Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đường tới Hủa Phăn

Thứ Ba, 12/09/2023 15:32 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Những chiếc ghế trống trên chuyến xe khách Thanh Hoá – Hủa Phăn dần được lấp đầy. Ngoài người dân đi thăm thân, sang làm ăn buôn bán còn có cả những du học sinh Lào đang học tập tại Trường Đại học Hồng Đức về thăm gia đình… Lắng nghe những câu chuyện rôm rả vang lên dọc hành trình, tôi hình dung được phần nào mảnh đất mà mình sắp đặt chân tới…

 Công trình Nhà tiếp khách hữu nghị tỉnh Hủa Phăn, hiện đã được nâng cấp thành trụ sở làm việc của Ủy ban Chính quyền tỉnh.

Sầm Nưa đổi khác bên bờ Nặm Xăm

Sau hơn nửa ngày đường, thị xã Sầm Nưa hiện ra trước mắt không còn thăm thẳm, hoang dã như những hình dung qua bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng thuở nào. Sầm Nưa hôm nay đang từng bước phát triển hiện đại. Những công trình khang trang bên bờ Nặm Xăm tạo nên một diện mạo mới cho tỉnh miền núi vốn còn nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội của nước bạn. Qua sự đón tiếp nồng hậu của chị Súc Ban Chai, cán bộ Sở Ngoại vụ tỉnh Hủa Phăn, tôi có cơ hội đến thăm những công trình thắm tình hữu nghị giữa hai tỉnh Thanh Hoá – Hủa Phăn.

Thanh Hoá và Hủa Phăn là hai tỉnh giáp ranh  của Việt Nam và Lào. Với đường biên giới dài 192km, những năm qua mối quan hệ hữu nghị giữa hai tỉnh ngày càng được bồi đắp bền chặt nhờ các chương trình hợp tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, với việc ký kết thoả thuận hợp tác qua các giai đoạn, nhiều công trình được tỉnh Thanh Hoá viện trợ cho tỉnh bạn đã và đang được sử dụng hiệu quả, có đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển của tỉnh Hủa Phăn.

Ngay trung tâm thị xã Sầm Nưa, cạnh biểu tượng Tháp Ngọc là công trình Nhà tiếp khách hữu nghị tỉnh Hủa Phăn, hiện đã được nâng cấp thành trụ sở làm việc của Ủy ban Chính quyền tỉnh. Đây là một trong bốn công trình được Thanh Hoá đầu tư theo thỏa thuận hợp tác kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh giai đoạn 2016-2020. Ba công trình còn lại gồm Công viên hữu nghị Hủa Phăn - Thanh Hóa; kè sông Nặm Xăm; Nhà làm lễ cầu siêu quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Lào và kho vũ khí Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hủa Phăn. Cùng với những công trình đã được đầu tư trong giai đoạn trước cũng như các công trình đầu tư theo thoả thuận hợp tác giai đoạn 2021-2025 giữa hai tỉnh, sau khi hoàn thành, đưa vào sử dụng, tất cả đều đang phát huy công năng, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của Hủa Phăn nói riêng, nước Lào nói chung. Đồng thời, mỗi công trình với dấu ấn hữu nghị tốt đẹp là minh chứng rõ nét cho mối quan hệ thủy chung, bền chặt, cùng giúp nhau phát triển giữa hai tỉnh, hai nước.

Viêng xay – vùng đất cách mạng

Dòng chữ tiếng Lào mang ý nghĩa “Viêng xay – Khu căn cứ cách mạng Lào”  trên một ngọn núi ở huyện Viêng xay.

Dọc theo những công trình hữu nghị, chúng tôi đến với huyện Viêng xay. Đây là nơi Trường Chính trị tỉnh Hủa Phăn được xây dựng thông qua sự viện trợ của tỉnh Thanh Hoá. Ngôi trường khang trang với những dãy nhà cao tầng hiện đại nằm nép bên những ngọn núi xanh thẳm của vùng quê cách mạng, đã và đang đào tạo nên nhiều lớp cán bộ ưu tú cho tỉnh bạn. Và có lẽ không phải ngẫu nhiên mà ngôi trường chính trị này được đặt tại Viêng xay. Cách thị xã Sầm Nưa khoảng 30km, Viêng xay được xem là cái nôi cách mạng hào hùng của dân tộc Lào. Khi vừa đặt chân tới trung tâm huyện, tôi bị ấn tượng bởi dòng chữ tiếng Lào mang ý nghĩa “Viêng xay – Khu căn cứ cách mạng Lào” neo trên ngọn núi cao nhất ở bản Na Kay. Trong tiếng Lào, “Viêng xay” với ý nghĩa là “thành phố chiến thắng” từng được Chủ tịch Kaysone Phomvihane chọn làm bí danh trong thời gian hoạt động cách mạng. Viêng xay còn đặc biệt nổi tiếng với hệ thống gần 500 hang động, nhiều trong số các hang động này được chọn làm nơi sinh sống, hoạt động cách mạng của các vị lãnh đạo tiền bối Đảng, Nhà nước và các bộ, ban, ngành của Lào thời kỳ 1964 -1973. Với ý nghĩa quan trọng đó, ngày nay, các hang động này được công nhận là Khu di tích lịch sử cách mạng Lào, trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho Nhân dân Lào; đồng thời là điểm đến không thể bỏ qua đối với du khách khi đến với Viêng xay.

Theo chân hướng dẫn viên của Ban Quản lý Khu di tích lịch sử cách mạng Lào tại Viêng xay khám phá hang động của Chủ tịch Cay xỏn Phôm vi hản và Chủ tịch Xu pha nu vông, hai hang động còn lưu giữ nhiều dấu ấn về một thời kỳ gian lao mà anh hùng của cách mạng Lào. Gây chú ý đối với một người dân Việt Nam như tôi là những hiện vật liên quan đến đất nước mình. Đó là cuốn sách “Hồ Chí Minh tuyển tập” và món quà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng cho lãnh đạo nước bạn vẫn được lưu giữ và trưng bày trang trọng trong hệ thống hang động của đồng chí Cay xỏn Phôm vi hản, phục vụ du khách tham quan. Tại đây, còn có một con đường xuyên núi dẫn từ khu vực nghỉ ngơi và làm việc của đồng chí Cay xỏn Phôm vi hản tới phòng họp Bộ Chính trị dài 42 km do các chiến sĩ bộ đội công binh Việt Nam thực hiện vào năm 1967. Những hiện vật đều gắn với một câu chuyện lịch sử, cho các thế hệ hôm nay biết về tình cảm cao đẹp, sự gắn kết bền chặt giữa các vị lãnh đạo tiền bối cũng như phong trào cách mạng hai nước.

Vun đắp mối quan hệ trong thời bình

Những hiện vật được trưng bày tại hang động của Chủ tịch Cay xỏn Phôm Vi Hẳn.

Từ sự gắn kết được dệt nên trong lịch sử, ngày nay các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam – Lào vẫn miệt mài vun đắp và phát triển mối quan hệ hữu nghị đặc biệt, hiếm có. Đóng góp vào quá trình đó, những năm qua, hai tỉnh Thanh Hoá – Hủa Phăn với núi kề núi, sông kề sông, luôn luôn chú trọng các hoạt động đối ngoại, ký kết và thực hiện có hiệu quả các thoả thuận hợp tác trên tất cả các lĩnh vực. Nhân dân hai tỉnh, nhất là nhân dân khu vực hai bên biên giới thường xuyên giao lưu, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong phát triển kinh tế - xã hội. Các lực lượng công an, quân đội không ngừng phối hợp đảm bảo an ninh biên giới của mỗi quốc gia.

Đặc biệt, ngay trên mảnh đất Hủa Phăn láng giềng, nhiều người con Việt Nam đang sinh sống, làm việc, đóng góp trực tiếp cho sự phát triển của tỉnh bạn. Đó là doanh nhân Lê Văn Hưng, giám đốc Công ty Xây dựng và Thương mại Hưng Phát. Đối với anh Hưng, Lào cũng như quê hương thứ hai, nơi cả hai vợ chồng anh đã gắn bó mấy chục năm nay. Góp sức xây dựng những công trình làm giàu đẹp thêm cho mảnh đất Hủa Phăn cũng chính là niềm tự hào của người con xứ Thanh này. Hay đối với chị Bích Quý, chủ nhà hàng sinh thái Việt - Lào tại thị xã Sầm Nưa, mang những món ăn đậm vị biển quê hương giới thiệu với thực khách Lào là mong muốn của người phụ nữ này. Nhà hàng của chị đi vào hoạt động đúng thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên gặp không ít khó khăn, tuy nhiên được sự quan tâm động viên của lãnh đạo chính quyền và các ban, ngành của tỉnh Hủa Phăn, chị Quý vẫn tin tưởng và cố gắng thực hiện ý tưởng kinh doanh của mình.

Sự tin tưởng của chị Qúy cũng là niềm tin của rất nhiều người con Thanh Hóa nói riêng, cộng đồng người Việt nói chung, đang sinh sống, lập nghiệp trên đất nước bạn. Chuyến hành trình khám phá Hủa Phăn khép lại với niềm tin lan tỏa đó, cho tôi cảm nhận sâu sắc hơn tình cảm giữa người dân hai tỉnh Thanh Hóa – Hủa Phăn, hai nước Việt Nam – Lào. Đó cũng chính là nền tảng để mối quan hệ hiếm có trên thế giới ngày càng được bồi đắp cao hơn, để “Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”.

Bài và ảnh: Phương Chi

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN