động phòng chống dịch bệnh thủy sản năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hướng dẫn của Cục Thú y; báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí đủ nguồn lực để chủ động sử dụng, hỗ trợ người nuôi khi có dịch bệnh phát sinh và triển khai các hoạt động chuyên môn trên địa bàn, đặc biệt là hoạt động giám sát chủ động dịch bệnh theo đúng mùa vụ sản xuất, bảo đảm hiệu quả.

Chỉ đạo các cơ quan chuyên ngành cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện nghiêm túc các quy định về báo cáo định kỳ, đột xuất tình hình dịch bệnh thủy sản cho cơ quan thú y theo đúng quy định, bảo đảm thông tin đầy đủ, số liệu chính xác để phục vụ công tác dự báo, cảnh báo dịch bệnh và chỉ đạo điều hành. Rà soát cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản và chỉ đạo, định hướng việc xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, giám sát dịch bệnh đối với cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống nhằm cung cấp con giống sạch bệnh cho người nuôi.

Đối với Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Chi cục Thủy sản, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý, kiểm dịch, kiểm soát giống thủy sản vận chuyển ra khỏi địa bàn tỉnh nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không đăng ký kiểm dịch đúng theo quy định.

Các cơ sở sản xuất, ương dưỡng thủy sản giống xây dựng kế hoạch giám sát dịch bệnh chủ động, gắn với xây dựng cơ sở, chuỗi sản xuất an toàn dịch bệnh để phục vụ trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh ngân sách nhà nước hỗ trợ, đề nghị người nuôi chủ động bố trí kinh phí và triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh tại cơ sở nuôi của mình.

Các hộ nuôi cần tuân thủ quy trình nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh trong phòng chống, kiểm soát vật trung gian, đồng thời nâng cao sức đề kháng cho tôm trong quá trình nuôi. Đặc biệt, người nuôi cần quan tâm hơn nữa việc sử dụng tôm giống từ cơ sở an toàn dịch bệnh hoặc tôm đã được kiểm dịch thú y hoặc tôm có nguồn gốc rõ ràng. Ngoài ra, người nuôi cần xử lý nguồn nước trong các ao tôm bị bệnh trước khi xả thải ra môi trường để hạn chế lây lan, phát tán mầm bệnh ra khắp vùng nuôi.

Nhằm góp phần giảm thiểu thiệt hại diện tích tôm nuôi cho bà con, nhất là về yếu tố chất lượng con giống, Cục Thú y cho biết, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm dịch tôm giống xuất tỉnh tại các địa phương nhằm bảo đảm kiểm soát, kiểm dịch trước khi vận chuyển; các chủ cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản cần tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng tôm giống trước khi xuất bán cho người nuôi.

Các địa phương xem xét kiện toàn, bố trí, sắp xếp đủ số lượng kiểm dịch viên, bảo đảm nguồn lực để thực hiện công tác kiểm dịch giống; kiểm soát và quản lý giống thủy sản nhập tỉnh. Tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin giữa các tỉnh về vận chuyển giống thủy sản xuất và nhập trên địa bàn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo đúng quy định của pháp luật hiện hành,…/.

 

B.T

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN