Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Gia Lai đổi mới về nội dung và phương thức công tác Tuyên giáo

Thứ Năm, 28/04/2016 15:26 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Đổi mới nội dung và phương pháp công tác Tuyên giáo là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên được các cấp ủy tỉnh Gia Lai quan tâm. Thông qua công tác này, cấp ủy các cấp nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng Đảng về mặt chính trị- tư tưởng, đồng thời tăng trách nhiệm của chính quyền sát dân, hiểu dân và vì dân.


Chỉ ban hành nghị quyết, chỉ thị đi vào cuộc sống

Theo đồng chí Tống Thới Mốc, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai, trong điều kiện hiện nay, khi mà chúng ta ban hành quá nhiều chủ trương, quá nhiều chính sách, văn bản… nhưng thực tế các chủ trương, chính sách, văn bản đó có thực hiện được không, có đi vào cuộc sống hay không?... Đây là vấn đề rất bức xúc. Thực tế nhiều nơi, rất nhiều văn bản, chỉ thị, nghị quyết không đi vào cuộc sống. Biểu hiện trước hết là ban hành văn bản nhiều nhưng không ai nhớ, còn xảy ra tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, làm không đến nơi, đến chốn… Trăn trở những vấn đề này nên trong nhiệm kỳ qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai đã mạnh dạn đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy hạn chế việc ban hành các chỉ thị, nghị quyết không thực sự bức xúc, không thật sự cần thiết”- đồng chí Tống Thới Mốc, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai cho biết.

“Sau khi tiếp thu các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, địa phương vẫn tổ chức Hội nghị quán triệt, tuyên truyền để đưa chỉ thị, nghị quyết đó đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, khác với trước đây là Tỉnh ủy, UBND tỉnh thường ban hành thêm nghị quyết, chỉ thị chỉ đạo hệ thống chính trị thực hiện…. , thì hiện nay, từ cấp ủy Đảng, hệ thống chính quyền, đoàn thể, Mặt trận được Tỉnh ủy yêu cầu “cụ thể hóa” thông qua những việc làm cụ thể, phù hợp với cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Riêng với những chủ trương lớn, nếu thấy thật sự cần thiết thì Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai sẽ xây dựng các đề án, kế hoạch, chương trình hành động để thực hiện. Quá trình thực hiện luôn đảm bảo yêu cầu kiểm tra, giám sát chặt chẽ để đôn đốc, rút kinh nghiệm thực hiện có hiệu quả hơn. Nhờ vậy, trong 5 năm qua, lượng văn bản là các chỉ thị, nghị quyết tại Gia Lai mới ban hành không nhiều; song hiệu quả thực thi các chủ trương, chính sách ở địa phương lại khởi sắc; cấp ủy, chính quyền giảm thời gian, công sức, chi phí cho việc sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết”- đồng chí Tống Thới Mốc cho biết thêm.

 Ngoài việc tham mưu giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai hạn chế ban hành các chỉ thị, nghị quyết ở các lĩnh vực chưa thực sự cần thiết, góp phần cải cách nền hành chính thiết thực hơn. Mặt khác, phương pháp, tác phong làm việc của cán bộ, đảng viên khá gần gũi với người dân; công việc có trọng tâm, trọng điểm và hướng mạnh về cơ sở, đáp ứng được các nhu cầu, nguyện vọng thiết thực của người dân hơn. Từ đó, uy tín của tổ chức Đảng, của cán bộ, đảng viên cũng được cao hơn.

Website của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai là địa chỉ để cán bộ, đảng viên và nhân dân tham khảo, tìm hiểu
 và trao đổi với cấp ủy Đảng về các vấn đề cần quan tâm tại địa phương

 Tìm hiểu kỹ thực tiễn để có chủ trương đúng

Ngoài những đổi mới như đã nêu, những năm gần đây, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai còn thường xuyên tổ chức nhiều cuộc điều tra xã hội học về những vấn đề bức xúc của địa phương, của nhân dân. Trong đó, từ năm 2007 đến nay, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai đã tổ chức nhiều cuộc điều tra xã hội học với hàng ngàn phiếu điều tra trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Đặc biệt, cuộc điều tra dư luận xã hội về tình hình An toàn giao thông trên địa bàn tỉnh được nhiều người dân quan tâm. Thông qua kết quả tổng hợp từ cuộc điều tra này đã góp phần tích cực vào công tác phân tích nguyên nhân, nhận định, đánh giá tình hình, đề xuất các giải pháp tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.

Vào năm 2013, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai cũng đã triển khai cuộc điều tra xã hội học về tình hình tư tưởng và dư luận xã hội sau 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) của Đảng “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Qua tổng hợp, phân tích kết quả thu nhận được từ cuộc điều tra này, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai đã đề xuất nhiều kiến nghị, giải pháp để tham mưu cho Tỉnh ủy triển khai Nghị quyết TW4 đạt hiệu quả hơn, góp phần tạo sự chuyển biến trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ thật sự trong sạch, vững mạnh…

Riêng trong thời gian gần đây, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai đã tổ chức một số cuộc điều tra xã hội học về kinh tế- xã hội của địa phương, trong đó đáng kể là đánh giá vai trò của cấp ủy Đảng trong việc lãnh đạo, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2011-2015. Đặc biệt, hiện nay, Ban đang tổ chức cuộc điều tra xã hội học về nhận thức của xã hội đối với việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Kết quả các cuộc điều tra này sẽ là cơ sở để Đảng bộ tỉnh Gia Lai nhìn nhận, đánh giá lại hiệu quả quá trình lãnh đạo, chỉ đạo để đưa Nghị quyết và vấn đề học tập, làm theo Bác đi vào cuộc sống….

Theo Trung tâm Thông tin công tác Tuyên giáo (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai), ngoài nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm trạng xã hội thông qua các cuộc điều tra xã hội học, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tỉnh Gia Lai còn thường xuyên tăng cường nắm bắt dư luận xã hội thông qua hệ thống tuyên giáo các cấp; các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể; đặc biệt là thông qua hệ thống thông tin đại chúng và lực lượng cộng tác viên dư luận xã hội từ tỉnh đến cơ sở… Trên cơ sở đó, hàng tháng đều có báo cáo tổng hợp phản ánh tình hình tư tưởng, tâm trạng xã hội cho Thường trực Tỉnh uỷ…

Hướng về cơ sở

Ngoài các vấn đề đã nêu, hoạt động của mạng lưới cộng tác viên dư luận xã hội và đội ngũ cán bộ làm công tác Tuyên giáo ở cơ sở (xã, phường, thị trấn) cũng được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai quan tâm, xem đây là một kênh thông tin quan trọng và là cầu nối để chuyển tải kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân; đồng thời cũng là “nhịp cầu” để cấp ủy, chính quyền kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.

Theo đồng chí Nguyễn Quang Cường, Trưởng phòng Tuyên truyền Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai, việc đổi mới công tác Tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh Gia Lai thời gian qua luôn lấy phương châm “hướng về cơ sở” để đổi mới chất lượng, hiệu quả hoạt động. Trong đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phân công các đồng chí lãnh đạo Ban và các phòng, ban phụ trách các địa bàn cơ sở; có trách nhiệm phối hợp với cấp ủy địa phương cơ sở xây dựng các phong trào và tổ chức đảng tại đây. Nhờ vậy, đây chính là cơ hội, điều kiện để cán bộ Tuyên giáo nắm bắt nhiều vấn đề từ thực tiễn để tham mưu, giúp cấp ủy, chính quyền giải quyết có hiệu quả các vấn đề liên quan đến đời sống của người dân.

“Tại nhiều hội nghị, đặc biệt là các cuộc họp, sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt đoàn thể ở cơ sở, những năm gần đây Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai còn chủ động xây dựng nhiều tờ tin, thông tin sinh hoạt phù hợp (ngắn gọn, dễ nhớ) để đưa vào sinh hoạt, trao đổi, thảo luận. Thông qua các tài liệu này, cán bộ cơ sở dễ nắm bắt và tuyên truyền có hiệu quả mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân”- đồng chí Nguyễn Quang Cường, Trưởng phòng Tuyên truyền Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai cho biết.

Cũng với mục đích kịp thời đưa các chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước đến với cán bộ, đảng viên và nhân dân, hiện nay, ngoài Website của Tỉnh ủy Gia Lai, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai cũng đưa vào sử dụng trang Website của mình với tên miền: http://www.thongtintuyengiaogialai.vn. Trang Website này vừa là chuyên trang chuyên môn nghiệp vụ của ngành Tuyên giáo địa phương nhưng đồng thời cũng là diễn đàn để cán bộ, đảng viên và nhân dân trao đổi thông tin, góp ý với Đảng và hệ thống chính quyền nhiều vấn đề liên quan đến chủ trương, chính sách, giải pháp cũng như yêu cầu thực tiễn trên các lĩnh vực, nhiệm vụ mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Gia Lai đang quan tâm.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai thường xuyên  tổ chức nhiều hoạt động như hội thi, hội diễn để lồng ghép, chuyển tải các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước đến với nhân dân

Đặc biệt, hiện nay, tại 223 xã, phường, thị trấn của tỉnh Gia Lai đều đã xây dựng được Ban Tuyên giáo cơ sở với số lượng từ 9-11 đồng chí/mỗi Ban; trong đó, đồng chí Phó Bí thư đảng ủy xã, phường, thị trấn kiêm nhiệm chức Trưởng Ban Tuyên giáo. Các đồng chí kiêm nhiệm này được hưởng 0,5% mức mức lương cơ bản do ngân sách tỉnh hỗ trợ. Chính lực lượng cán bộ Tuyên giáo này là một kênh thông tin quan trọng giúp cấp ủy các cấp kịp thời nắm bắt mọi tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; đồng thời thông qua đội ngũ cán bộ Tuyên giáo cơ sở, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng được đưa đến nhân dân nhanh, kịp thời và hiệu quả hơn, tranh thủ được sự nhất trí, đồng thuận lớn trong nhân dân.

Bên cạnh đó, hiện nay,  tại Gia Lai, các đơn vị làm công tác tư tưởng của Đảng như hệ thống báo, đài, các báo cáo viên, tuyên truyền viên… cũng được Đảng bộ địa phương quan tâm, thường xuyên củng cố, kiện toàn và thường xuyên được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để hoạt động ngày càng hiệu quả hơn. Đây cũng là một đầu mối để Gia Lai thúc đẩy mạnh hơn nhiệm vụ đổi mới nội dung và phương thức công tác Tuyên giáo của Đảng bộ địa phương trong thời gian tới.

Ngoài ra, trên lĩnh vực tuyên truyền, một nội dung khác được cấp ủy và Ban Tuyên giáo các cấp tại Gia Lai đặc biệt quan tâm là tổ chức nhiều hội thi, hội diễn, các phong trào thể thao, văn hóa, văn nghệ… Qua đó góp phần xây dựng phong trào học tập, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần và góp phần củng cố, bồi đắp tình đoàn kết, tình yêu quê hương, đất nước trong các tầng lớp nhân dân. Trong đó, đáng kể nhất là mới đây, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai đã tổ chức thành công cuộc thi tìm hiểu “70 năm ngày Bác Hồ gửi thư Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku” (19/4/1946 – 19/4/2016), thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên, sinh viên, học sinh, hội viên các tổ chức chính trị - xã hội trong và ngoài tỉnh tham gia.

Cuộc thi cũng đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên và quần chúng nhân dân trong và ngoài tỉnh, góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ về tầm vóc vĩ đại của tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; góp phần đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ khối đại đoàn đoàn kết thống nhất của dân tộc Việt Nam nói chung, ở tỉnh Gia Lai nói riêng. Đây thực sự là những nỗ lực lớn, thể hiện sự quyết tâm đổi mới các hoạt động, nội dung và phương thức của công tác Tuyên giáo, đáp ứng yêu cầu thực tế của ngành Tuyên giáo địa phương trong tình hình mới hiện nay./.

Bài, ảnh: Đình Tăng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN