Đưa Hà Giang phát triển toàn diện, bền vững, bản sắc
(ĐCSVN) - Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực và yếu tố con người để đưa Hà Giang phát triển toàn diện, bền vững, bản sắc; bảo đảm quốc phòng và xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển; ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội với phương châm "Sống trên đá, thoát nghèo trên đá và tiến tới làm giàu trên đá".
Các đại biểu biểu quyết thông qua nghị quyết tại Kỳ họp. (Ảnh: BHG) |
Sáng 15/7, Kỳ họp thứ XII HĐND tỉnh Hà Giang khóa XVIII đã xem xét, thông qua Nghị quyết về Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là một trong những nội dung đặc biệt quan trọng, định hướng cho sự phát triển bền vững, lâu dài của tỉnh Hà Giang, được cử tri và nhân dân trong tỉnh quan tâm.
Điểm đến hàng đầu về du lịch của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ và của cả nước
Phạm vi lập Quy hoạch là toàn bộ diện tích theo địa giới hành chính tỉnh Hà Giang với diện tích tự nhiên là 7.927,55 km2, gồm 11 đơn vị hành chính: Thành phố Hà Giang và 10 huyện (Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình, Bắc Mê, Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, Hoàng Su Phì, Xín Mần).
Quy hoạch đặt mục tiêu tổng quát phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực và yếu tố con người để đưa Hà Giang phát triển toàn diện, bền vững, bản sắc; bảo đảm quốc phòng và xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển; ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội với phương châm "Sống trên đá, thoát nghèo trên đá và tiến tới làm giàu trên đá".
Phấn đấu đến năm 2025, Hà Giang là tỉnh phát triển về du lịch, thương mại, dịch vụ và nông nghiệp đặc trưng hàng hóa. Đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, là điểm đến hàng đầu về du lịch của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ và của cả nước với các sản phẩm du lịch đa dạng, gắn liền với truyền thống văn hóa, bản sắc, cảnh quan thiên nhiên và con người Hà Giang.
Nông nghiệp phát triển theo hướng kinh tế nông nghiệp đặc trưng, chất lượng cao với các vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu quy mô lớn ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy trở thành trung tâm xuất nhập khẩu và logistic của Vùng; các đô thị mang đặc trưng của Vùng, kiến trúc bản sắc văn hóa của dân tộc trên địa bàn tỉnh; phát triển sinh kế và tạo việc làm ổn định, cơ hội phát triển cho đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, mang bản sắc dân tộc, trong đó tập trung xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối nội tỉnh, liên tỉnh, liên vùng và quốc tế; hoàn thiện hệ thống hạ tầng cấp điện, cấp nước, thủy lợi an toàn, hiện đại, đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đô thị, khu dân cư; xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông, hạ tầng số hiện đại, an toàn; phát triển hạ tầng phục vụ các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.
Gắn phát triển kinh tế - xã hội với củng cố thế trận quốc phòng, an ninh, chủ động nắm chắc tình hình, không để bị động, bất ngờ; xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc; đảm bảo trật tự kỷ cương, an toàn, bình yên và hạnh phúc của Nhân dân.
Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: BHG) |
5 đột phá phát triển
Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 lựa chọn 5 đột phá phát triển, gồm: Phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng thương mại cửa khẩu, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng số. Ưu tiên nguồn lực để xây dựng, hoàn chỉnh tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) đoạn qua tỉnh Hà Giang với quy mô 4 làn xe; đầu tư tuyến nối đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai với quy mô 4 làn xe.
Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển kinh tế nông nghiệp đặc trưng, giá trị gia tăng cao theo chuỗi giá trị; nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế biên mậu.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường đào tạo nghề cho người lao động phục vụ nhu cầu phát triển các ngành, lĩnh vực chủ lực của tỉnh; thu hút và đào tạo có trọng tâm, trọng điểm nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu, thí điểm xây dựng mô hình cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp đa ngành, đa cấp tại Hà Giang.
Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số với ba trụ cột: Chính phủ số - Kinh tế số - Xã hội số để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh của Tỉnh.
Hoàn thiện thể chế, xây dựng các cơ chế, chính sách để nâng cao năng lực cạnh tranh cấp Tỉnh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tạo động lực thu hút các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Về phương án tổ chức các hoạt động kinh tế, xã hội, Quy hoạch nêu rõ: Tổ chức liên kết không gian kinh tế - xã hội thông qua phát triển 04 hành lang kinh tế gồm: Hành lang theo tuyến cao tốc Hà Giang - Tuyên Quang, Quốc lộ 2 và Đường tỉnh 184 là hành lang động lực phát triển kinh tế đô thị (cấp tỉnh) - thương mại, dịch vụ - cửa khẩu quốc tế - du lịch. Hành lang theo tuyến Đường tỉnh 178 - Quốc lộ 4C - Quốc lộ 4D - Đường tỉnh 280 là hành lang động lực phát triển kinh tế biên mậu - du lịch - đô thị (cấp huyện). Hành lang theo Quốc lộ 279 là động lực kinh tế đô thị - dịch vụ - công nghiệp. Hành lang theo Quốc lộ 280 - Quốc lộ 2C - Đường tỉnh 184, kết nối các đô thị (trung tâm tăng trưởng vùng huyện) là hành lang động lực phát triển kinh tế du lịch - dịch vụ.
Tỉnh Hà Giang sẽ phát triển 03 vùng kinh tế - xã hội bao gồm: Vùng núi thấp với 04 khu vực: (i) Cụm thành phố Hà Giang và huyện Vị Xuyên, trong đó có Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy là khu vực đô thị hóa tập trung, là hạt nhân và là động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; (ii) Huyện Bắc Quang định hướng trở thành thị xã Bắc Quang, là trung tâm kinh tế - xã hội phía Nam của tỉnh; (iii) Huyện Quang Bình là vùng kinh tế nông lâm nghiệp - du lịch; (iv) Huyện Bắc Mê là khu vực cửa ngõ phía Đông của tỉnh, thuận lợi cho việc giao lưu, giao thương phát triển kinh tế nông lâm nghiệp và du lịch.
Vùng Cao nguyên đá Đồng Văn gồm 04 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc định hướng phát triển trở thành khu du lịch quốc gia, phát triển nông lâm nghiệp, gắn với việc bảo tồn các di sản địa chất, văn hóa, bảo vệ thiên nhiên, đa dạng sinh học.
Vùng cao núi đất phía Tây gồm 02 huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần định hướng phát triển là vùng phát triển lâm nghiệp, cung ứng nguồn nguyên liệu nông lâm sản cho công nghiệp chế biến; phát triển du lịch gắn với hoạt động kinh tế khu vực cửa khẩu.
Cùng với Nghị quyết Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tại Kỳ họp thứ XII, HĐND tỉnh Hà Giang đã biểu quyết thông qua 36 nghị quyết quan trọng liên quan đến nhiều lĩnh vực như công tác quy hoạch, đầu tư công, đất đai, các chương trình mục tiêu quốc gia, một số cơ chế đặc thù…
Phát biểu tại phiên bế mạc, đồng chí Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Các nghị quyết vừa được HĐND tỉnh thông qua tại Kỳ họp này có ý nghĩa quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để các cấp, các ngành trong tỉnh triển khai, tổ chức thực hiện; góp phần tháo gỡ kịp thời khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; khôi phục thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, qua đó góp phần thực hiện nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh năm 2023 và những năm tiếp theo. Đặc biệt, về Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh, các cấp, ngành chủ động triển khai và tổ chức thực hiện ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt./.