FAO: Chỉ số giá lương thực tăng theo giá sản phẩm sữa
(ĐCSVN) – Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) ngày 7/3 cho biết, chỉ số giá các sản phẩm lương thực đã tăng trong tháng 2 vừa qua, do giá các sản phẩm sữa tăng mạnh.
Chỉ số giá lương thực của FAO là một chỉ số đo lường sự thay đổi hàng tháng về giá của 5 loại thực phẩm chính trên thị trường quốc tế: ngũ cốc, thịt, sữa, dầu thực vật và đường. Theo đó, chỉ số giá các sản phẩm lương thực của FAO niêm yết trung bình đạt 167,5 điểm trong tháng 2, tăng 1,7% so với tháng 1 trước đó. Chỉ số này đã đạt mức cao nhất kể từ tháng 8/2018, song vẫn thấp hơn 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng 2, chỉ số giá ngũ cốc của FAO trung bình niêm yết ở mức gần 169 điểm, tăng nhẹ kể từ tháng 1, một phần là do giá ngô tăng mạnh hơn.
Chỉ số giá dầu thực vật của FAO tăng 1,8% lên 133,5 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 10/2018. Sự gia tăng này trong tháng 2 chủ yếu là do giá dầu cọ, dầu đậu nành và dầu hướng dương tăng cao hơn.
Chỉ số giá thịt của FAO đã tăng nhẹ, đặc biệt là giá thịt bò và thịt lợn cao hơn.
Chỉ số giá sữa đã tăng 5,6% kể từ tháng đầu năm nay, chủ yếu do lượng cầu nhập khẩu cao đối với sữa bột gầy, sữa bột nguyên chất và phô mai. Tình trạng sụt giảm theo mùa và dự kiến của sản lượng bơ cũng đã giúp đẩy giá bơ lên cao.
Chỉ số giá đường của FAO đã tăng 1,2% kể từ tháng 1, chủ yếu do lo ngại về triển vọng sản xuất ở một số nước sản xuất lớn.
Ngoài ra, trong Bản tin cung và cầu ngũ cốc mới nhất được công bố cùng ngày, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc đã điều chỉnh giảm sản lượng ngũ cốc toàn cầu cho năm 2018 vốn từng được ước tính đạt 2.609 triệu tấn vào tháng 1. Bản sửa đổi mới nhất này chủ yếu dựa trên ước tính về sự sụt giảm sản lượng ngô ở Mỹ và củng cố xu hướng giảm chung của sản lượng ngũ cốc thế giới trong năm qua.
Dự báo của FAO về dự trữ và sử dụng ngũ cốc toàn cầu trong năm 2018/19 cũng đã được điều chỉnh xuống. Tỷ lệ sử dụng/dự trữ ngũ cốc thế giới trong năm 2018/19, dự kiến sẽ giảm từ mùa vụ 2017/18 tới mùa vụ 2018/19, từ 30,5% tới 28,3%, song cũng vẫn sẽ ở mức chấp nhận được.
Dự báo của FAO về thương mại ngũ cốc thế giới năm 2018/19 cũng đã được điều chỉnh giảm, với mức giảm 2 triệu tấn kể từ tháng trước, chỉ đạt hơn 413 tấn. Trong số các loại ngũ cốc chính, dự báo thương mại lúa mì thế giới cũng được điều chỉnh giảm xuống với mức giảm 800.000 tấn, chủ yếu do lượng mua chậm hơn từ một số quốc gia châu Á và Nam Mỹ.
Thêm vào đó, FAO cũng đưa ra dự báo đầu tiên về sản lượng lúa mì toàn cầu năm 2019 là 757 triệu tấn. Với dự báo này, sản lượng lúa mì trong năm nay sẽ cao hơn 4% so với mức đạt được trong năm 2018, song vẫn chưa đạt mức kỷ lục được ghi nhận trong năm 2017./.