Đừng để "con sâu bỏ rầu nồi canh"
(ĐCSVN) - Sự việc gần đây một cụ ông Nhật Bản tới Thành phố Hồ Chí Minh du lịch, tố người lái xích-lô đã lấy của ông 2,9 triệu đồng dù hành trình chỉ kéo dài 5 phút để về khách sạn khiến dư luận không khỏi bất bình.
(Ảnh: danviet.vn)
Hiện đối tượng gây ra vụ “chặt chém” đáng xấu hổ trên đã ra trình diện và bị cơ quan chức năng tạm giữ hình sự, rồi đây hành vi này sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên hệ quả của hành vi khó chấp nhận này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của ngành du lịch nước ta.
Chúng ta sẽ tự đặt ra câu hỏi rằng, nếu không có chế tài nghiêm minh rồi đây sẽ còn bao nhiêu du khách sẽ bị chặt chém như du khách người Nhật? Bởi thực tế, không phải sự vụ nào xảy ra, bị hại cũng dám nói lên sự thật và tố cáo đến cơ quan chức năng.
Hơn nữa khi trả lời trước báo giới, du khách người Nhật luôn tự dằn vặt rằng, lỗi do ông không “mặc cả” trước. Điều đó thật đáng xấu hổ, khi mà khách du lịch đến nước ta họ luôn phải mặc định trong đầu khi mua bán, sử dụng bất cứ dịch vụ gì cũng phải “mặc cả” trước, nếu không muốn bị “chặt chém”!
Soi vào tiền lệ, việc xảy ra với du khách Nhật không phải sự việc mới hay lần đầu xảy ra. Chúng ta từng nghe những ồn ào việc du khách khi đi du lịch ở Hà Nội bị trả lại tiền thừa bằng tiền âm phủ. Hay việc một du khách nước ngoài phải trả gần 1 triệu đồng cho một túi bánh rán mật…Và đa số sự vụ thường xảy ra tại các thành phố lớn, nhất là các thành phố du lịch, hoặc địa phương có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử nổi tiếng, hàng năm đón lượng lớn khách du lịch đến tham quan.
Ngoài ra là tình trạng khách du lịch khi đến nước ta (thậm chí cả khách trong nước) phàn nàn về việc bị những người bán hàng rong chèo kéo, nài ép mua hàng dù họ hoàn toàn không có nhu cầu không phải chuyện hiếm. Và đã không ít lần đại diện quản lý ngành du lịch đã phải “muối mặt” đứng ra xin lỗi trước các sự vụ xảy ra với khách du lịch, kèm trong lời xin lỗi là do “con sâu bỏ rầu nồi canh”. Cơ quan có thẩm quyền cũng vào cuộc, xử lý kịp thời một số hành vi phản cảm, nhưng hình thức xử lý thường chỉ dừng lại ở cấp độ xử lý hành chính. Để rồi đâu lại vào đó, bởi chúng ta chưa có chế tài xử lý đủ mạnh, đủ sức răn đe, do vậy việc chấn chỉnh, khắc phục những hành vi phản cảm trong hoạt động kinh doanh du lịch vẫn chưa triệt để. Biểu hiện của nó là thời gian gần đây, các vụ việc lại có chiều hướng xảy ra với tần suất ngày càng tăng. Lẽ nào ngành du lịch cũng như các cơ quan quản lý cứ để những “con sâu làm rầu” mãi ?
Vẫn biết, những hành vi “xấu xí” trên có thể xảy ra ở nhiều quốc gia chứ không riêng ở nước ta. Nhưng cứ để hiện tượng trên tái diễn nhiều lần sẽ không chỉ để lại những ấn tượng xấu trong mắt khách du lịch khi đến Việt Nam, mà còn tạo ra những tiền lệ xấu với hệ quả tổn hại nặng nề cho ngành du lịch, cho hình ảnh đất nước.
Nước ta vốn được thiên nhiên ưu đãi, có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, độc đáo hiếm có, là tiềm năng để phát triển du lịch – vốn được xem là ngành “công nghiệp không khói” có vai trò mũi nhọn. Để tiềm năng trong lĩnh vực này phát huy hiệu quả hơn nữa, một trong các việc cần làm ngay là cơ quan chức năng cần có biện pháp quyết liệt để loại bỏ những hành vi phản cảm, trong đó có tình trạng chặt chém trong hoạt động du lịch nói chung. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức những người làm dịch vụ du lịch, nâng cao ý thức về lòng tự trọng, tự tôn dân tộc để cùng nhau xây dựng hình ảnh một đất nước Việt Nam thân thiện, mến khách../.