Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Giả mạo văn bản cơ quan nhà nước sẽ phạt tù đến 7 năm

Thứ Tư, 18/08/2021 21:34 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ngày 17/8, Công an tỉnh Bình Định khẳng định công văn 4920/UBND-VX ngày 11/8/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh này lan truyền trên mạng xã hội với nội dung chủ trương tiếp tục tổ chức 50 chuyến xe miễn phí đưa bà con gặp khó khăn ở TP HCM về quê là giả mạo, sai sự thật.

Khẳng định đây là hành vi vi phạm pháp luật, giả mạo văn bản của cơ quan nhà nước, UBND tỉnh Bình Định đề nghị Công an tỉnh phối hợp Công an TP HCM điều tra, xử lý nghiêm theo quy định, đồng thời đề nghị Hội đồng hương Bình Định tại TP HCM phổ biến, thông tin rộng rãi chủ trương của tỉnh về việc đón người dân Bình Định đang gặp khó khăn tại TP HCM trở về bằng máy bay để bà con yên tâm, đăng ký trở về, tránh bị lừa đảo.

Trao đổi với Báo điện tử ĐCSVN, Luật sư Nguyễn Văn Kỹ, Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Ninh nêu quan điểm hành vi giả mạo chữ ký của Chủ tịch UBND tỉnh, giả mạo con dấu của UBND tỉnh, giả mạo nội dung… có đầy đủ các dấu hiệu và thỏa mãn cấu thành tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức theo Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

 Ảnh chụp công văn mạo danh UBND tỉnh Bình Định lan truyền trên mạng xã hội

Con dấu thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định 99/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định về quản lý và sử dụng con dấu. Do đó, các đối tượng làm giả công văn, con dấu đã trực tiếp xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính Nhà nước, xâm phạm đến hoạt động bình thường của tổ chức và gây mất uy tín cho cơ quan.

Luật sư Kỹ phân tích thêm, cơ quan tiến hành tố tụng cần điều tra, làm rõ động cơ, mục đích của nhóm đối tượng này, xác định số tiền trục lợi bất chính (nếu có)… Ngay cả khi không có việc thu lợi bất chính thì với hành vi làm giả công văn, con dấu của UBND tỉnh cũng đã đủ để xem xét xử lý hình sự.

Cụ thể, theo Khoản 1 Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.

Trong trường hợp số tiền thu lợi bất chính trên 50 triệu đồng hoặc làm giả 06 con dấu, tài liệu (hoặc giấy tờ khác) trở lên có thể bị phạt tối đa 07 năm tù, theo Khoản 3 Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng.

Theo Luật sư Kỹ, với hành vi đưa tin giả, chia sẻ thông tin sai sự thật nêu trên sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 5-10 triệu đồng theo Điểm a Khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/2/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử do có hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Ngoài ra, theo Khoản 1 Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 “Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông”, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 30-200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Thậm chí, nếu cơ quan điều tra xác định hành vi phạm tội thuộc một trong các trường hợp theo Khoản 2 Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì người này sẽ đối diện mức phạt tiền từ 200 triệu đến 01 tỷ đồng hoặc phạt tù tối đa 07 năm./.

Anh Tuấn

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN