Đồng Tháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể
Tỉnh Đồng Tháp hiện có 26 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó 3 di sản văn hóa phi vật thể đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như: Nghề dệt chiếu xã Định An, xã Định Yên, huyện Lấp Vò; nghề đóng xuồng, ghe xã Long Hậu, huyện Lai Vung và hò Đồng Tháp.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: bvhttdl.gov.vn) |
Toàn tỉnh có một di sản được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ - năm 2013). Di sản văn hóa phi vật thể tại tỉnh Đồng Tháp đang được bảo tồn, phát huy hiệu quả.
Ông Nguyễn Ngọc Thương, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp thông tin, di sản văn hóa phi vật thể ở Đồng Tháp với các loại hình: Nghệ thuật trình diễn dân gian và ngữ văn dân gian có 2 di sản (Đờn ca tài tử, hò Đồng Tháp); nghề thủ công truyền thống: 13 di sản (nghề đóng xuồng, ghe; nghề dệt chiếu; nghề trồng hoa, kiểng; nghề làm bột; nghề làm bánh phồng tôm; nghề làm gạch; nghề làm nem; nghề đan đát; nghề dệt choàng; nghề trồng quýt hồng; nghề đan lưới; nghề làm thớt; nghề rèn); lễ hội truyền thống: 11 di sản.
Vừa qua, Đồng Tháp đã thực hiện bảo tồn bằng phim tư liệu 8 di sản gồm: Lễ hội truyền thống Gò Tháp, lễ hội truyền thống Thượng tướng Quận công Trần Văn Năng, lễ hội truyền thống ông, bà Đỗ Công Tường, nghề đóng xuồng, ghe xã Long Hậu, huyện Lai Vung, nghề dệt chiếu truyền thống Định An, Định Yên, huyện Lấp Vò, nghề đan đát, nghề trồng hoa kiểng Sa Đéc, hò Đồng Tháp - dân ca Đồng Tháp.
Để phát huy tiềm năng, thế mạnh, quảng bá hình ảnh đặc trưng của tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá Di sản văn hóa phi vật thể gắn với Đề án tạo dựng hình ảnh địa phương bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng đến du khách tại Bảo tàng tỉnh, các Khu di tích lịch sử - văn hóa và tại sự kiện văn hóa, lễ hội tiêu biểu trên địa bàn tỉnh như: thông qua hoạt động liên hoan, giao lưu, thực hành trải nghiệm, trình diễn, trưng bày, triển lãm hình ảnh, sản phẩm về nghề, làng nghề truyền thống... qua đó nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các cấp, ngành và cộng đồng, đặc biệt là đối với học sinh, sinh viên về việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
Để bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể quốc gia hò Đồng Tháp, tỉnh đã "sưu tầm - nghiên cứu - phục hồi điệu hò Đồng Tháp"; mở lớp tập huấn ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Hiện nay, Đồng Tháp có hơn 300 người biết hò, mang lại sức sống mới cho điệu hò xưa.
Tỉnh tiếp tục thực hiện dự án "Sân khấu học đường"; lồng ghép trong phong trào "Trường học thân thiện - học sinh tích cực"; tổ chức sinh hoạt ngoại khóa, mở lớp dạy hò Đồng Tháp cho học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng và hệ thống Trường trung học Phổ thông, Trung học Cơ sở trong toàn tỉnh, giúp học sinh có niềm đam mê, yêu thích, ý thức bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Theo ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, triển khai bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể quốc gia Đờn ca tài tử và hò Đồng Tháp giai đoạn 2021-2025, tỉnh phấn đấu 50-70% xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành lập Câu lạc bộ Đờn ca tài tử và hò Đồng Tháp cấp xã. Tỉnh khuyến khích mỗi xã, phường, thị trấn thành lập một Câu lạc bộ Đờn ca tài tử và hò Đồng Tháp khóm, ấp.
Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghề thủ công truyền thống giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh có hơn 1.300 hộ tham gia, với khoảng 3.665 lao động, trong đó 2.870 lao động thường xuyên. Tổng doanh thu của các làng nghề là hơn 298 tỷ đồng. Thu nhập bình quân khoảng 2,25 triệu đồng/người/tháng. Nhìn chung, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia này đã để lại giá trị quý báu, giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người dân nông thôn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Tỉnh tiếp tục nhân rộng các mô hình sản phẩm làng nghề phục vụ đời sống đương đại, mô hình phát triển làng nghề gắn kết với hoạt động du lịch, sản phẩm du lịch; tổ chức cuộc thi thiết kế sản phẩm quà lưu niệm, quà tặng du lịch từ nghề truyền thống; quảng bá tiềm năng du lịch, giới thiệu bản sắc văn hóa truyền thống của quê hương, con người, thiên nhiên và sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc văn hóa Đồng Tháp tới du khách gần xa.
Đồng Tháp tổ chức xuất bản các ấn phẩm sách, ảnh giới thiệu, quảng bá về di sản. Đồng thời, tỉnh ứng dụng giải pháp, mô hình cải tiến công nghệ sản xuất, quy trình, nguyên vật liệu, mẫu mã sản phẩm; ứng dụng giải pháp công nghệ thông tin trong hoạt động quảng bá giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên các nền tảng mạng xã hội như, Zalo, Facebook, Youtube…/.