Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

EU hướng tới thỏa thuận thương mại với Ấn Độ

Thứ Hai, 25/04/2022 14:30 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Liên minh châu Âu (EU) đang có kế hoạch thành lập một hội đồng thương mại và công nghệ với Ấn Độ trong nỗ lực làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa hai bên và tìm một giải pháp thay thế khả thi để đa dạng hóa thị trường, giảm bớt quan hệ kinh tế với Nga.

 Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đang có chuyến công du tại Ấn Độ.
(Ảnh: ec.europa.eu)

EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Ấn Độ với khoảng 62,8 tỷ euro (67,8 tỷ USD) giá trị thương mại hàng hóa tại nước này.

EU và Mỹ đều đang nỗ lực tăng cường mối quan hệ chặt chẽ hơn với Ấn Độ, quốc gia mua vũ khí của Nga hàng đầu trên thế giới. Hiện có 4.500 công ty của EU đang hoạt động tại Ấn Độ, góp phần tạo ra hơn 1,5 triệu việc làm trực tiếp và 5 triệu việc làm gián tiếp tại nước này.

Kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24/2, Mỹ và các nước phương Tây đã ban hành hàng loạt các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Moskva, trong đó có việc hạn chế nhập khẩu năng lượng của Nga. Tuy nhiên, hiện Ấn Độ vẫn đang mua dầu giá rẻ của Nga. Theo số liệu thống kê, chỉ trong gần 4 tháng đầu năm 2022, New Delhi đã mua số dầu mỏ gần bằng khối lượng đã mua của Nga trong cả năm 2021.

Một quan chức EU cho biết, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hiện đang có chuyến công du tại Ấn Độ nhằm tăng cường mối quan hệ giữa hai bên.

Theo kế hoạch, bà Ursula von de Leyen sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind, hội đàm song phương với Thủ tướng Narendra Modi, gặp gỡ Bộ trưởng Ngoại giao Subrahmanyam Jaishankar để thảo luận về nhiều nội dung hợp tác quan trọng như: Cuộc chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng và kỹ thuật số, vấn đề an ninh - quốc phòng, kinh tế và hợp tác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Bên cạnh đó, EU đang cố gắng thúc đẩy các biện pháp để Ấn Độ nới lỏng sự phụ thuộc vào các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của Nga. Trong lĩnh vực hợp tác quốc phòng, một trong những mục tiêu Chủ tịch EC trong chuyến thăm lần này là bán thiết bị quân sự do EU sản xuất cho Ấn Độ và các liên doanh tiềm năng “nhằm giảm sự phụ thuộc lâu nay của Ấn Độ vào công nghệ quốc phòng của Nga”.

Bên cạnh đó, chủ đề Ấn Độ mua dầu của Nga cũng có thể sẽ được đề cập trong các cuộc thảo luận, do EU đang nỗ lực loại bỏ sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga và làm giảm nguồn thu của nước này từ việc xuất khẩu dầu mỏ, than đá và khí đốt./.

H.Hà (Theo Reuters, Financial Times)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN