Giá thép tăng cao, hệ lụy từ bài toán cung - cầu
(ĐCSVN) - Trước tình trạng giá thép tăng mạnh trong thời gian qua, đặc biệt, giá mặt hàng thép xây dựng trong nước đã tăng lên đến 45 -50% so cùng kỳ năm ngoái, đã dấy lên nhiều đồn đoán và những thắc thỏm lo âu. Thậm chí, nghi vấn về việc “có sự bắt tay” của các công ty thép, nhằm tăng giá thép lên cao đã được đặt ra. Vậy đâu là nguyên nhân thật sự dẫn đến tình trạng này?
Ảnh minh họa (Ảnh: M.P) |
Năm 2021, các tổ chức kinh tế trong nước và thế giới có chung nhận định, dự kiến kinh tế Việt Nam có thể sẽ phục hồi và tăng trưởng khoảng trên 6%. Với điều kiện ấy, dự kiến nhu cầu sản phẩm phôi thép sẽ tăng khoảng 6% so năm 2020 và nhu cầu thép của Việt Nam sẽ tăng khoảng 2-3%. Nhu cầu sản phẩm thép các loại dự tính khoảng 27 triệu tấn.
Về nguồn cung thép xây dựng, theo khẳng định của Bộ Công thương, với việc một số dự án thép đã đi vào hoạt động như Dự án Liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất của Tập đoàn Hòa Phát, Dự án Nhà máy luyện thép Nghi Sơn năm 2020 vừa qua nên năng lực sản xuất của thép xây dựng (khoảng 14 triệu tấn) bảo đảm 100% cho nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu. Về thép cuộn cán nóng (HRC), hiện tại công suất trong nước đạt khoảng từ 5-6 triệu tấn. Tuy nhiên, trong năm 2020, Việt Nam đã nhập siêu thép cuộn cán nóng đến 9,3 triệu tấn, trong đó, nhập khẩu 10 triệu tấn, xuất khẩu 0,7 triệu tấn. Do vậy, dự kiến trong năm 2021, Việt Nam vẫn tiếp tục phải nhập khẩu một lượng lớn thép cuộn cán nóng để phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước.
Như vậy cho thấy, về năng lực nguồn cung thì thừa nhưng cân đối cung ứng thì là chuyện khác vì dịch COVID-19 khiến các nhà máy đóng cửa trong khi đó vấn đề logistics làm nguồn nguyên liệu bị gián đoạn nên không thể tăng sản xuất. Với tình hình này, thị trường thép có thể sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới. Tuy nhiên, sau khi tình hình dịch bệnh ổn định hơn, giá thép sẽ được điều chỉnh theo quan hệ cung - cầu.
Do đó, theo Bộ Công Thương, nghi vấn có sự “bắt tay” của các công ty thép, nhằm tăng giá thép lên cao là không có cơ sở.
Vậy nguyên nhân thật sự của tình trạng giá thép tăng mạnh nằm ở đâu?
Theo quan điểm của Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, giá nguyên liệu đầu vào của ngành thép phụ thuộc rất lớn vào giá nguyên liệu thế giới, trong thời gian gần đây, giá các nguyên vật liệu sản xuất thép tăng cao đột biến trên thị trường toàn cầu, cùng với dịch bệnh, thời gian giao hàng kéo dài cũng khiến giá thép tăng mạnh. Nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào của sản phẩm thép hiện nay đa phần phải nhập khẩu, như: quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện cốc...
Cơ quan này cho biết, dự kiến trong năm 2021, Việt Nam sẽ tiếp tục phải nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu để sản xuất thép như: quặng sắt cho các lò cao khoảng hơn 18 triệu tấn, thép phế liệu khoảng 6-6,5 triệu tấn cho các lò điện, than mỡ luyện cốc khoảng 6,5 triệu tấn và điện cực graphite khoảng 10.000 tấn… Với dự báo giá quặng sắt, thép phế liệu, quặng nguyên liệu thô và than mỡ luyện cốc… vẫn duy trì ở mức cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất thép và thị trường thép trong nước. Dự báo, cán cân thương mại đối với sản phẩm thép sẽ tiếp tục bị thâm hụt trong năm 2021, trước đó, trong năm 2020 đã thâm hụt hơn 6,4 tỷ USD.
Đặc biệt, về quặng sắt, nguyên liệu chủ yếu để luyện thép của Việt Nam có trữ lượng và tài nguyên dự báo chỉ khoảng 1,3 tỷ tấn. Trong đó, lớn nhất là hai mỏ gồm: mỏ sắt Thạch Khê với trữ lượng khoảng 544 triệu tấn đã dừng hoạt động từ năm 2011 đến nay chưa hoạt động trở lại; mỏ sắt Quý Xa với trữ lượng khoảng 124 triệu tấn, được cấp phép khai thác từ năm 2007 với công suất ba triệu tấn/năm, thời hạn giấy phép khai thác hết năm 2020. Hiện nay, một số cơ quan chỉ thống nhất cấp phép lại với công suất 900.000 tấn/năm, với công suất này chỉ có thể đủ cung cấp riêng cho nhà máy Gang thép Lào Cai duy trì hoạt động.
Theo giới phân tích, thị trường thép ở Việt Nam trong năm nay sẽ đối mặt với rủi ro về biến động giá quặng sắt. Ngành thép và tôn mạ có rủi ro lớn do chi phí nguyên liệu chiếm 65-75% giá thành sản xuất. Mặt khác, rủi ro từ dịch COVID-19 sẽ ảnh hưởng tới việc phục hồi toàn bộ ngành thép và tôn mạ cũng như sản lượng khai thác. Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước và thị trường thép được cho là đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc giá quặng sắt, thép phế liệu, quặng nguyên liệu thô và than mỡ luyện cốc… vẫn duy trì ở mức cao.
Thực tế, với giá thép đang tăng mạnh như hiện nay đã ảnh hưởng lớn đến công nghiệp sản xuất vật liệu phụ trợ, bởi thép là nguyên liệu tối quan trọng trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng cung cấp cho các công trình. Việc giá mặt hàng thép xây dựng trong nước tăng mạnh lên đến 45 - 50% sẽ có nhiều tác động đến giá cả chung của các nguyên vật liệu phụ trợ cho xây dựng trong thời gian tới.
Điều này có thể dẫn đến chậm tiến độ thực hiện công trình, dự án đầu tư công với điều khoản hợp đồng có ràng buộc về giá. Đồng thời khiến cho nhà thầu phải chịu lỗ để chạy theo tiến độ, hoặc phải chịu phạt nặng và nhiều hệ lụy phát sinh nếu chậm trễ thi công để chờ giá thép giảm xuống.
Giá thép tăng cũng đang khiến các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ lo lắng gánh chịu lỗ, vì sắt thép là nguyên liệu chính trong ngành này, trong khi phía doanh nghiệp khó tăng giá sản phẩm với các hợp đồng đã ký.
Trước diễn biến về tình hình giá thép trong nước gây ra tâm lý lo lắng trong dư luận, Hiệp hội Thép Việt Nam cũng đã có công văn gửi các doanh nghiệp thành viên khuyến nghị tiếp tục phát huy công suất, đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm thép, tổ chức hệ thống phân phối hợp lý để ổn định nguồn cung trong nước, đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, các doanh nghiệp cần tăng cường hợp tác phối hợp ưu tiên nguồn nguyên liệu và thép thô cho thị trường trong nước; tiết giảm chi phí sản xuất, đồng thời bảo đảm giá bán hợp lý để bình ổn giá cả thị trường thép trong nước. Các doanh nghiệp đề xuất các giải pháp (nếu có) phù hợp các quy định pháp luật hiện hành.
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước và điều phối chuyên ngành, ngay từ đầu năm 2021, Bộ Công Thương đã chủ động dự báo tình hình cung - cầu sản phẩm thép và biến động giá cả các phẩm thép trên thế giới và tại Việt Nam trong năm 2021 và các năm tới, đồng thời gửi báo cáo Thủ tướng Chính phủ ngày 5/2/2021.
Trong Báo cáo, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, ngành phối hợp Bộ Công Thương triển khai các giải pháp nhằm ổn định cung - cầu và giá thép trong năm 2021. Cụ thể, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính có chính sách điều tiết thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng thép có biến động lớn về giá; chỉ đạo Bộ Xây dựng dự báo và cung cấp nhu cầu sắt, thép xây dựng của nền kinh tế trong năm 2021 để cân đối nhu cầu thép cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu các sản phẩm thép các loại giúp các doanh nghiệp ngành thép chủ động trong việc sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm thép nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho các doanh nghiệp sản xuất thép...
Về giải pháp dài hạn ổn định cung - cầu, đối với thép xây dựng, Bộ Công Thương cho biết, cơ quan này sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường biện pháp phòng vệ thương mại để giúp cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước phát triển, đáp ứng đủ nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu. Tuy nhiên, cơ quan này cũng cho rằng, do giá thành sản phẩm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu các mặt hàng quặng, thép phế liệu… nên sẽ chịu ảnh hưởng của giá thế giới.
Kịp thời nắm bắt thực trạng giá thép tăng "phi mã" trong thời gian qua, mới đây trong định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại trong năm nay Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu phải ưu tiên thép cho thị trường trong nước. Trong đó, giao cho Bộ Công thương nghiên cứu, có các biện pháp thúc đẩy tăng năng lực sản xuất thép thành phẩm trong nước, hướng tới đáp ứng được cơ bản nhu cầu trong nước. Nghiên cứu điều chỉnh sự mất cân đối cung ứng sản phẩm thép trên thị trường để ưu tiên thị trường trong nước thông qua việc điều chỉnh, cân đối khối lượng xuất khẩu thép thành phẩm. Với Bộ Xây dựng, cần chủ động nghiên cứu, hướng dẫn thay đổi công nghệ xây dựng nhằm giảm tải lượng thép tiêu thụ trong các công trình xây dựng.
Vẫn biết, để giải quyết triệt để tình trạng giá thép tăng phi mã như hiện nay, cần có một chiến lược tổng thể với đồng bộ hàng loạt giải pháp về quy hoạch, về chính sách thuế, về nguồn tài chính, nhân lực… và cần có độ trễ về thời gian cho việc hoạch định, thực hiện chiến lược đó nếu có. Nhưng, hệ quả nhãn tiền của việc để giá thép tăng cao là gánh nặng giá cả leo thang sẽ đổ hết lên vai người tiêu dùng vốn đang lay lắt chống chọi lại những tác động tiêu cực từ sự lan rộng của dịch COVID-19.
Cho nên, trước câu chuyện giá thép tăng mạnh như hiện nay, cần phải có những điều chỉnh trong chính sách và của cả bản thân ngành Thép. Bên cạnh đó, cũng cần có ngay những giải pháp tình thế “hạ nhiệt” giá thép để bảo đảm bình ổn thị trường cũng như quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng./.