Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Giải quyết thách thức an ninh lương thực toàn cầu

Thứ Năm, 05/05/2022 18:44 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ngày 4/5, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định việc khôi phục sản lượng nông nghiệp và phân bón của Nga và Ukraine chính là yếu tố cần thiết giúp giải quyết thách thức đối với an ninh lương thực toàn cầu.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát biểu nhân chuyến thăm đầu tiên tới Nigeria, ngày 3/5.
(Ảnh: Reuters) 

Chiến dịch quân sự do Nga phát động nhằm vào Ukraine hồi tháng 2/2022 đã làm tăng thêm sự biến động trên thị trường tài chính, khiến giá hàng hóa bị đẩy lên cao hơn trong khi các hoạt động hậu cần cũng bị ảnh hưởng,  có khả năng làm chệch hướng phục hồi nền kinh tế sau COVID-19 tại nhiều nước trên thế giới. Nga và Ukraine là các nước xuất khẩu hàng đầu về lúa mì, ngô, dầu hạt cải và dầu hoa hướng dương. Chưa kể tới việc Nga cũng là một trong những nước xuất khẩu khí đốt và phân bón lớn nhất thế giới.

Phát biểu trước phóng viên nhân chuyến thăm đầu tiên tới thủ đô Abuja của Nigeria, người đứng đầu Liên hợp quốc nói: “Các phân tích của chúng tôi chỉ ra rằng, tình hình chiến sự tại Ukraine đang chỉ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn, gây ra cuộc khủng hoảng ba chiều tàn phá hệ thống lương thực, năng lượng và tài chính đối với các nước đang phát triển, trong đó có Nigeria”.

Theo ông Guterres, không hề tồn tại một giải pháp thực sự nào cho vấn đề an ninh lương thực toàn cầu nếu như không đưa sản phẩm nông nghiệp của Ukraine, sản xuất lương thực và phân bón của Nga và Belarus trở lại các thị trường thế giới, ngay cả khi cuộc khủng hoảng Ukraine vẫn đang tiếp diễn. Qua đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc khẳng định quyết tâm thúc đẩy đối thoại giữa các bên để hiện thực hóa các mục tiêu nêu trên.

Trong cuộc họp báo diễn ra cùng ngày tại thủ đô Abuja, ông Guterres cho biết, Liên hợp quốc đã kêu gọi bổ sung 351 triệu USD trong tổng số 1,1 tỷ USD cho kế hoạch ứng phó nhân đạo tại Nigeria. Thông điệp này được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari đang quan ngại trước khả năng cuộc xung đột Nga - Ukraine sẽ làm xao lãng sự chú ý của cộng đồng thế giới trước các vấn đề khác. Mới đây, người đứng đầu Cơ quan Đầu tư Nigeria NSIA cho biết, quốc gia này đã phải mua khẩn cấp kali của Canada vào tháng 4/2022 sau khi không thể nhập khẩu lượng phân bón chính từ Nga do tác động từ các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Người dân địa phương mang theo các bao tải chứa thực phẩm khi đi ngang qua một tòa nhà chung cư bị hư hại tại thành phố cảng phía Nam Mariupol, Ukraine, ngày 31/3/2022. (Ảnh: Reuters / Alexander Ermochenko) 

Tháng trước, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, chiến sự ở Ukraine đã gây thêm một cú sốc lớn cho khu vực châu Phi cận Sahara, đẩy giá lương thực và năng lượng tăng cao, khiến những người dễ bị tổn thương nhất có thể bị đói. Áp lực lại càng trở nên nghiêm trọng hơn khi nhiều quốc gia vẫn đang chật vật ứng phó với đại dịch COVID-19 kéo dài.

Trước thực trạng trên, Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi chúng ta cần bảo đảm sự lưu thông ổn định của thực phẩm và năng lượng qua các thị trường rộng mở bằng việc gỡ bỏ tất cả các biện pháp giới hạn xuất khẩu không cần thiết. Bên cạnh đó, cần chuyển số lượng hàng hóa dư thừa và dự trữ tới những người có nhu cầu, đồng thời duy trì giá thực phẩm hợp lý để hạn chế sự biến động của thị trường.

Được biết, trong tháng 5 này, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ thảo luận về vấn đề an ninh lương thực và cuộc xung đột Nga - Ukraine. Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas Greenfield cho biết trọng tâm trong chương trình nghị sự tháng này của Hội đồng Bảo an là một phiên thảo luận mở về "mối liên hệ giữa cuộc xung đột tại Ukraine và tình trạng mất an ninh lương thực" cùng phiên thảo luận các nguy cơ cũng như lợi ích của việc sử dụng công nghệ trong duy trì hòa bình và an ninh. Hiện Mỹ là nước đảm nhận vai trò nước Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong tháng này. Đại sứ Greenfield cho biết, mối liên hệ giữa xung đột và an ninh lương thực đã được thảo luận khi Mỹ đảm nhận vai trò nước Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hồi tháng 3/2021.

Dự kiến, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres sẽ phát biểu khai mạc phiên thảo luận mở về an ninh lương thực dự kiến diễn ra ngày 19/5 tới, dưới vai trò chủ trì của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken/.

Thu Lan (Theo Reuters, Xinhua)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN