Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Giải pháp nào cho doanh nghiệp cá tra sau giãn cách xã hội?

Thứ Ba, 28/09/2021 18:03 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Cùng với những khó khăn chung của ngành thủy sản, ngành hàng cá tra cũng nằm trong nhóm chịu tác động lớn từ dịch COVID-19, sản xuất khó khăn chồng chất. Do vậy, để vượt qua giai đoạn thử thách hiện nay, trở lại sau giãn cách xã hội, ngoài sự chung tay của các cấp, các ngành liên quan, còn đòi hỏi chính sự linh hoạt các nhà máy, doanh nghiệp từ các phương án sản xuất để phục hồi.

 Ảnh minh họa (Nguồn: TTXVN)

Tái sản xuất gặp nhiều khó khăn

Theo bà Tô Thị Tường Lan – Phó Tổng thư ký Hiệp hội VASEP, hơn 2 tháng vừa qua, so với ngành tôm, ngành cá tra chịu tác động lớn, nghiêm trọng do dịch bệnh COVID-19. Khi bước sang tháng 9 để có hy vọng mở tái sản xuất vào giữa tháng 9, VASEP khảo sát ở các tỉnh sản xuất cá tra chính như Vĩnh Long, Đồng Tháp…cho thấy, số lượng nhà máy cá tra đang hoạt động 14/42 công ty. Các nhà máy này hoạt động theo “3 tại chỗ” từ giữa tháng 7 đén nay với công suất nhiều nhất là 30%, tối thiếu 10%. Các doanh nghiệp bắt cá nguyên liệu chủ yếu tại ao nuôi tại địa phương, không thể đi đến nơi khác. Đồng thời, đa số các nhà máy sử dụng bao bì trong kho hiện nay để đáp ứng các đơn hàng.

Theo VASEP, hiện nay có thể chia thành 3 nhóm doanh nghiệp cá tra. Nhóm thứ nhất là các doanh nghiệp hiện đang tiến hành sản xuất 3 tại chỗ. Đây là nhóm có khả năng phục hồi nhanh nhất trong giai đoạn sắp tới, có số lượng tiêm mũi 1 chiếm 60-70%, một số ít nhà máy đã được tiêm mũi 2, có năng lực quản lý tốt. Tuy nhiên, các nhà máy này đều cho rằng, việc duy trì 3 tại chỗ bộc lộ khó khăn do chi phí khá cao, trong đó, chi phí xét nghiệm chiếm trên 30%, chưa kể chi phí ăn ở đi lại; khó cho người lao động ở trong một khu vực với thời gian khá lâu, ảnh hưởng đến tâm lý người lao động, do vậy, chỉ có thể giảm lao động chứ không thể tăng lên.

Nhóm thứ hai là doanh nghiệp chuẩn bị quay lại sản xuất sau một thời gian tạm ngừng. Thách thức quay lại của các doanh nghiệp này, đó là tỷ lệ tiêm vắc - xin thấp, thiếu người lao động do đã về quê, nhiễm bệnh,…Do vậy, việc huy động công nhân gặp khó khăn. Cùng với những khó khăn do thiếu kinh nghiệm trong chống dịch, xử lý các ca nhiễm,…Chính vì vậy, các doanh nghiệp này không mạnh dạn quay lại khi chưa có phương án cụ thể.

Nhóm thứ ba các doanh nghiệp chưa có phương án tái sản xuất. Do chịu tác động của dịch bệnh từ năm 2020 nên đợt dịch thứ tư này họ đứng trên bờ vực phá sản.

Về vấn đề xuất khẩu, bà Tường Lan cho biết, hiện nhu cầu cá tra đang khá lớn trên thị trường, tuy nhiên, vấn đề là làm thế nào để chúng ta tận dụng được khoảng thời gian cuối năm. Theo bà Tường Lan, tính riêng tháng 8/2021, kim ngạch xuất khẩu cá tra giảm, nhưng 8 tháng năm 2021 vẫn tăng do 7 tháng tăng. Có những thị trường là điểm sáng như: Mexico, Nga, Ai Cập,…

Bước sang tháng 9, kim ngạch xuất khẩu cá tra giảm trên 30%. Bà Tường Lan lo ngại, với tình hình hồi phục chậm của doanh nghiệp cá tra, việc chúng ta chậm trễ đơn hàng là việc dễ xảy ra. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng không dám nhận đơn hàng mới cho dịp cuối năm và cũng không lấy được đơn hàng cho đầu năm 2022.

Theo ông Nguyễn Như Tiệp – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thủy sản (Bộ NN&PTNT), vẫn còn nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp cá tra khi bước sang giai đoạn sau giãn cách xã hội. Đó là việc tại nhiều địa phương tình hình dịch bệnh chưa thể kết thúc, nhiều doanh nghiệp đã hết khả năng thực hiện 3 tại chỗ.

Trong khi đó, một số thị trường đang tăng kiểm soát chặt về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh. Cùng với đó là việc số lượng công nhân chưa được tiêm vắc - xin còn cao, việc tập lại lực lượng công nhân còn gặp nhiều khó khăn; chuỗi cung ứng trong thời gian qua đã bị đứt gãy nhiều nơi gây khó khăn cho các doanh nghiệp để phục hồi sản xuất.

Thực tế tại nhiều địa phương, trong đó có Bến Tre, với diện tích nuôi cá tra của tỉnh mỗi năm khoảng 800ha, sản lượng 200 nghìn tấn/năm. Trong 9 tháng năm 2021, cả tỉnh thả giống được 535ha, sản lượng 135 nghìn tấn, so với cùng kỳ giảm so với năm 2020. Tuy nhiên, với việc tiêu thụ cá tra, giá giảm, giá thành sản xuất tăng. Đồng thời, do ảnh hưởng của dịch bệnh, các cơ sở nuôi thả giống chậm. Hiện nay các nhà máy chế biến, chuỗi cung ứng giảm nên công suất giảm; công nhân ở các nhà máy cũng giảm.

Với những khó khăn chồng chất hiện nay đang đặt ra rất nhiều thách thức cho các nhà máy, doanh nghiệp cá tra nếu muốn tái sản xuất với công suất cao sau giai đoạn giãn cách xã hội.

Giải pháp nào cho doanh nghiệp cá tra sau giai đoạn giãn cách xã hội?

Trước thực trạng phải đối mặt với những khó khăn trên, bà Tô Thị Tường Lan đề  xuất các tỉnh cần quan tâm đến vấn đề vắc xin, vì sự phân bổ vắc xin không đồng đều giữa các tỉnh. Theo bà Tường Lan, việc phân bổ này chưa phủ đều thì chưa có doanh nghiệp nào mạnh dạn lên phương án sản xuất.

Bà Tường Lan cũng cho rằng, cần tạo sự đồng thuận giữa các tỉnh để có phương án, bộ quy tắc để phòng chống dịch bệnh tại nhà máy thủy sản và nhà máy cá tra nói riêng. Bà Tường Lan cũng cho rằng, với việc huy động lực lượng lao động hiện đang là vấn đề nan giải, do vậy, việc sử dụng nhân công như thế nào, chọn lựa như thế nào để đưa vào nhà máy cũng nên có những quy định cụ thể.

“Bên cạnh đó, quy định test nhanh, PCR chưa thống nhất giữa các địa phương, chiếm chi phí rất lớn cho các doanh nghiệp, do đó, chúng tôi kiến nghị Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Y tế xem xét bộ quy tắc cho xét nghiệm, cũng như vấn đề vắc xin, sự trở lại của người lao động, sự cố xảy ra F0,.. trong giai đoạn bình thường mới” – bà Tường Lan nhấn mạnh.

Ngoài ra, bà Tường Lan cũng cho biết, hiện nay mỗi địa phương có một chủ trương phòng dịch khác nhau, thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các địa phương gây khó khăn cho doanh nghiệp trong vận chuyên nguyên liệu, thu hoạch, vận chuyển cá tra…Do vậy, mong Bộ NN&PTNT có ý kiến đến các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, thống nhất về các cơ chế di chuyển người từ vùng xanh; tăng cường kiểm soát vùng đỏ, tạo điều kiện cho việc đi lại cho người nuôi, người thu hoạch, để việc thả nuôi không bị gián đoạn.

Đại diện của Hiệp hội Cá tra Việt Nam – Chủ tịch Dương Nghĩa Quốc kiến nghị, Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế cần có chính sách ưu tiên để phân bổ lượng vắc xin cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt, đối với lao động trong chuỗi cá tra. Hiện nay, để khôi phục lại sản xuất hoặc duy trì hoạt động trong thời gian tới thì đây là vấn đề quan trọng mang tính quyết định.

Ông Quốc cũng nêu rõ, hiện nay việc thực hiện “3 tại chỗ” chỉ thực hiện trong thời gian ngắn, nếu kéo dài thì không có một doanh nghiệp nào có thể chịu nổi vì quá nhiều chi phí, nhất là xét nghiệm làm liên tục, test nhanh, PCR theo quy định. Nếu không nâng được tỷ lệ tiêm vắc xin, không có hướng dẫn người tiêm 1 mũi, 2 mũi ra sao? Với những người nuôi cá giống, cá thương phẩm, công nhân chế biến, lao động đánh bắt, người vận chuyển,… nếu không được đảm bảo tỷ lệ vắc xin thì các doanh nghiệp này không thể nào huy động được lao động, công nhân để khôi phục sản xuất.

Ngoài ra, ông Quốc cũng nhấn mạnh đến vấn đề lãi suất và gia hạn nợ. Mặc dù thời gian vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các thông tư để giảm lãi suất cho doanh nghiệp. Qua nắm bắt, có nơi giảm 0,5%, có nơi 1%, thậm chí có doanh nghiệp chưa tiếp cận được nguồn hỗ trợ này. Do vậy, ông Quốc kiến nghị tỉnh và Bộ NN&PTNT có đề xuất với Ngân hàng Nhà nước xem xét giảm lãi suất 2%, mới giúp được doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Đồng thời, với việc hiện nay doanh nghiệp tiếp cận nguồn vay mới khó khăn, Hiệp hội cá tra Việt Nam đề xuất Bộ NN&PTNT kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong vấn đề này để tạo điều kiện sản xuất. Hiện nay, nguồn vốn đang tồn ở trong kho, dưới ao, nếu không có nguồn vay mới ưu đãi để vượt qua tình hình này sẽ rất khó khăn. Ông Quốc cho rằng, đây cũng là một điểm then chốt.

Bàn về vấn đề gỡ khó cho các doanh nghiệp cá tra sau giai đoạn giãn cách, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư nhấn mạnh đến việc các doanh nghiệp cần phải tự xây dựng các kịch bản để thích ứng với mỗi tình hình có thể xảy ra, chứ không thể chỉ có một con đường đi duy nhất. Ông Thư cũng nêu rõ thực trạng, hiện nay, trong tình hình nuôi cá tra, rút kinh nghiệm từ thực hiện phòng chống dịch tả lợn châu Phi, chỉ lo công tác kiểm soát dịch thì sau khi quay lại, kế hoạch tái đàn heo vướng vấn đề về giống. Do vậy, ngay từ bây giờ, với cá tra, cần phối hợp với doanh nghiệp tập trung lo con giống, chuẩn bị đàn cá bố mẹ, hậu bị để khi tình hình thuận lợi thì chúng ta tái sản xuất,  nếu không chúng ta sẽ trễ cơ hội.

Ông Thư cũng cho biết, với sản xuất “3 tại chỗ”, chỉ là giải pháp tạm thời. Do vậy, hiện nay, An Giang đã khuyến cáo doanh nghiệp thực hiện phương án linh hoạt hơn, trong một nhà máy chia thành nhiều dây chuyền, công nhân chia thành nhiều ca, kíp. “Đối với doanh nghiệp lớn thì chúng tôi khuyên nên có nhiều nhà máy đầu tư ở các tỉnh khác nhau. Vì dịch bệnh có tỉnh này nặng, tỉnh này nhẹ, trong tình hình đó chúng ta sẽ sản xuất linh hoạt, hạn chế rủi ro” – ông Thư cho hay.

Ông Thư cũng cho rằng, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cần có tiếng nói chung. Việc đi lại của các phương tiện, hoạt động của doanh nghiệp cần đưa ra công thức chung, với các doanh nghiệp thỏa mãn các điều kiện đó thì không hạn chế.

Kinh nghiệm từ tỉnh Đồng Tháp cũng cho thấy, để đảm bảo an toàn trong sản xuất và an toàn dịch bệnh, trong nội tại của nhà máy sản xuất, Đồng Tháp áp dụng thêm y tế tại chỗ. Theo dõi sức khỏe công nhân hàng ngày. Đây là giải pháp kiểm tra, phát hiện và xử lý ngay những  tình huống phát sinh, nếu phát hiện sớm thì công nhân sẽ được sàng lọc sớm. Nếu để trễ thì sẽ ảnh hưởng tới cả nhà máy.

Về vấn đề sản xuất cá tra sau giai đoạn giãn cách xã hội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, sau giai đoạn này, từng doanh nghiệp phải vẽ ra được những kịch bản, phương án của mình cho từng hoàn cảnh. Trong đó, xác định sẽ làm gì khi giai đoạn bình thường mới, với trường hợp này sẽ ứng phó như thế nào, trường hợp kia ứng phó ra sao? Chuẩn bị các kịch bản, chuỗi cung ứng trong điều kiện bình thường mới là như thế nào?,…

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, một mặt, Bộ NN&PTNT cùng lãnh đạo các địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ; Bộ NN&PTNT sẽ giữ vai trò điều phối cùng 7 tỉnh có chuỗi ngành hàng cá tra nhưng cộng đồng doanh nghiệp cần có sự hợp tác chặt chẽ với nhau, để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Rõ ràng, việc đưa các doanh nghiệp cá tra phục hồi sản xuất sau giãn cách xã hội còn rất nhiều khó khăn và thách thức. Tuy nhiên, sẽ không có kết quả nếu chỉ có sự lo lắng và chán nản, thay vào đó đây cũng là giai đoạn thể hiện bản lĩnh, tính “chiến đấu” của các doanh nghiệp, tìm mọi cách vượt qua giai đoạn khó khăn bằng các kinh nghiệm trong kinh doanh mà mình sẵn có.Trong đó, việc trước tiên, đó là cần bắt tay ngay vào việc chuẩn bị các kịch bản sẵn sàng cho kế hoạch tái sản xuất. Đến khi có thời điểm thuận lợi, cùng với sự chung sức, hỗ trợ của Nhà nước và tình hình dịch bệnh dự kiến sẽ được cải thiện nhờ nguồn vắc - xin trong thời gian tới sẽ được bổ sung, lúc đó, các doanh nghiệp sẽ không để chậm trễ cơ hội phục hồi sản xuất, đưa ngành hàng cá tra vượt qua giai đoạn khó khăn và phục hồi trong thời gian sớm nhất có thể./.

BT

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN