Đừng để nguyên nhân cũ gây ra những nỗi đau mới
(ĐCSVN) – Mỗi người dân, mỗi hộ gia đình hãy thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức trách nhiệm đối với vấn đề an toàn cháy nổ, có sẵn phương án chủ động phòng ngừa để bảo vệ tính mạng, tài sản của bản thân, gia đình và cộng đồng, góp phần hạn chế các vụ cháy xảy ra từ nguyên nhân cũ nhưng để lại nỗi đau luôn mới.
Với tình trạng cơi nới "chuồng cọp" như hiện nay, rất khó để người dân có thể thoát ra ngoài khi hỏa hoạn xảy ra. |
Vụ hỏa hoạn diễn ra chưa đầy 1 giờ vào rạng sáng 21/4 nhưng đã cướp đi sinh mạng của 5 người và làm 2 người khác bị thương trong một gia đình tại khu tập thể phường Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội đã khiến cộng đồng xã hội không khỏi bàng hoàng, xót xa.
Mặc dù lực lượng cứu hỏa đã có mặt rất nhanh, dập tắt đám cháy khá kịp thời nhưng các nạn nhân đã không thể qua khỏi do ngạt khí trước khi lửa bén tới. Vụ cháy tang thương này tiếp tục là lời cảnh báo sâu sắc về mối hiểm họa “nhất thủy, nhì hỏa” lâu nay.
Thực tế, tình trạng mất an toàn cháy nổ, nhất là tại các nhà dân, chung cư cao tầng, cơ sở sản xuất đã được cảnh báo không ít lần nhưng sau đó, những vụ cháy nổ gây hậu quả nghiêm trọng vẫn liên tiếp xảy ra.
Mỗi người dân quận Đống Đa chắc vẫn chưa thể quên vụ cháy vào ngày 4/2/2022 tại một phòng trọ ở ngõ 73, phố Tam Khương, phường Khương Thượng làm 4 thanh niên tử vong. Hay vụ cháy năm 2021 ở 311 phố Tôn Đức Thắng, cũng thuộc quận Đống Đa làm cả 4 người sống trong căn nhà bị cháy đều thiệt mạng…
Chưa hết, theo Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn (Bộ Công an), chỉ tính riêng trong quý 1/2022, cả nước đã xảy ra 443 vụ cháy, làm chết 21 người, bị thương 25 người; thiệt hại về tài sản khoảng 57,9 tỷ đồng. Trong số đó, cháy nhà dân có 174 vụ; cháy kho, cơ sở sản xuất 84 vụ; cháy nhà ở kết hợp kinh doanh 36 vụ; cháy chung cư và các loại hình khác là 9 vụ. Thiệt hại về người, tài sản do những vụ hỏa hoạn gây ra rất nặng nề và đau xót.
Theo lãnh đạo Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy này chủ yếu là do ý thức chủ quan của người dân, trách nhiệm cũng như kiến thức phòng cháy chữa cháy của người dân, người lao động chưa cao, còn lơ là, thậm chí coi thường nguy cơ gây cháy. Đặc biệt là tình trạng người dân chưa tự tìm hiểu, học tập kiến thức về phòng cháy chữa cháy cũng như kiến thức xử lý, thoát nạn khi có sự cố cháy xảy ra.
Có một điều đáng buồn là những vụ cháy xảy ra gần đây ở Hà Nội nói riêng và nhiều khu đô thị cả nước nói chung đều có đặc điểm là nạn nhân hầu như không có đường thoát thân. Cửa thoát hiểm duy nhất thường là cửa chính đã bắt lửa, chặn lối thoát. Khu vực sân thượng và các cửa sổ hầu hết đều được hàn kín thành các “chuồng cọp”. Kiểu thiết kế này gây rất nhiều khó khăn cho việc dập lửa, cứu hộ và cứu nạn, người ở trong nhà cũng rất khó thoát ra ngoài khi có cháy. Hậu quả thường khiến các nạn nhân tử vong do ngạt khói và khí độc…
Thực tế đã cho thấy, sự lơ là, chủ quan của người dân đối với “giặc lửa” là nghịch lý và là nguyên nhân chính gây nhiều vụ cháy lớn. Người dân có thể chi hàng trăm triệu đồng để mua sắm trang thiết bị hiện đại trong gia đình nhưng lại không bỏ ra vài trăm nghìn đồng để mua những thiết bị báo cháy, bình chữa cháy... Chưa hết, người dân cũng đang mải “chống trộm hơn chống cháy”. Nghịch lý này tạo nên những ngôi nhà được lắp đặt lồng sắt, bịt kín mặt tiền, chặn hết các phương án thoát nạn khẩn cấp. Khi xảy ra hỏa hoạn, căn nhà như chiếc lồng kiên cố nhốt các nạn nhân trong đó. Lực lượng cứu hỏa và người dân dù đã rất cố gắng tìm cách giải cứu, nhưng đành bất lực.
Trong khi đó, ở nhiều chung cư cao tầng, công tác phòng cháy chữa cháy lại có không ít bất cập, như không chỉ thiếu thiết bị chữa cháy tối thiểu mà nhiều nơi còn không có bể nước, đường nước phục vụ công tác cứu hỏa. Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh, công tác phòng ngừa cháy nổ cũng chưa thực sự được quan tâm đầu tư đúng mức. Rồi đâu đó vẫn còn có hiện tượng làm qua loa, đại khái. Trong khi đó, các cơ quan chức năng khi kiểm tra, giám sát lại châm chước, làm ngơ, “bỏ qua” đối với cơ sở, đơn vị mất an toàn cháy nổ…
Cả nước đang bước vào mùa hè nắng nóng, việc sử dụng điện tăng, nhiều thiết bị điện hoạt động hết công suất dễ dẫn đến hiện tượng quá tải, chập cháy. Để phòng ngừa, giảm thiểu các vụ hỏa hoạn, đòi hỏi các cấp chính quyền và cơ quan chức năng đề cao hơn vai trò, trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy. Đẩy mạnh tuyên truyền các quy định pháp luật về an toàn cháy nổ, cảnh báo nguy cơ cháy nổ; hướng dẫn kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, thoát nạn khi có cháy xảy ra nhằm nâng cao nhận thức cho người dân. Vì một khi từng người dân có ý thức rõ về hiểm họa cháy, nổ sẽ chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng, tránh.
Đồng thời, các cơ quan chức năng thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra và kiên quyết xử lý nghiêm minh, công khai các trường hợp không chấp hành quy định pháp luật về phòng chống cháy nổ, cũng như làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị buông lỏng an toàn về cháy nổ, tránh việc đổ trách nhiệm chung chung…
Và đặc biệt ngay lúc này, mỗi người dân, mỗi hộ gia đình không thể chủ quan với “giặc lửa”. Hãy thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức trách nhiệm đối với vấn đề an toàn cháy nổ, có sẵn phương án chủ động phòng ngừa để bảo vệ tính mạng, tài sản của bản thân, gia đình và cộng đồng, góp phần hạn chế các vụ cháy xảy ra từ nguyên nhân cũ nhưng để lại nỗi đau luôn mới./.