Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Giá dầu thế giới tăng nhẹ

Thứ Ba, 17/08/2021 16:23 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Giá dầu thế giới đảo chiều tăng nhẹ trong phiên giao dịch sáng ngày 17/8 sau khi giảm hơn 1% trước những diễn biến đáng lo ngại về tình hình đại dịch COVID-19.

Giá dầu tăng nhẹ sau khi giảm hơn 1% do diễn biến tình hình đại dịch COVID-19. (Ảnh: ET Markets)

Cụ thể, giá dầu thô Brent Biển Bắc tăng 0,19 USD/thùng, tương ứng 0,27%, lên mức 69,70 USD/thùng; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 0,22 USD/thùng, tương ứng 0,33%, lên mức 67,51 USD/thùng.

Sự gia tăng số ca nhiễm mới COVID-19 do biến thể Delta lây lan nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu đã gây tác động đến triển vọng tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ trong tháng 8, đặc biệt là tại Trung Quốc – thị trường tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới.

Ông Avtar Sandu, giám đốc hàng hóa cấp cao tại Phillips Futures của Singapore cho biết: “Trung Quốc đã báo cáo doanh số bán lẻ và sản xuất công nghiệp yếu hơn dự kiến vào ngày 16/8, làm dấy lên lo ngại về sự phục hồi toàn cầu cũng như nhu cầu dầu mỏ”. Theo ông Avtar Sandu, biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 vẫn đang lan rộng và Trung Quốc đã bắt đầu kìm nhập khẩu dầu.

Các nhà phân tích cũng cho rằng, các biện pháp hạn chế đang được áp đặt nhằm hạn chế đà tăng số ca nhiễm mới COVID-19 đã khiến các hoạt động sản xuất của Trung Quốc bị đình trệ, do đó du cầu dầu mỏ cũng giảm sút.

Theo dữ liệu được Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố, các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc chỉ sản xuất 13,96 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 7. Sản lượng này đã giảm 6% so với mức kỷ lục được ghi nhận là 14,86 triệu thùng/ngày hồi tháng 6 và giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

S&P Global Platts Analytics dự kiến, sản lượng dầu trung bình của Trung Quốc sẽ giảm xuống khoảng 14,6 triệu thùng/ngày trong quý III/2021 sau khi đạt mức 14,7 triệu thùng/ngày trong quý II.

Nguyên nhân khiến giá dầu tăng nhẹ trong phiên giao dịch sáng ngày 17/8 cũng được cho là sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) cho biết không cần thiết phải gia tăng nguồn cung. Như vậy, động thái từ OPEC+ đã giúp giá dầu tăng trở lại, bất chấp dữ liệu kinh tế yếu từ Trung Quốc. Cùng lúc, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng chỉ ra rằng, không cần thiết phải tăng thêm dầu trong bối cảnh hiện tại.

Ngày 12/8 vừa qua, IEA dự báo, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu từ nay đến cuối năm sẽ giảm “đáng kể” trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới buộc phải áp đặt các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan do biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 gây ra.

Theo báo cáo hàng tháng của IEA, cơ quan này dự đoán rằng việc sử dụng nhiên liệu trên thế giới sẽ tăng thêm 5,3 triệu thùng/ngày lên trung bình 96,2 triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm 2021, giảm 500.000 thùng/ngày so với mức dự báo trước đó do diễn biến xấu của dịch bệnh.

IEA cho biết, nhu cầu dầu toàn cầu “đột ngột đảo chiều” vào tháng trước và giảm nhẹ sau khi tăng 3,8 triệu thùng/ngày vào tháng 6 do biến thể Delta có khả năng lây lan mạnh làm gián đoạn hoạt động tại nhiều quốc gia tại châu Á.

Trước đó, kết thúc phiên giao dịch ngày 16/8, giá dầu tại thị trường châu Á giảm hơn 1%. Theo đó, giá dầu WTI giao kỳ hạn hạ 97 xu Mỹ (1,4%), xuống 67,47 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent mất 90 xu Mỹ (1,3%), xuống 69,69 USD/thùng./.

Hoài Hà (Theo Reuters, spglobal.com)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN