Giảm nghèo theo hướng tiếp cận đa chiều tại Hữu Lũng (Lạng Sơn)
(ĐCSVN) - Để từng bước cải thiện và nâng cao đời sống cho nhân dân trên địa bàn, nhất là đối với những xã đặc biệt khó khăn, năm nay, từ các chính sách và nguồn kinh phí hỗ trợ giảm nghèo, huyện Hữu Lũng sẽ tập trung mọi nguồn lực phấn đấu giảm 3% tỷ lệ hộ nghèo so với năm trước, trong đó sẽ giảm 4% đối với các xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 40%.
Giai đoạn 2017 - 2020, huyện đề ra một số giải pháp nhằm bảo đảm cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như:
Tiếp cận dịch vụ y tế
Người dân sẽ được tiếp cận dịch vụ y tế bằng cách triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả việc hỗ trợ mua và cấp thẻ bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh cho người nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo; vận động và hỗ trợ người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, có mức sống trung bình, học sinh, sinh viên tích cực tham gia bảo hiểm y tế; vận động các đối tượng còn lại tham gia mua thẻ bảo hiểm y tế theo diện hộ gia đình.
Bên cạnh đó, thực hiện đơn giản hóa thủ tục thanh, quyết toán, hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh kịp thời cho người có thẻ bảo hiểm y tế, đặc biệt là người nghèo, người dân sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi khi đau, ốm đến khám chữa bệnh nội trú hay ngoại trú ở cơ sở y tế công lập và dân lập theo Luật Bảo hiểm y tế. Triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người nghèo mắc bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo; tăng cường đưa bác sĩ về tuyến xã, cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân ở tuyến cơ sở. Nâng cao chất lượng và thực hiện hiệu quả chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, bà mẹ, trẻ em và người khuyết tật; công tác y tế dự phòng và phòng chống dịch bệnh.
Tiếp cận giáo dục
Huyện sẽ thực hiện kịp thời các chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ em mẫu giáo và học sinh phổ thông theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm 2020 - 2021, bảo đảm tạo điều kiện tốt nhất để huy động và duy trì tỷ lệ học sinh đến lớp. Củng cố và phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện chế độ hỗ trợ tiền mặt có điều kiện cho trẻ mẫu giáo, học sinh nghèo, học sinh người dân tộc thiểu số ở các cấp học có lớp học sinh dân tộc bán trú thuộc các xã, thôn khó khăn, đặc biệt khó khăn.
Nhà ở cho hộ nghèo
Tiếp tục vận động nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo qua các phong trào “Ngày vì người nghèo; “Nhà đại đoàn kết”... huy động các nguồn lực bằng tiền, vật liệu, ngày công để hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở, đảm bảo diện tích tối thiểu và độ bền vững nhà ở, đáp ứng theo tiêu chí nông thôn mới. Thực hiện ưu tiên trước đối với các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (già cả neo đơn, tàn tật); hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số; hộ gia đình sống ở vùng thường xuyên xảy ra thiên tai; hộ gia đình đang sinh sống tại các thôn đặc biệt khó khăn; hộ gia đình đang cư trú tại các xã nghèo.
Cung cấp nước sạch và vệ sinh
Hỗ trợ đầu tư xây dựng mới, tu sửa, nâng cấp hệ thống cấp và trữ nước sinh hoạt cho dân cư nông thôn đủ dùng quanh năm và sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia thông qua nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, các chương trình, dự án huy động đóng góp của nhân dân. Vận động, tuyên truyền và hỗ trợ hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.
Đặc biệt, tập trung nguồn lực, ưu tiên đầu tư về nhà ở, nước sạch, nhà vệ sinh,... cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo tại địa bàn các xã Tân Lập, Quyết Thắng, Yên Bình, Thiện Kỵ, Hữu Liên và một số xã có tỷ lệ hộ nghèo cao để giảm thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của các hộ dân, tăng khả năng tiếp cận với các nhu cầu xã hội.
Tiếp cập thông tin
Huyện tiếp tục sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và các nguồn vốn khác để xây dựng, nâng cấp, củng cố và phát triển hệ thống thông tin, truyền thông cơ sở. Hỗ trợ phương tiện nghe nhìn cho các hộ nghèo tại vùng sâu, vùng xa. Ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý và sản xuất. Ưu tiên hoàn thiện hệ thống các công trình phục vụ nhu cầu về hoạt động văn hóa thông tin trên địa bàn xã, thôn gồm: trạm chuyển tiếp phát thanh, hệ thống loa đài truyền thanh, điện sinh hoạt, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng xã, thôn. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo, người dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách xã hội nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Tạo điều kiện cho người nghèo hiểu biết quyền, nghĩa vụ của mình, chủ động tiếp cận các chính sách trợ giúp của Nhà nước, vươn lên thoát nghèo./.