Đồng Nai phấn đấu trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa trong khu vực
(ĐCSVN) – Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, địa phương này đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành cửa ngõ trung chuyển của cả miền Nam với hệ thống cơ sở hạ tầng đáp ứng tốt nhu cầu vận chuyển, kho bãi của các doanh nghiệp trong vùng.
Được biết, hiện ngành logistics được cho là sẽ có mức tăng trưởng cao nhất trong các ngành dịch vụ của tỉnh Đồng Nai, do lợi thế lớn của Đồng Nai là tiếp giáp với thành phố Hồ Chí Minh, gần các cảng biển lớn, có nhiều khu công nghiệp đang hoạt động và tiếp tục phát triển thêm các khu khác. Do đó, số lượng doanh nghiệp xuất, nhập khẩu hàng hóa rất lớn, tạo cơ hội cho phát triển cảng, logistics.
Để ngành dịch vụ logistics phát huy vai trò, tiềm năng và lợi thế, tỉnh Đồng Nai đang nỗ lực đầu tư phát triển đồng bộ các dịch vụ phụ trợ đảm bảo nhu cầu của nhà đầu tư một cách ổn định. Đồng thời, nguồn ngân sách đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông cũng là lợi thế để Đồng Nai đẩy mạnh thu hút dịch vụ logistics.
Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là căn cứ khoa học và công cụ pháp lý quan trọng để chính quyền các cấp của tỉnh Đồng Nai sử dụng trong việc hoạch định chính sách và quản lý sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, là cơ sở để triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Thi công hạ tầng Cảng hàng không quốc tế Long Thành - Đồng Nai. (Ảnh: K.V) |
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, hiện Đồng Nai thu hút nhiều dự án đầu tư FDI của các nhà đầu tư đến từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ, dẫn đầu là Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản. Bên cạnh đó, Đồng Nai có 39 Khu công nghiệp được quy hoạch với tổng diện tích đất trên 18.500ha. Hiện đã có 33 khu công nghiệp được cấp phép thành lập với tổng diện tích đất trên 10.514ha, trong đó có 31 khu công nghiệp đi vào hoạt động.
Hệ thống giao thông thuận tiện bao gồm 24 đường tỉnh, 233 tuyến đường huyện, Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc Nam, hệ thống đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết… Hiện tỉnh Đồng Nai đang phối hợp với Bộ Giao thông vận tải đẩy mạnh đầu tư hệ thống giao thông quốc gia và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, như dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường Vành đai 3 từ Tân Vạn - Nhơn Trạch, đường cao tốc Dầu Giây - Đà Lạt, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường vành đai 4.
Đặc biệt, với dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành diện tích 5.000 ha, quy mô vận chuyển 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa một năm dự kiến đưa vào khai thác giai đoạn 1 vào năm 2026 và sân bay Biên Hòa (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch là sân bay lưỡng dụng) đang được các ngành đẩy mạnh công tác triển khai đầu tư.
Bên cạnh hệ thống cảng biển - cảng sông cùng các dịch vụ logistic đã và đang được triển khai xây dựng trên diện tích 2000 ha như Cảng Đồng Nai, Cảng Gò Gầu, Cảng Phước An (tiếp nhận tàu có trọng tải đến 60 ngàn DWT) và cụm cảng biển nhóm V (huyện Nhơn Trạch, có thể đón các loại tàu có trọng tải lên đến 60 ngàn DWT), cùng với cụm cảng của TP. Hồ Chí Minh, cụm cảng của Bà Rịa - Vũng Tàu đang hoạt động (cảng Cái Mép), xây dựng Đồng Nai trở thành 01 trong những trung tâm trung chuyển hàng hóa lớn nhất Việt Nam.
Dự kiến, sau khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành, sân bay Biên Hòa đi vào hoạt động, tỉnh Đồng Nai sẽ trở thành một trong những trung tâm lưu trú, trung tâm logistic, trung tâm phát triển thương mại dịch vụ hàng không, dịch vụ phục vụ sản xuất công nghiệp hàng đầu Đông Nam Á và điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư. Các cơ sở hạ tầng giao thông đã và đang được xây dựng sẽ giúp tỉnh Đồng Nai kết nối tốt hơn với các trục hành lang kinh tế trong khu vực Đông Nam Á, kết nối hiệu quả với hành lang Kinh tế Trung Quốc - Bán đảo Đông Dương, Hành lang kinh tế phía Nam (SEC), Hành lang kinh tế phía Đông Tây (EWEC), Hành lang kinh tế Ấn Độ - Khu vực Mekong,... tạo hành lang vận tải đa phương thức nội bộ thành phố và liên vùng, xuyên biên giới, phát huy vai trò vận tải hàng hóa và logistics hàng hóa, đặc biệt là logistics hàng không./.