Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đưa vào vận hành đường dây 500 kV Vĩnh Tân - rẽ Sông Mây – Tân Uyên

Thứ Hai, 03/06/2019 15:24 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Việc đóng điện đưa vào vận hành đường dây 500 kV Vĩnh Tân - rẽ Sông Mây - Tân Uyên sẽ góp phần giải tỏa công suất của Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân tại tỉnh Bình Thuận vào hệ thống điện quốc gia, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải của khu vực miền Nam.

Vào lúc 22h36 ngày 02/6/2019, Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Nam đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức đóng điện chính thức đưa vào vận hành đường dây 500kV Vĩnh Tân - rẽ Sông Mây – Tân Uyên.

Trước đó vào ngày 27/04/2019  đường dây 500 kV Vĩnh Tân - rẽ Sông Mây - Tân Uyên (mạch 3 Vĩnh Tân - Sông Mây) đã được nghiệm thu đóng điện thành công, sau đó được tách ra để xử lý tồn tại hành lang. Theo quy định của Chính phủ không cho phép tồn tại nhà ở và các công trình dân sinh trong hành lang an toàn lưới điện 500 kV. Sau 36 ngày Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Nam  tích cực phối hợp với chính quyền các huyện: Xuân Lộc, Thống Nhất, Vĩnh Cửu và Trảng Bom (Đồng Nai) vận động nhân dân tháo dỡ, di dời 33 nhà có người dân thường xuyên sinh hoạt và 111 nhà trống của các hộ dân còn tồn tại trong hành lang tuyến.

Một đoạn tuyến đường dây 500 kV Vĩnh Tân - rẽ Sông Mây - Tân Uyên

Đường dây 500 kV Vĩnh Tân - rẽ Sông Mây - Tân Uyên (mạch 3 Vĩnh Tân - Sông Mây) có 2 mạch dài 243 km, đi qua địa bàn tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai, nối từ sân phân phối 500 kV của TBA 500 kV Vĩnh Tân đến cột rẽ nhánh của đường dây 500 kV Sông Mây - Tân Uyên. Công trình do Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Nam thay mặt EVNNPT quản lý điều hành dự án, Công ty Truyền tải điện 3 và Công ty Truyền tải điện 4 tiếp nhận, quản lý vận hành khi công trình hoàn thành.

Việc đóng điện đưa vào vận hành đường dây 500 kV Vĩnh Tân - rẽ Sông Mây - Tân Uyên sẽ góp phần giải tỏa công suất của Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân tại tỉnh Bình Thuận vào hệ thống điện quốc gia, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải của khu vực miền Nam. Đồng thời, tạo liên kết các nguồn điện lớn khác trong tương lai của khu vực Nam Trung bộ với hệ thống điện quốc gia; nâng cao tính ổn định, tin cậy cho hệ thống điện./.

Minh Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN