Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Giải pháp bổ trợ hữu hiệu trong phòng, chống dịch

Thứ Hai, 02/08/2021 16:07 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện vẫn đang diễn ra rất căng thẳng ở TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung. Trải qua bốn đợt dịch COVID-19 bùng phát, trên cả nước đã có nhiều giải pháp công nghệ cao để ứng phó dịch COVID-19 được đưa ra. Thế nhưng qua thực tế, có vẻ như đang có dấu hiệu tụt hậu trong chống dịch bằng công nghệ cao.

Thực tế, hiện nay, số ca thuộc diện nghi nhiễm COVID-19 phải tự cách ly tại nhà ở TP Hồ Chí Minh cũng như cả nước vẫn đang ngày một tăng cũng như việc hạn chế tiếp xúc gần giữa các cá nhân với nhau giữa mùa dịch… Việc này gây rất nhiều khó khăn và áp lực cho các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là bộ, ngành, lực lượng y tế. Để kiểm soát người cách ly tại nhà, một công ty phối hợp cùng Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) đã cung cấp ứng dụng cao nghệ cao kiểm soát người cách ly tại nhà. Theo đó, ứng dụng kiểm soát người cách ly tại nhà là hệ thống quản lý được tích hợp với thiết bị đeo thông minh, hỗ trợ các cơ quan chức năng theo dõi và kiểm soát hành vi, tình trạng sức khỏe của người thuộc diện nghi nhiễm COVID-19 đang phải cách ly tại nhà.

Giải pháp ứng dụng AI và IoT giúp giám sát tình trạng sức khỏe và vị trí của người cách ly thông qua điện thoại và đồng hồ thông minh, gửi cảnh báo đến cơ quan quản lý khi có dấu hiệu bất thường về nhiệt độ cơ thể hoặc người cách ly ra khỏi khu vực cách ly. Với việc hạn chế tiếp xúc gần giữa các cá nhân với nhau giữa mùa dịch, một thiết bị hỗ trợ khai báo y tế tự động tại các khu vực công cộng, bệnh viện, trường học, tòa nhà… cũng đã được một công ty ở QTSC nghiên cứu và phát triển.

Với thiết bị này, khi đến những nơi cần khai báo y tế, người dùng sẽ được thiết bị dùng giọng nói hướng dẫn từng bước và tự động kiểm tra thân nhiệt, nhắc đeo khẩu trang. Sau đó, thiết bị sẽ tự động điền thông tin cho người dùng bằng cách scan CCCD/CMND, nhận diện khuôn mặt, hoặc scan mã QR nếu người dùng đã khai báo online trước đó. Cuối cùng người dùng chỉ cần điền thông tin về sức khỏe của bản thân và nhận mã QR chứng thực được in ra sau khi hoàn tất khai báo y tế. Thiết bị hỗ trợ tự động hóa khai báo y tế và sàng lọc bệnh nhân, giúp tiết kiệm nhân sự cũng như tránh quá tải và ùn tắc khi khai báo bằng giấy. Tích hợp hệ thống kiểm soát thông tin từ xa, dễ dàng truy xuất dữ liệu khi cần, sàng lọc các đối tượng nghi nhiễm theo các nhóm nguy cơ từ thấp đến cao.

Những ứng dụng hay thiết bị công nghệ cao kể trên cùng với nhiều tiện ích công nghệ mà Bộ Y tế đang khuyến khích sử dụng nhằm hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19 hiện nay như ứng dụng khai báo y tế điện tử bằng mã QR-Code, Hội chẩn trực tuyến bằng hệ thống Telemedicine; Thiết bị thở oxy lưu lượng cao HFNC trong điều trị COVID-19; Bộ kit thử trong việc chẩn đoán bệnh nhân mắc COVID-19, phần mềm khai báo y tế Ncovi… cũng đang giúp cho việc phát hiện, truy vết, điều trị COVID-19 ở nước ta kịp thời, hiệu quả, giảm đến mức thấp nhất những thiệt hại cho dịch bệnh gây ra.

Tuy nhiên, có một thực tế là, tuân thủ khuyến cáo các cơ quan chức năng, người dân trên cả nước, mà đặc biệt là người dân ở TP Hồ Chí Minh, đã cài khá nhiều ứng dụng được cho là góp phần phòng, chống dịch COVID-19 vào như: Ncovi, Bluezone, COVID-19, SYT TPHCM, Hotline Bộ Y Tế, Y tế HCM, Tiêm chủng, Y Tế Trực Tuyến… 

Với hơn một năm thực hiện, ứng dụng thì nhiều, nhưng hiệu quả lại chưa rõ nét, nhất là trong trường hợp người dùng muốn giấu hoặc không quan tâm. Đơn cử như trong việc khai báo y tế trực tuyến, có nơi thì yêu cầu sử dụng Bluezone, chỗ lại đòi hỏi ứng dụng của Sở Y tế tại địa phương, cũng có địa điểm chỉ chấp nhận khai báo qua Google Form bằng cách quét mã QR. 

Cũng như nhiều người dân khác ở TP Hồ Chí Minh, trong những ngày này, anh Nguyễn Thái K đã tuân thủ các khuyến cáo và cài “kha khá” ứng dụng như đã nêu vào thiết bị di động cá nhân. Tuy nhiên, việc có quá nhiều ứng dụng đang khiến anh rơi vào “ma trận” thông tin. 

Trong khi đó, chức năng của nhiều ứng dụng quá chung chung, không có điểm nhấn, một số tính năng thừa thãi, thí dụ như lịch ngày tháng… Hơn thế, ứng dụng lại không được thường xuyên cập nhật, bổ sung các tính năng hiện đại, hữu ích mà nhiều quốc gia trong khu vực đã triển khai như mã QR thay cho giấy chứng nhận đủ điều kiện di chuyển, cảnh báo tiếp xúc với đối tượng thuộc diện nghi nhiễm bệnh theo thời gian thực, lưu trữ quá trình và kết quả xét nghiệm, đánh dấu địa điểm của ca bệnh trên bản đồ… 

Nước ta có nhiều thời gian và đầy đủ các điều kiện về mặt bằng công nghệ thông tin để chuẩn bị đối phó dịch bệnh, nhưng hiện trạng nêu trên đã cho thấy dấu hiệu tụt hậu trong chống dịch bằng công nghệ cao. Việc sử dụng thiếu hiệu quả các ứng dụng công nghệ cao không chỉ tạo cảm giác hình thức, phong trào mà còn gây lãng phí cả về thời gian và nguồn lực đầu tư.

Trước thực trạng này, ngày 24/7 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã chính thức ban hành Văn bản số 2790/BTTTT-THH về việc triển khai thống nhất các nền tảng công nghệ trong phòng, chống dịch COVID-19 trên toàn quốc. 

Theo đó, thực hiện Nghị quyết số 78/NQ-CP của Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19, trên cơ sở trao đổi, thống nhất với Bộ Y tế về triển khai các nền tảng công nghệ trong phòng, chống dịch COVID-19 trên toàn quốc, Bộ TT&TT đề nghị các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quan tâm và chỉ đạo địa phương triển khai nhanh, đồng bộ và hiệu quả các nền tảng công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 trên toàn quốc do Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 Quốc gia phát triển. 

Lúc này, cuộc chiến đấu chống đại dịch chưa từng có của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, đặc biệt là tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía nam, đang bước vào giai đoạn thử thách đầy cam go, quyết liệt. Tính đến ngày 1/8 đã có hơn 150.000 ca nhiễm và dự báo sẽ còn gia tăng, và cũng có đến hơn 1.300 đồng bào vĩnh viễn ra đi vì đại dịch. 

Trong bối cảnh năng lực y tế của nước ta còn hạn chế, biến thể Delta lại quá nguy hiểm, phương thức chống dịch cần có sự bổ khuyết, dù chúng ta đã và tiếp tục dành toàn bộ sức người, sức của cho miền Nam chống dịch sẽ cũng là chưa đủ. Việc tăng cường áp dụng đồng bộ và sử dụng hiệu quả các nền tảng công nghệ trong phòng, chống dịch COVID-19 để kịp thời truy vết, khoanh vùng, để tăng cường mạng lưới khai báo y tế, hỗ trợ hiệu quả việc triển khai chiến dịch tiêm chủng trên diện rộng là giải pháp bổ trợ cần thiết và hữu hiệu./.

Minh Phương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN