Đừng đánh cược sức khỏe, tính mạng khi làm đẹp!
(ĐCSVN) - Chăm sóc sức khỏe bản thân, làm đẹp cho chính mình vừa là quyền, vừa là nhu cầu chính đáng của mỗi người. Song, để việc làm đẹp thực sự hiệu quả và an toàn, vấn đề quan trọng hàng đầu đó là khách hàng phải tìm hiểu kỹ nơi mình sẽ tới làm đẹp; không quá tin tưởng vào những lời quảng cáo “có cánh” do các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ đưa ra.
Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, ngày càng nhiều người có nhu cầu làm đẹp cho bản thân. Lợi dụng thực tế này, nhiều cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ “chui”, không đủ điều kiện hoạt động nhưng vẫn cố tình ký hợp đồng và thực hiện các hình thức phẫu thuật đối với khách hàng, bất chấp quy định của pháp luật. Việc lựa chọn dịch vụ tại các cơ sở này không chỉ tiềm ẩn những nguy cơ biến chứng sau phẫu thuật, mà còn dễ khiến khách hàng rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”, thậm chí phải trả giá bằng chính tính mạng của bản thân.
Địa điểm chị H. đến nâng mũi ở Hà Nội. (Ảnh: Nhật Cường). |
Những ngày qua, thông tin về vụ tử vong của một phụ nữ sau khi đi nâng mũi tại một cơ sở thẩm mỹ ở khu biệt thự trong ngõ 147A Tân Mai, quận Hoàng Mai (Hà Nội) đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Nạn nhân là chị P.T.D.H. (22 tuổi, quê Long An). Qua một người quen trên mạng xã hội, nạn nhân đã đặt cọc 35 triệu đồng và đến thực hiện dịch vụ nâng mũi tại cơ sở thẩm mỹ nói trên. Quá trình phẫu thuật, Lê Ngọc Anh (32 tuổi, bác sĩ Bệnh viện Ung bướu Hà Nội) là người gây mê cho chị H. bằng thuốc Midazolam 5mg/ml. Sau khi xuất hiện những triệu chứng bất thường về sức khỏe và hôn mê, chị P.T.D.H. đã được đưa đến Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. Sau nhiều ngày không có chuyển biến, gia đình đã đưa chị H. về Long An điều trị. Đến tối 16/3, nạn nhân đã tử vong sau 2 tháng bị hôn mê. Điều đáng nói, cơ sở thẩm mỹ nói trên chưa được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động.
Mới đây nhất, ngày 18/3, tại thành phố Hồ Chí Minh, một phụ nữ sinh năm 1989 đã tử vong sau phẫu thuật nâng ngực. Nạn nhân là chị N.T.N.N (sinh năm 1989, quê Đồng Tháp), được gia đình phát hiện đã tử vong tại Bệnh viện 1A (thành phố Hồ Chí Minh). Theo lời người nhà, 11h30 ngày 18/3, chị N. nhập viện để phẫu thuật nâng ngực tại Bệnh viện 1A. Đi cùng có người nhà, bạn thân của nạn nhân. Đến chiều cùng ngày, thấy nạn nhân vẫn chưa có hồi âm nên đi hỏi, tìm thì phát hiện chị N đã tử vong trong phòng bệnh của bệnh viện. Hiện công an quận Tân Bình, TP.HCM đã làm việc với Bệnh viện 1A về vụ việc.
Trước đó, ngày 06/12/2021, Bệnh viện Nhân Dân 115, thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận một trường hợp bị tai biến thẩm mỹ. Nữ bệnh nhân là chị H.T.N. (31 tuổi, ngụ tại Quận 8) được chuyển đến cấp cứu vào rạng sáng cùng ngày trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở, đồng tử giãn, tím tái toàn thân. Được biết, chiều 05/12, nữ bệnh nhân đã được thực hiện phương pháp hút mỡ bụng và nâng mũi làm đẹp tại 1 cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn Quận 1.
Đây chỉ là một vài trường hợp điển hình trong số rất nhiều vụ việc đáng tiếc liên quan đến các hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ. Theo các chuyên gia, phẫu thuật thẩm mỹ là lĩnh vực đặc thù, trực tiếp tác động đến sức khỏe của khách hàng; do đó, việc thực hiện các dịch vụ phẫu thuật tại những cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ “chui”, không đủ điều kiện hoạt động sẽ luôn tiềm ẩn nguy hiểm đối với khách hàng.
Khách hàng cần tìm hiểu kỹ về cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ. (Ảnh minh họa). |
Chia sẻ với báo chí, Phó Giáo sư, TS, BS Đỗ Quang Hùng, nguyên Trưởng khoa Thẩm mỹ BV Chợ Rẫy (thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, khi có nhu cầu đi làm phẫu thuật, thẩm mỹ thì yếu tố an toàn tính mạng phải được coi trọng đầu tiên. Hiện nay, các cơ sở tư nhân tham gia thực hiện dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ khá nhiều, trong khi nguồn nhân lực trong lĩnh vực này lại khá khiêm tốn. Trên thực tế, có nhiều cơ sở không đủ sức thuê cả êkip phẫu thuật và gây mê, hay không đủ nhân lực trong êkip theo dõi hậu phẫu…
Bên cạnh đó, theo quy định của pháp luật, các phương pháp làm đẹp có xâm lấn, như nhấn mí, tiêm filer, nâng mũi, nâng ngực, tiêm mỡ, hút mỡ… phải được cấp phép. Có 2 điều kiện để có thể mở cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ: Thứ nhất, người làm phải có chức danh nghề của Sở Y tế cấp. Chức danh nghề đó thuộc chuyên ngành phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, và người đó phải là bác sĩ mới thực hiện được. Thứ hai, cơ sở thẩm mỹ đó phải thuộc phòng khám thì mới được thực hiện các hình thức phẫu thuật. Do đó, việc cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ không bảo đảm các yếu tố này sẽ rất dễ đến những sự cố trong quá trình phẫu thuật cho khách hàng.
Mặt khác, phẫu thuật thẩm mỹ được coi là đa ngành nghề, tức là phải làm nhiều kỹ thuật như gây tê, gây mê… Vì vậy, nếu bác sỹ thực hiện phẫu thuật không được đào tạo đúng chuyên môn thì khi biến chứng xảy ra, sẽ không thể biết cách xử lý; dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng khách hàng.
Theo Luật sư Nguyễn An Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn An Bình và cộng sự (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), xung quanh đến các vụ việc liên quan xảy ra trong thời gian gần đây, cơ quan chức năng cần xem xét, siết chặt hơn nữa công tác quản lý đối với các hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ, kịp thời phát hiện, xử lý các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ hoạt động trái phép; xử lý nghiêm minh các cán bộ buông lỏng quản lý, dung túng cho sai phạm nếu có.
Khoản 6, Điều 39 nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế nêu rõ:
6. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động hoặc tại địa điểm không được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh;
b) Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, trừ trường hợp cấp cứu;
Bên cạnh đó, tùy thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân chủ các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ có hành vi vi phạm còn có thể bị xử lý hình sự theo Điều 315. “Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác”, quy định tại Bộ Luật Hình sự năm 2015 với mức phạt tù từ 01 năm đến 15 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
“Rất nhiều vụ việc, chỉ khi có trường hợp tử vong xảy ra, khi điều tra mới biết cơ sở thẩm mỹ hoạt động không phép. Chúng ta nên ngăn ngừa ngay từ ban đầu, không để các cơ sở này hoạt động sẽ tránh được những trường hợp đáng tiếc xảy ra", Luật sư Nguyễn An Bình nhấn mạnh thêm.
Ở góc nhìn khác, thiết nghĩ các vụ việc mất an toàn nêu trên cũng là bài học cho những người khi thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ mà không tìm hiểu kỹ về cơ sở thẩm mỹ, dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về sức khỏe, thậm chí phải đánh đổi bằng cả tính mạng của mình.
Chăm sóc sức khỏe bản thân, làm đẹp cho chính mình vừa là quyền, vừa là nhu cầu chính đáng của mỗi người. Song, để việc làm đẹp thực sự có hiệu quả và an toàn, vấn đề quan trọng hàng đầu đó là khách hàng phải tìm hiểu kỹ nơi mình sẽ tới làm đẹp; không quá tin tưởng vào những lời quảng cáo “có cánh” do các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ đưa ra. Đừng đánh cược sức khỏe, tính mạng của bản thân vào những cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ không bảo đảm điều kiện hoạt động. Đặc biệt, khách hàng cần tránh việc lựa chọn cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ do được giới thiệu trên mạng xã hội, hoặc do bạn bè, người thân quảng cáo mà thiếu kiểm chứng thực tế. Đó là cách mỗi khách hàng tự bảo vệ bản thân mình trước những nguy cơ tiềm ẩn, tránh những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra do lựa chọn dịch vụ làm đẹp tại các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ không đủ điều kiện hoạt động./.