Giải pháp nào để phát triển nông nghiệp đô thị thông minh
(ĐCSVN) - Nông nghiệp đô thị thông minh là một xu hướng mới nhằm đảm bảo an toàn lương thực thực phẩm cho đô thị. Ở nước ta, tuy đã xuất hiện nông nghiệp thông minh, nhưng quy mô nhỏ và dường như chưa có mô hình nông nghiệp thông minh hoàn chỉnh.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: organifarm.vn) |
Nhìn chung, nông nghiệp thông minh ở nước ta là một lĩnh vực mới phát triển. Có nhiều cách hiểu khác nhau về mô hình này. Theo khái niệm của Mạng lưới chuyên đề canh tác thông minh châu Âu, canh tác thông minh là ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại (ICT) vào nông nghiệp (Cách mạng xanh lần thứ ba). Cuộc cách mạng này phối hợp ICT như các thiết bị chính xác, kết nối vạn vật (IoT), cảm biến, định vị toàn cầu, quản lý dữ liệu lớn (Big data), thiết bị bay không người lái (Drone), người máy (robot)..., tạo điều kiện cho người dân tăng thêm giá trị dưới dạng đưa ra được những quyết định khai thác, quản lý hiệu quả hơn.
Theo PGS.TS Đào Thế Anh, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, nông nghiệp đô thị thông minh là nông nghiệp thông minh áp dụng trong nông nghiệp đô thị. Trong các đô thị hiện đại hướng đến đô thị bền vững thì vai trò của nông nghiệp đô thị là không thể thiếu. Nông nghiệp đô thị có đặc điểm là phải tổ chức sản xuất trong không gian chật hẹp, ít đất canh tác. Đóng góp của nông nghiệp đô thị đối với đời sống dân cư đô thị phụ thuộc vào những thuận lợi và khó khăn kể trên và vào nhận thức về việc kiểm soát, giám sát các rủi ro. So với nông nghiệp truyền thống, nông nghiệp đô thị có những lợi thế cạnh tranh nhất định, nhất là khi nông nghiệp đô thị có thể cung cấp cho các thị trường đô thị những sản phẩm có chi phí rẻ hơn, bao gồm cả chi phí môi trường. Tuy nhiên, cần chú ý là nông nghiệp đô thị không nên cạnh tranh với nông nghiệp ở vùng nông thôn, mà nên tập trung vào những hoạt động có lợi thế, nhất là cung cấp sản phẩm tươi, nhanh hư hỏng, không cần qua công nghệ chế biến và bảo quản.
Cũng theo PGS.TS Đào Thế Anh, nông nghiệp đô thị là một nền nông nghiệp đa chức năng, có các vai trò: Góp phần tạo cảnh quan đô thị và cải thiện sức khỏe cộng đồng; góp phần cung ứng nguồn lương thực, thực phẩm tươi sống tại chỗ cho các đô thị; có khả năng giải quyết được các vấn đề gây “khó chịu” cho cư dân thành thị nói chung và đặc biệt là giải pháp khả thi cho đô thị thông minh, đóng góp cho các nỗ lực cơ sở hạ tầng xanh, tạo nguồn lương thực, thực phẩm an toàn, sản xuất hoa cây cảnh và tạo việc làm đa dạng...
Về cơ bản, việc áp dụng nông nghiệp đô thị thông minh ở nước ta còn nhiều khó khăn, thách thức, như: còn thiếu các nghiên cứu về các mô hình quản trị số để thiết kế được các nền tảng phần mềm phù hợp với nhu cầu của các chuỗi giá trị. Về cơ sở dữ liệu số phục vụ nông nghiệp còn tản mạn, chưa được thiết kế và số hoá đồng bộ. Khả năng cung ứng công nghệ cho nông nghiệp thông minh còn hạn chế. Hiện nay Việt nam có khoảng 15 công ty cung cấp giải pháp nông nghiệp thông minh quy mô thích hợp với trang trại nhỏ. Các công ty vừa và nhỏ thường sử dụng các giải pháp riêng lẻ, không kết nối với nhau. Trong khi đó, thị trường máy móc, thiết bị nông nghiệp còn chưa phát triển, tỷ lệ tự động hóa trong nông nghiệp chưa cao. Các sản phẩm cho nông nghiệp thông minh trên thị trường chưa đồng bộ hoặc không giao tiếp được với nhau, do mỗi doanh nghiệp cung ứng sản phẩm của một nhà cung cấp khác nhau.
Suất đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh cao hơn rất nhiều so với nông nghiệp truyền thống nên phần lớn hộ gia đình không không đủ điều kiện để đầu tư. Công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật mặc dù đã được đầu tư chuyên sâu nhưng vẫn còn chưa theo kịp thực tiễn yêu cầu sản xuất; các tiêu chí về nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh cùng với các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình sản xuất cho từng đối tượng vật nuôi, cây trồng chưa được ban hành.
Nguồn lực từ ngân sách nhà nước và nguồn vốn tín dụng trong đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh còn hạn chế. Tiến độ triển khai một số dự án nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh còn chậm; các cơ chế, chính sách hỗ trợ chưa được xây dựng và ban hành kịp thời, chưa có cơ chế ưu đãi về tín dụng và đất đai cho phát triển nông nghiệp thông minh.
Để vượt qua được các khó khăn, thách thức nhằm đạt được các lợi ích to lớn do chuyển đổi số và nông nghiệp thông minh mang lại, cần triển khai một số giải pháp như:
Một là, nông nghiệp thông minh cần được khuyến khích trong phát triển nông nghiệp đô thị, dựa trên nghiên cứu về thị trường và các nhu cầu của cư dân đô thị.
Hai là, Chính phủ cần tiếp tục ban hành những chính sách phù hợp với thực tiễn sản xuất, có khả thi cao nhằm huy động các nguồn lực để thực hiện cuộc cách mạng nông nghiệp thông minh, từ đó chủ động đầu tư công nghệ phù hợp với đô thị nhằm tạo luồng sinh khí mới với những mô hình nông nghiệp thông minh, sản phẩm nông sản độc đáo, an toàn và có khả năng cạnh tranh cao.
Ba là, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung xây dựng được kiến trúc tổng thể của Chính phủ số và kinh tế số của ngành nông nghiệp. Nghiên cứu xác định rõ nhu cầu dịch vụ chức năng của các hộ nông dân nhỏ, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp để thiết kế nền tảng số tập trung và khung cơ sở dữ liệu số cho nông nghiệp, đồng bộ giữa các nhóm ngành nghề theo cơ cấu tổ chức từ trung ương đến địa phương. Cần có đầu mối tập trung ở cấp bộ để thiết kế cấu trúc hệ thống công nghệ thông tin, tránh hiện tượng tự phát khi chưa có các tiêu chuẩn kết nối chung, sau này khó tích hợp được thành hệ thống chung, gây lãng phí.
Bốn là, tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao để chủ động trong quá trình tiếp cận nông nghiệp thông minh. Công tác khuyến nông tập trung vào đào tạo kỹ năng thay đổi mô hình kinh doanh số cho các hợp tác xã, doanh nghiệp, xây dựng các mô hình chuyển đổi số thử nghiệm cấp cơ sở dựa trên kiến trúc nền tảng thống nhất chung.
Năm là, triển khai xây dựng, thu thập cơ sở dữ liệu trực tuyến nông nghiệp, tích hợp, đồng bộ.
Sáu là, khuyến khích thu hút doanh nghiệp công nghệ số đầu tư phục vụ nông nghiệp. Các công nghệ tự động hoá trong sản xuất nông nghiệp phù hợp với hộ nông dân nhỏ, gắn với nền tảng truy xuất nguồn gốc là những lĩnh vực cần được ưu tiên nghiên cứu để có thể ứng dụng ngay trong thời gian ngắn.
Bảy là, thúc đẩy nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp thông minh, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế để tiếp thu các công nghệ nông nghiệp thông minh phương thức quản trị số phù hợp của thế giới nhằm tiết kiệm thời gian, tăng năng suất lao động, mang lại hiệu quả cao...